Những điều thí sinh cần nhớ nhất sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia 2019

Hoàng Đan |

Theo các chuyên gia giáo dục, sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia 2019, các thí sinh cần nhớ những mốc thời gian để chuẩn bị những việc làm cần thiết.

Điểm thi năm nay cho thấy "bức tranh sáng sủa hơn"

Sáng nay, 14/7, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi và kết quả phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, điểm trung bình các môn thi năm nay hầu hết đều cao hơn năm 2018.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng, nhìn từ phổ điểm có thể thấy, điểm trung bình của tất cả các môn năm nay đều cao hơn năm ngoái từ khoảng 10-20%.

"Điểm thi năm nay đảm bảo mức độ phân hóa như năm ngoái nhưng bức tranh sáng sủa hơn nhiều", Ông Tùng nhận định.

Lý giải về phổ điểm này, ông Tùng cho rằng, chứng tỏ việc ra đề thi năm nay đã đảm bảo tính phân hóa, phù hợp với trình độ của học sinh, không còn quá khó như năm trước.

Những điều thí sinh cần nhớ nhất sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia 2019 - Ảnh 1.

Ông Lê Trường Tùng.

Cũng nhìn từ phổ điểm, ông Tùng đặt ra một số vấn đề cần xem xét, trong đó vẫn là câu chuyện của nhiều năm trước về số điểm thấp của môn Lịch sử và Tiếng Anh.

"Môn Tiếng Anh khá đặc biệt, điểm trung bình trên 4, số điểm thấp rất lớn nhưng số điểm cao cũng rất nhiều và nếu tính riêng cho từng địa phương thì điểm cao vượt trội thuộc về các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Điều này cho thấy dù là môn quan trọng, môn bắt buộc để tính điểm thi tốt nghiệp và là môn học cần thiết cho học sinh trong tương lai, nhưng chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các địa phương", ông Tùng nói.

Môn Lịch sử cũng trong tình trạng tương tự khi số điểm thấp chiếm tới hơn 70% nhưng số điểm 10 cũng khá lớn (hơn 80 điểm 10).

Từ đây, ông Tùng đề nghị cần có có lí giải để tìm ra nguyên nhân của việc môn Lịch sử và Tiếng Anh nhiều năm liền là 2 môn có số điểm trung bình thấp nhất để có giải pháp khắc phục trong cách dạy và học.

Những điều thí sinh cần nhớ nhất sau khi biết điểm thi

Theo các chuyên gia giáo dục, sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia 2019, các thí sinh cần nhớ những mốc thời gian để chuẩn bị những việc làm cần thiết. Cụ thể:

Chậm nhất ngày 21/7, các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính), in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia cho thí sinh.

Nhận đơn phúc khảo từ ngày công bố kết quả đến hết ngày 23/7.

Chuẩn bị xét tuyển:

Trước 17h ngày 18/7, các trường ĐH, CĐ gửi kết quả xét tuyển cho các Sở GD&ĐT để thông báo đến thí sinh.

Trước ngày 22/7, các trường ĐH, CĐ công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Từ ngày 22 - 29/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến. Từ ngày 22 - 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Công bố kết quả xét tuyển:

Trước 17h ngày 9/8, các trường ĐH, CĐ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17h ngày 15/8, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.

Xét tuyển bổ sung:

Từ ngày 28/8, các trường ĐH, CĐ tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển).

Thí sinh có 10 ngày để nộp đơn phúc khảo

Kết quả thi THPT được công bố vào ngày 14/7. Sau khi nhận kết quả, nếu cảm thấy điểm số không đúng với số điểm mà mình chắc chắn, thí sinh đều có thể làm đơn phúc khảo để được chấm lại bài thi.

Quy trình phúc khảo và cách thức phúc khảo đổi với dạng bài tự luận và trắc nghiệm sẽ khác nhau.

Thời gian phúc khảo là 10 ngày: Từ ngày 14/7/2019 – 23/7/2019. Các trường THPT sẽ cập nhật danh sách các thí sinh phúc khảo và gửi danh sách đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm và tự luận cho Sở GD-ĐT để Sở tập hợp, gửi danh sách đến các hội đồng thi.

Kết quả phúc khảo bài thi hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo do các Sở GD-ĐT chủ trì hoàn thành chậm nhất ngày 4/8/2019.

Quy trình phúc khảo: Đối với bài thi trắc nghiệm, quá trình phúc khảo sẽ có đầy đủ các thành viên tổ chấm phúc khảo và bộ phận giám sát. Bài thi sẽ được đối chiếu từng câu hỏi đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với kết quả tệp đã quét lưu trong máy tính.

Nếu có sai lệch, tổ chấm điểm sẽ in phiếu chấm (từ phần mềm chấm thi) trước và sau khi sửa để lưu hồ sơ, đồng thời xác định nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch.

Nếu điểm số sai lệch so với lần trước thì số điểm mới của thí sinh sẽ là điểm nhận được sau khi phúc khảo.

Bài thi nếu lệch 0,25 điểm so với đợt đầu thì sẽ điều chỉnh điểm

Đối với bài thi tự luận, bài tự luận được chấm theo nguyên tắc hai cán bộ chấm độc lập trên một bài thi và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.

Nếu cả 2 số điểm của 2 cán bộ giống nhau thì đó là điểm chính thức sau khi phúc khảo.

Nếu có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.

Nếu cả 3 lần chấm đều chênh lệch điểm thì sẽ lấy điểm trung bình của 3 cán bộ chấm thi làm điểm phúc khảo.

Bài thi nếu lệch 0,25 điểm so với đợt đầu thì sẽ điều chỉnh điểm. Nếu lệch 0,5 thì sẽ hội đồng thi phải tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ coi thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực, hội đồng thi sẽ xử lý theo quy định

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại