LTS: "Ký sự Syria" của VTV đang nhận được khen chê nhiều chiều của dư luận. Xin giới thiệu góc nhìn khác của nhà báo Võ Trung Dung, người Pháp gốc Việt, một cây viết theo mảng phóng sự mạo hiểm. Anh từng có mặt hầu hết các chiến sự "nóng" trên thế giới, trong đó có 4 lần đến Syria.
Đêm qua, bét mắt ra nhờ ly cà phê đen, coi 'phóng sự' dài hơn 30 phút đang làm dậy sóng dư luận và làng báo. Mình xin viết vài suy nghĩ đóng góp cho cộng đồng.
Nhìn và suy nghĩ từ kinh nghiệm cá nhân. Khiêm tốn. Không ném đá mà đem đá tới góp phần xây dựng kỹ năng báo chí.
Một điểm tích cực và nhiều vấn đề.
1. Tích cực: Rất hiếm khi báo đài VN gởi phóng viên ra chiến trường hay những nơi đang xung đột, tranh chấp. VTV 24 đi Syria, dù chỉ đi trong vùng kiểm soát của quân đội chính quy. Hình ảnh (tự quay) và dựng phim có chất lượng khá tốt, nhiều kịch tính.
Thể loại, hình thức này là xu hướng của truyền hình quốc tế. Thích hay không thích. Mình thì không. Nhưng đối với truyền hình VN, đây là sự đột phá.
Lý do vì sao hiếm phóng viên được phép đi? Tốn kém? Theo mình, các báo đài lớn có thể chi được. Nhưng thôi. Mình để cho các lãnh đạo toà soạn trả lời câu hỏi này.
Vì vậy, chuyện ê kíp của Lê Bình đi Syria hay trước đó làm về người tỵ nạn đổ vô châu Âu sẽ làm tiền lệ cho các ê kíp/tòa soạn khác. Bởi sự cạnh tranh. Đây là điều tích cực.
2. Hậu trường: Mình chắc chắn 99% đây là phóng sự được tổ chức, dàn dựng từ A tới Z, nhân vật được chọn lọc, có kịch bản, tài trợ (hay mời) bởi chính phủ Syria để quảng cáo, đưa quan điểm của họ. Đây là chuyện bình thường, không có gì xấu.
Doanh nghiệp hay chính phủ ở bất cứ nơi nào đều làm truyền thông có lợi cho họ. Quan trọng là phóng viên, nhà báo phải kiểm chứng, đối chấp thông tin để xác định độ tin cậy. Và điều chỉnh nếu cần thiết.
Làm cho báo Âu, mình thường xuyên được nhận thư mời, đã từng nhận lời tham gia các chuyến truyền thông này. Thông thường, đó là cơ hội duy nhứt để tiếp cận hiện trường.
Đặc biệt là ở Syria nếu muốn kể tình hình trong vùng lãnh thổ còn dưới kiểm soát của Damascus. Hoặc đi thăm nhà tù của Mỹ ở Guatanamo, v.v.
Tuy nhiên, trong phóng sự, mình ghi/nói rõ về chuyện được mời, chuyến đi được tổ chức bởi ai và những giới hạn (hay không) tiếp cận thông tin, nhân chứng, độ khách quan. Minh bạch với khán giả đọc giả là yếu tố cốt lõi của nghề báo. Và sự bắt buộc.
Nhà báo Võ Trung Dung
Một số báo đài - như Le Monde, France 2 TV - chỉ nhận phần tổ chức và đề nghị tự trả chi phí đi lại ăn ở. Được mời không có nghĩa là đi làm 'quảng cáo'.
3. Nội dung: Thể loại ký sự hay phóng sự, nội dung có rất nhiều khuyết điểm lớn.
Cảm xúc đơn thuần không đủ. Không bao giờ đủ để kể chuyện. Đặc biệt đối với các chủ đề như chiến tranh xung đột phức tạp như ở Syria. Không ai trắng không ai đen.
Không có thông tin, không có khung và bối cảnh lịch sử (ít nhiều) để khán giả không chuyên môn (đại đa số) có thể hiểu - tối thiểu - mình đang coi cái gì? Nhóm phóng viên không nắm được chủ đề và tình hình. Và thiếu kinh nghiệm.
Kết quả: 'Ký sự Syria...' trở thành 34 phút phim tuyên truyền cho Damascus..
4. Bên lề: Mình nghĩ cảm xúc của Lê Bình và các phóng viên có thể thành thật mặc dù phim dựng đã đưa cảm xúc này nhiều hơn cần thiết.
Như đã viết ở trên, do thiếu kinh nhiệm, thiếu kỹ năng cần thiết cho chủ đề này, nhóm phóng viên có thể vô tình trở thành 'nạn nhân' của kịch bản tuyên truyền do Damascus dựng lên như ở một 'phim trường'.
Mình khẳng định là thời gian và nơi đoàn phóng viên tác nghiệp không có gì nguy hiểm, không có 'phiến quân', càng không có tay súng 'địch' nào ở 20 mét gần đó. Cách thủ đô Syria chừng 10 cây số, có vài vùng nằm dưới kiểm soát của lực lượng đối lập.
Nơi đây, có khoản 100m tới 500m vùng đệm 'biên giới' giữa quân đội chính quy và 'Lực lượng Syria tự do' cùng Al-Nusra (Hồi giáo cực đoan). IS/Daesh thì không có ở đây. Còn Homs thì không còn lực lượng đối lập.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả!