Kỹ sư công nghệ cao lũ lượt rời bỏ nước Mỹ của ông Trump để đến với "giấc mơ Canada"

Khánh Ly |

Chỉ trong năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, số lao động có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ được cấp thẻ thường trú ở Canada đã tăng gần 40% so với năm 2016.

Những điểm khác biệt trong các chính sách nhập cư hiện hành của Mỹ và Canada đang tạo ra nhiều cơ hội lớn để các doanh nghiệp của "xứ sở lá phong" thu hút nhân tài.

Vikram Rangnekar lớn lên ở Mumbai, theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Delaware, và khi mà chính quyền Obama bước vào thời kỳ "xế chiều" thì cũng là lúc Rangnekar đã làm việc ở Thung lũng Silicon được gần 6 năm. Nhờ công việc kỹ sư phần mềm tại LinkedIn, mà Rangnekar đã có được visa H-1B, loại visa tạm trú cấp cho những lao động chất lượng cao.

Ra đời vào năm 1990 trong khuôn khổ chương trình cải cách nhập cư được cựu Tổng thống George H.W. Bush thông qua, diện visa H-1B đã bộc lộ những khuyết điểm rõ ràng ngay từ những ngày đầu.

Hạn ngạch cấp visa H-1B liên tục biến động, nhưng trong 5 ngày mở đơn vào đầu tháng Tư vừa qua, có khoảng 190.000 người chen chân để có tên trong 85.000 suất. Thậm chí, cũng với hạn ngạch này, con số đơn xin cấp visa H-1B của năm 2017 còn lên đến 236.000 người. Những người may mắn sẽ được chọn ra thông qua trò chơi may rủi: quay xổ số.

H-1B tiêu tốn của các doanh nghiệp từ 1.710-7.700 USD, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô công ty hay mức độ phục thuộc vào lao động nước ngoài. Khoản tiền này được dành để đào tạo lao động Mỹ về khoa học và công nghệ, nhưng một phân tích của Viện nghiên cứu Brookings chỉ ra rằng khoản tiền này lại không được dành cho những lĩnh vực có nhu cầu lao động công nghệ cao nhất, hay chính là những lĩnh vực có nhiều người Mỹ được hưởng lợi hơn cả.

Quay trở lại câu chuyện của Rangnekar, công ty của anh đã bắt đầu quá trình tài trợ thẻ xanh cho Rangnekar vào năm 2012. Nhưng Rangnekar biết hàng chục đồng nghiệp của anh cũng là những lao động tay nghề cao từ Ấn Độ đã phải mòn mỏi chờ đợi cả chục năm hay thậm chí còn lâu hơn thế nhưng vẫn chưa được cấp thẻ xanh. Nhiều người nói với anh rằng phải đến 20 năm, thậm chí là 50 năm, mới đến lượt anh.

Là một người trẻ nhạy bén nắm trong tay những kỹ năng mà thị trường lao động đang cần đến, Rangnekar không có lý do gì để cuộc sống của gia đình mình phải phụ thuộc vào sự bất định của việc xin cấp thẻ xanh. Đầu mùa thu năm 2016, Rangnekar cùng với vợ và hai cậu con trai đã quyết định đến với Canada.

Năm 1967, Canada trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống nhập cư dựa trên cơ sở tính điểm. Quốc gia Bắc Mỹ này thường xuyên điều chỉnh cách tính điểm theo những mục tiêu quốc gia và nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như một lời mời công việc đã từng có mức điểm 600, nhưng hiện giờ chỉ có 200 điểm. Những yếu tố khác như nói thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tốt hơn hết là cả hai ngày càng được ưu tiên hơn, và hệ thống nhập cư của Canada không xét đến yếu tố quê quán.

Năm 2016, Canada nâng hạn mức dân nhập cư trên cả nước lên 300.000 thường trú nhân mới mỗi năm.

Năm ngoái, sau khi tham vấn các tổ chức thương mại, Canada cho ra đời một chương trình với tên gọi Chiến lược kỹ năng toàn cầu, theo đó cấp giấy phép làm việc tạm thời cho những ai nhận được lời mời làm việc ở một số ngành nhất định, trong đó có kỹ sư phần mềm cấp cao, với thời gian xử lý hồ sơ chỉ kéo dài trong vòng hai tuần.

Kể từ khi chương trình này bắt đầu vào tháng Sáu, đã có hơn 5.600 người từ nhiều nước khác như như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Brazil… được cấp phép.

Chỉ ít năm trước đây, ở Toronto không có nhiều công việc có sức hút đối với một kỹ sư cấp cao, nhưng điều này đã thay đổi.

Nhiều "ông lớn" ông nghệ, trong đó có Google, Uber, và Amazon, đang mở rộng các cơ sở kỹ thuật của mình, và Chính phủ Canada cũng đang dồn lực đầu tư vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và những đơn vị như MaRS Discovery District, một vườn ươm công nghệ, nơi mà các startup ở đây đã tạo công ăn việc làm cho hơn 6.000 người tính đến cuối năm 2016.

Không chỉ Toronto mà giới kỹ sư công nghệ cấp cao cũng có thể tìm được chỗ đứng cho mình ở các thành phố khác của Canada như Montreal, Ottawa và Vancouver.

Bên cạnh những khó khăn trong quy định, thì tâm lý phân biệt chủng tộc cũng là một yếu tố khiến nước Mỹ không còn là một nơi an toàn cho những lao động nhập cư . Còn nhớ vụ xả súng ở Olathe, Kansas, khi một người đàn ông da trắng bước vào một quan bar, hét to "biến khỏi đất nước của tôi" và bắn hai kỹ sư người Ấn Độ.

Ở Canada cũng có những hội nhóm phản đối dân nhập cư, nhưng không đến mức cực đoan như ở Mỹ và châu Âu.

Với đất nước này, dân nhập cư là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, cứ 5 người dân ở Canada thì có ít nhất 1 người được sinh ra ở nước ngoài. Đặc biệt, tỷ lệ này ở Toronto, nơi cộng đồng người Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, còn lên đến hơn 50%.

Tổng thống Donald Trump cũng đã kêu gọi hạn chế dòng người nhập cư và đặc biệt cáo buộc hệ thống visa H-1B đã cướp đi việc làm của người Mỹ. Vị Tổng thống này cũng ủng hộ việc áp dụng một hệ thống nhập cư dựa trên cách tính điểm tương tự như Canada. Tuy nhiên, vì bất cứ thay đổi nào trong luật nhập cư cũng phải được quốc hội thông qua, nên Mỹ khó có thể "sao chép" hệ thống nhập cư linh hoạt này.

Rõ ràng, "giấc mơ Mỹ" đang dần trở nên kém lung linh hơn với những người lao động nhập cư, đặc biệt khi "miền đất hứa" Canada luôn dang tay chào đón những ai muốn nắm bắt nhưng cơ hội mà đất nước này tạo ra cho họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại