Thái Lan đang nỗ lực để bảo vệ vị trí “Detroit của châu Á" trong khi Indonesia thu hẹp khoảng cách về sản xuất ô tô bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn để bứt tốc trong cuộc chuyển đổi toàn cầu sang xe điện và các phương tiện sử dụng năng lượng mới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh G7 mới đây tại Hiroshima (Nhật Bản) như một cơ hội để vận động các nhà lạnh đạo thế giới tung các khoản đầu tư liên quan đến xe điện. Trong khi đối thủ Thái Lan bận rộn với việc thành lập chính phủ mới, ông Widodo đang tích cực quảng bá đất nước của mình.
Theo công ty nghiên cứu MarkLines, sản lượng ô tô của Thái Lan đã giảm dần kể từ mức cao nhất năm 2013 là 2,45 triệu xe, xuống còn 1,88 triệu xe vào năm 2022, tức 23%. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là các động thái dịch chuyển sản xuất khỏi Thái Lan, một phần đến từ đợt lũ lụt quy mô lớn trong những năm 2010.
Trong khi đó, sản lượng của Indonesia lại tăng hơn 30% cùng kỳ, đạt gần 1,47 triệu xe vào năm 2022. Mức sản lượng này đã bằng 80% so với Thái Lan và con số này có thể tăng lên 1,6 triệu xe trong năm nay.
Chỉ nhìn vào ô tô du lịch, sản lượng của Indonesia đã vượt qua Thái Lan vào năm 2014 và gần đây đã tăng gấp đôi sản lượng của đối thủ.
Thiên thời, địa lợi đối với Indonesia
Sự phát triển của thị trường EV toàn cầu là một “cơn gió lớn” đối với Indonesia. Họ sở hữu một lượng nickel dồi dào - được xem là nhất thế giới, một vật liệu quan trọng hàng đầu để sản xuất pin EV. Các khoản đầu tư vào vào Indonesia đang tăng lên nhanh chóng. Chính phủ nước này đã thông báo hồi tháng 4 rằng Volkswagen đang xem xét đầu tư vào một dự án sản xuất nickel cùng với Ford.
Chính phủ nước này cũng nhanh chóng ban hành chính sách ưu đãi cho xe điện, chẳng hạn giảm VAT từ 11% xuống 1%. Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước với ít nhất 40% linh kiện nội địa.
Hyundai Motor chọn Indonesia là nơi đầu tiên để mở nhà máy sản xuất tại Đông Nam Á.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu phản ứng hoàn toàn tích cực. Hyundai Motor (Hàn Quốc) và SAIC-GM-Wuling (Trung Quốc) đã bắt đầu sản xuất xe điện ở Indonesia vào năm 2022 và Tesla được cho sắp đạt thỏa thuận sơ bộ để thiết lập cơ sở tại đây.
LG Energy Solutions của Hàn Quốc đang cùng với Hyundai Motor xây dựng một nhà máy sản xuất pin, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024. CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Indonesia.
Thái Lan không chịu lép vế
Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan hình thành vào những năm 1960 khi các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota bắt đầu sản xuất tại đây và chuỗi cung ứng đã phát triển ngay sau đó. Nơi đây trở thành cơ sở xuất khẩu không chỉ có thị trường Đông Nam Á mà còn cả Úc, Trung Đông và châu Phi.
Mặc dù vậy, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang quá chậm đối với xe điện. Ô tô Nhật Bản vẫn rất phổ biến ở Thái Lan và sự hào hứng với xe điện đang dâng cao. Việc các hãng xe Nhật chậm chạp gia nhập thị trường có thể đang cản trở ngành công nghiệp ô tô nước này, Nikkei dẫn lời một nguồn tin từ chính phủ Thái Lan.
Thái Lan tất nhiên không chịu ngồi yên khi đặt mục tiêu 30% ô tô mới sản xuất tại nước này là xe điện vào năm 2030. Nước này đã đưa ra các ưu đãi lớn vào tháng 2/2022, trong đó quan trọng nhất là khoản trợ cấp lên đến 4.300 USD cho xe điện sản xuất trong nước. Thuế hàng hóa đối với xe điện chở khách cũng giảm từ 8% xuống 2%. Xe bán tải, vốn được ưa chuộng đặc biệt tại Thái Lan, sẽ được miễn thuế.
Chiếc BYD Dolphine trưng bày tại triển lãm BangKok mới đây.
Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, một chiếc xe điện Trung Quốc có giá khoảng 1 triệu baht sẽ được giảm khoảng 200.000 baht, gồm cả trợ cấp và giảm thuế. So với nước khác, chính sách của Thái Lan hỗ trợ cả việc sản xuất và bán hàng, theo Askhay Prasad từ công ty tư vấn Arthur D.Little của Mỹ.
Hồi tháng 9, gã khổng lồ xe điện BYD của Trung Quốc đã thông báo sẽ xây dựng một nhà máy xe điện ở tỉnh Rayong, miền đông Thái Lan, đánh dấu lần đầu tiên nhà sản xuất ô tô này đồng ý xây dựng một nhà máy xe điện chở khách bên ngoài Trung Quốc.
Vào tháng 4, Changan Automobile của Trung Quốc thông báo đầu tư 9,8 tỷ baht vào 1 nhà máy EV ở Thái Lan. SAIC Motor và Great Wall Motor cũng có kế hoạch sản xuất xe tại nước này.
Chính phủ đã công bố chiến lược đầu tư 5 năm, bắt đầu từ năm nay, gồm miễn thuế 10-13 năm cho việc sản xuất xe điện chạy bằng pin nhiên liệu. Các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đủ điều kiện để được giảm thuế.
Hồi tháng 12, Toyota thông báo sẽ hợp tác với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan để sử dụng khí sinh học từ phân gia súc để sản xuất hydro, sử dụng cho các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu.
Thái Lan đang cố gắng vượt lên dẫn đầu bằng cách mở rộng phạm vi tiếp cận không chỉ với xe điện mà còn với các phương tiện sử dụng năng lượng mới nói chung. Sự vươn lên mạnh mẽ của Indonesia sẽ là động lực khiến cuộc đua này trở nên hấp dẫn hơn.