Năm 1942, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống quân phát xít Đức đang ở đỉnh điểm khó khăn.
Tại một cuộc họp, Tổng tư lệnh Stalin và các tướng lĩnh có bàn đến việc ngụy trang khí tài của quân đội nhằm giảm thiểu thiệt hại sau những cuộc không kích của kẻ thù.
Stalin lệnh phải nhanh chóng tiến hành công tác ngụy trang, tuy nhiên cần phải tiến hành một cách khoa học, chứ không phải đơn giản như vẫn làm. Nhiều tướng lĩnh đề nghị học theo cách ngụy trang của quân Đức nhưng không được Stalin chấp thuận.
Một vị tướng tham gia cuộc họp rụt rè báo cáo rằng có một người có thể giúp Hồng quân trong việc này. Đó là giáo sư Shvanvich, nguyên trưởng khoa Côn trùng học của Trường ĐHTH Leningrad (Khoa này đã bị giải thể trong thập niên 30).
Shvanvich đã có nhiều năm liền nghiên cứu đề tài màu sắc ngụy trang của loài bướm.
Chân dung giáo sư Boris Shvanvich
Nghe đến đó, Stalin liền yêu cầu ngay trong ngày hôm đó phải đưa giáo sư Shvanvich về Moskva để gặp trực tiếp ông.
Lệnh của Stalin mau chóng được thực hiện. Nhưng khi gọi điện đến Saratov, nơi Trường ĐHTH Leningrad sơ tán, người ta cho biết giáo sư Shvanvich vẫn ở lại thành phố Leningrad đang bị phong tỏa.
Một chiếc máy bay được lệnh xuất kích đến Leningrad. Khi tìm đến nhà, các chiến sĩ thấy vị giáo sư gầy yếu đang nằm trên giường, không thể gượng dậy vì đói lả. Trên chuyến bay về thủ đô, Shvanvich được bón cho món súp gà để hồi phục sức khỏe.
Ngay đêm đó, Shvanvich đươc đưa đến phòng làm việc của Stalin.Tổng tư lệnh tối cao nhìn vị giáo sư gầy gò, râu ria tua tủa với anh mắt đầy nghi ngờ và giải thích rõ cho ông nhiệm vụ cần phải tiến hành gấp. Stalin hỏi:
- Sao, giáo sư, đồng chí có thể giúp đỡ quân đội và mặt trận được chứ?
- Vâng, tôi có thể - Shvanvich trả lời tự tin.
- Vậy đồng chí cần những gì?
- Tôi cần 3 ngày và 2 họa sĩ.
Sau 3 ngày, giáo sư Boris Shvanvich có mặt tại cuộc họp của Bộ chỉ huy. Khi trình bày phương án ngụy trang của mình, ông cố gắng không sử dụng các thuật ngữ khoa học chuyên ngành.
Những gì mà Shvanvich trình bày thật đơn giản và dễ hiểu. Nói ngắn gọn, những chỗ nào mà nhô cao thì sơn màu tối, còn những chỗ tối và bề mặt lõm, thì sơn cho sáng lên. Các họa sĩ, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Shvanvich, đã cho Stalin và các tướng lĩnh "thực mục sở thị" kỹ thuật ngụy trang khí tài theo từng mùa trong năm.
Trên bàn họp là các mô hình thạch cao, sau đó được sơn phủ các màu sắc khác nhau để khi nhìn từ trên cao, chúng như bị "dát phẳng" và hòa lẫn vào thực địa.
Một năm sau, giáo sư Shvanvich lại được gọi đến gặp Stalin.
- Giáo sư, mọi việc đồng chí thực hiện rất tốt. Hãy cho tôi biết đồng chí cần gì không?
Không chần chừ, Shvanvich trả lời:
- Tôi muốn khoa Côn trùng học được tái lập. Trước đây đã có khoa như thế ở trường tôi, nhưng giờ thì không còn.
Stalin đã đồng ý với đề xuất của nhà khoa học. Từ năm 1944 đến năm 1955, Boris Shvanvich tiếp tục là trưởng khoa Côn trùng học của Trường ĐHTH Leningrad.
Giáo sư Boris Nikolaevich Shvanvich là tác giả cùa nhiều cuốn sách giáo khoa về Côn trùng học, Cuốn "Côn trùng học đại cương" của ông xuất bản năm 1949 được coi là một trong những cuốn sách giáo khoa cơ bản nhất của môn khoa học này. Ông qua đời vào tháng 12/1957.
Ngôi mộ của Shvanvich
Trên ngôi mộ của vị giáo sư này ở nghĩa trang Bolsheokhtinskoe, thành phố Saint Peterburg (trước đây là Leningrad) có một tấm đá hoa cương, trên đó có một cánh bướm bằng kim loại. Nhìn từ xa, không có một chiếc xe tăng nào cả. Nhưng có đấy, lại gần và nhìn thật kỹ, sẽ thấy hình những chiếc xe tăng đang ẩn mình trong cánh bướm.
Cánh bướm có ẩn hình những chiếc xe tăng