Nhóm nghiên cứu gồm 31 thành viên đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Viện Khoa học Indonesia (LIPI) đã tham gia Cuộc thám hiểm đa dạng sinh học đáy biển Nam Java 2018 (SJADES 2018) để khảo sát những vùng biển sâu chưa được khám phá ngoài bờ biển phía Nam của Tây Java (Indonesia) và thu thập được hơn 12000 sinh vật biển trong chuyến đi 14 ngày của họ.
Khu vực thám hiểm bao gồm một đoạn dài của Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển phía nam của Tây Java đến eo biển Sunda.
Đoàn thám hiểm khởi hành từ Jakarta, qua eo biển Sunda và cập cảng Cilacap của Indonesia, ở phía Nam của Tây Java. Ảnh: SJADES 2018.
Sử dụng những chiếc lưới và thiết bị đặc biệt có khả năng vây bắt những sinh vật cực nhỏ, thậm chí dài vài milimet, nhóm nghiên cứu đã thu thập được hơn 12000 mẫu sinh vật từ 63 địa điểm ở độ sâu từ 500m đến 2.000m. Khoảng 800 loài thuộc hơn 200 họ sứa, nhuyễn thể, sao biển, nhím, giun, cua, tôm và cá đã được phát hiện.
Thêm vào đó là khoảng 12 loài tôm cua có hình dáng kỳ lạ chưa từng được nhìn thấy.
Người đồng dẫn dắt cuộc thám hiểm, giáo sư Peter Ng, giám đốc bảo tàng lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: "Bao phủ Trái Đất là đại dương và nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng Trái Đất cũng khá sâu. Độ sâu trung bình của đại dương là gần 4.000 m và thế giới ở độ sâu này con người chúng ta không thể hiểu được".
Loài cua mới được phát hiện dài 6cm này được gọi là "Big Ears" , thuộc chi Rochinia. Ảnh: SJADES 2018.
Ông cho biết thêm: "Đây là kết quả của 15 năm thảo luận và tìm hiểu về các khả năng. Đây là lần đầu tiên Singapore và Indonesia tổ chức một cuộc thám hiểm đa dạng sinh học đáy biển sâu và chúng tôi rất vui mừng khi khám phá ra được những động vật mà chưa có bất kỳ nhà sinh vật học nào khám phá ra trước đây.
Chắc chắn có một sự giàu có của đa dạng sinh học vẫn còn được khám phá, phần lớn trong số đó chưa được biết đến và còn mới mẻ đối với khoa học. Chúng ta không thể bảo vệ những gì chúng ta không biết đến sự tồn tại của nó".
Loài tôm kỳ lạ có một chiếc càng tiến hóa hơn hẳn bên còn lại. Ảnh: SJADES 2018.
Một con mực có mắt phải to hơn hẳn mắt trái. Ảnh: SJADES 2018.
Một số loài cá mới được phát hiện. Ảnh: SJADES 2018.
Cuộc thám hiểm đa dạng sinh học đáy biển Nam Java năm 2018 được tổ chức lần đầu tiên dưới sự hợp tác của hai nước Singapore và Indonesia, nhằm phát hiện và nghiên cứu những loài sinh vật sinh sống dưới đáy biển sâu trong vùng biển ngoài khơi phía Nam Java.
Các mẫu thu thập sẽ được các nhà khoa học của cả hai nước nghiên cứu. Điều này sẽ mất khoảng hai năm, và kết quả sẽ được chia sẻ và thảo luận công khai tại một hội thảo đặc biệt sẽ được tổ chức ở Indonesia vào năm 2020.