LTS: Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý độc giả những kinh nghiệm tác nghiệp, những sự cố mà nhà báo Nguyễn Sơn đã thực sự gặp phải trên chiến trường, ngõ hầu giúp các phóng viên và độc giả có thêm một góc nhìn khác về công việc đầy hiểm nguy này.
Kỳ 1: Phóng viên chiến trường: Đã xem "ký sự Syria" thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN
Kỳ 2: "Ký sự Syria" và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự!
Kỳ 3: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: "Tôi đã phải sử dụng mưu mẹo như thế nào?"
Kỳ 4: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: 1.001 'mánh lới' vượt bế tắc
Kỳ 5: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Cuộc "diễn kịch chiến sự ác liệt" trước mắt nhà báo Việt
Kỳ 6: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt
Kỳ 7, cuối cùng: Giữa thủ đô kháng chiến
Căng thẳng dịu hẳn đi khi có tiếng xe từ xa dội lại. Một lúc sau, xe của đám Euro-Television chạy tới. Cậu phiên dịch nhảy xuống, leo lên xe tôi. Té ra anh lái xe không thấy xe của đám Euro-Television đâu, sai cậu phiên dịch chạy đi tìm. Vậy mà cậu ta không thèm bảo cho tôi biết lấy một tiếng.
"Mong ước lớn nhất của tôi là chiến tranh chấm dứt"
Đêm đầu tiên trên đất Afghanistan thật bình yên. Phòng ngủ do Bộ Ngoại giao sắp xếp rộng hơn 10 mét vuông, đang có hai nhà báo, một của truyền hình Canada, một của truyền hình Milan ở.
Tôi được cấp một tấm nệm. Tôi trải túi ngủ lên trên, kê balô làm gối, xếp máy tính xách tay và máy ảnh một bên rồi nằm thườn ra ngủ. Trong điều kiện chiến tranh, được như thế này thật tốt quá.
Buổi sáng tỉnh dậy, tôi mới biết cậu phóng viên của al-Jazeera cũng được phân vào cùng phòng, trải đệm nằm ngay bên cạnh tôi.
Những túp lều tị nạn. Ảnh tác giả Nguyễn Sơn cung cấp
Sáng hôm sau, xin giấy giới thiệu xong, tôi xuống đường. Thủ đô kháng chiến giống như một tổ mối khổng lồ. Tất cả đều được đắp bằng đất. Tường đất, nhà đất, mái nhà đất, đến người cũng lấm toàn bụi đất luôn. Mỗi khi có tiếng bom đạn từ chiến trường vọng về, thành phố lại rung lên bần bật và bụi bốc mù trời.
Thành phố thủ đô kháng chiến có cái tên rất dài - Khojabakhauddin. Mấy năm trước, thành phố mới chỉ có 2.000 dân. Giờ đây nó đã có tới trên 40.000 dân.
PV Nguyễn Sơn với Thị trưởng Khoja Bakhauddin và các con trai trong hầm trú ẩn. Ảnh do tác giả cung cấp
Ông thị trưởng Mukhamadorun Vakiliaraay cho biết: Mặc dù thành phố chỉ cách chiến tuyến có hơn 15 km, nhưng dân chúng ở đây sống rất bình yên. Hai vấn đề có liên quan đến chiến trường là dòng người tị nạn và thương binh từ chiến tuyến chuyển về.
Ông bảo: "Mong muốn lớn nhất của tôi là chiến tranh sớm kết thúc để dân chúng được yên ổn". "Thế còn mong ước riêng của ông?". "Mong ước riêng cũng là mong ước chung thôi. Cái nhà bị cháy thì làm sao cứu riêng cái xà nhà được".
Tổ mối khổng lồ mang tên Khoja Bakhauddin - thủ đô kháng chiến của Liên minh phương Bắc. Ảnh do tác giả Nguyễn Sơn cung cấp
Trục xuất "Điệp viên" Taliban
Tôi trở về đến trụ sở Bộ Ngoại giao khá muộn. Elio - phóng viên đài truyền hình Milan cùng phòng với tôi - kéo tôi ra một góc, thì thầm: "Ali bị trục xuất rồi đấy!". "Sao vậy?". "Nó là người của al-Jazeera. Khiếp không. Thế mà dám mò vào tận đây".
Ali là tên cậu phóng viên của đài truyền hình al-Jazeera, phương tiện thông tin đại chúng duy nhất được đưa tin từ trong lòng Taliban trong cuộc chiến tranh này.
Mới chào hỏi nhau buổi sáng, giờ cậu ta đã bị tống cổ qua biên giới.
Chỉ có tôi và cô phóng viên của báo The Boston Globe biết cậu ta là người của al-Jazeera, còn với Bộ Ngoại giao Liên minh phương Bắc và các nhà báo khác, cậu là một nhà báo Nga. Thế mà...
Trụ sở Bộ Ngoại giao cuta Liên minh phương Bắc tại Khoja Bakhauddin. Ảnh tác giả cung cấp
Tôi đưa mắt tìm cô The Boston Globe trong sân Bộ Ngoại giao, bắt gặp ánh mắt cô cũng đang nhìn tôi. Người ta nói rằng phụ nữ không thể giữ được bí mật. Có thể cô ta không ác ý, nhưng vui miệng nói ra bí mật của Ali với ai đó chăng. Và biết đâu cô ta cũng đang nghĩ về tôi tương tự như vậy.
Tôi vào phòng, cẩn thận hạ ba lô và đồ nghề xuống, nằm duỗi chân nhắm mắt. Tội nghiệp cho Ali, không biết cậu ta có bị đánh đập gì không.
Thứ trưởng Ngoại giao Habibullah Alohyar đẩy cửa vào hỏi thăm. Bỗng cần vụ hấp tấp chạy vào bảo gì đó bằng tiếng địa phương. Ông ta ngoắc tay: "Nhanh lên, sang xem thằng al-Jazeera nó nói cái gì".
Tôi bật dậy, chạy theo sang phòng ông. Các nhà báo đang xúm xít vòng trong vòng ngoài. Hóa ra truyền hình al-Jazeera đang phỏng vấn Ali qua điện thoại bằng tiếng Ả Rập.
Tôi nghe chẳng hiểu gì, nhưng thấy mừng mừng cho Ali. Ít nhất thì cậu ta cũng đã qua biên giới an toàn...
Còn Habibullah thì rất phẫn nộ: "Thấy không. Nó đến đây, tớ cấp phòng cho nó ngủ, bày cơm cho nó ăn. Thế mà nó gọi điện về nước bảo ở đây sống khổ như con lừa, con ngựa. Chính tớ bắt được đấy. Giấy tờ của nó giả hết. Cho bay luôn. Không thèm giam giữ. Sang bên kia cho an ninh Nga nó hành. Công dân Nga... Công dân Nga gì nó. Tiếng Nga nói còn không đúng trọng âm".
Tôi chợt hiểu: Vô phúc thay cho Ali, vị thứ trưởng ở đây lại quá rành tiếng Nga.
Tôi quay ra tìm cô The Boston Globe. Cô ta cũng đang tìm tôi. Hai chúng tôi cùng phát mạnh vào lòng bàn tay nhau thay cho lời xin lỗi. Dĩ nhiên, tôi nghi cô ta thì cô ta cũng có quyền nghi tôi chứ.
Thoát chết vì… thiếu tiền
Ba nhà báo thiệt mạng (phóng viên của đài phát thanh RFI – Pháp Johanne Sutton, đài phát thanh RTL – Luxembourg Pierre Billaud và tạp chí Stern của Đức Volker Handloik) cùng một nhà báo Mỹ bị thương hôm 11-11 là thiệt hại lớn đầu tiên cho giới báo chí hoạt động trong chiến khu của Liên minh phương Bắc.
Tôi đã may mắn thoát nạn nhờ một lý do hết sức bất ngờ: không có tiền.
Số là trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Liên minh, bác sĩ Abdulla Abdullo, ngày 6-11 (mà tôi không kịp tham dự), các nhà báo quốc tế cư ngụ trong Bộ Ngoại giao đã đặt câu hỏi: Tại sao tuần nào ông cũng thông báo Liên minh phương Bắc chiếm được thị trấn nọ, thành phố kia mà không để chúng tôi trực tiếp đến quan sát những thắng lợi đó?
Bác sĩ Abdullo trả lời: Các anh sẽ được mục kích những thắng lợi có thật ấy.
Hôm sau, nhân viên an ninh của Liên minh phương Bắc đi rỉ tai từng nhà báo nước ngoài rằng họ đang tổ chức một chuyến công du thị sát các thành thị vừa mới chiếm được từ tay Taliban ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Kabul. Họ được phép cho 6 nhà báo đi cùng. Giá phát ra là 2000 USD / người.
Tiền bạc của tôi không dư dả lắm nên thử trả giá 1000 USD. Thấy họ có vẻ ngần ngừ, tôi yên tâm rằng sau bữa trưa cứ việc nâng giá lên 1.100 – 1.200 USD là có thể đi được. Không ngờ sau bữa trưa thì hết chỗ. Tôi đành chặc lưỡi, chờ một dịp khác được tới Kabul với giá "hữu nghị" hơn.
Nào ngờ chiều 11-11 thì có tin báo về Bộ: đoàn thị sát rơi vào ổ phục kích của Taliban. Một nữ phóng viên Pháp tử thương và một nhà báo Mỹ bị thương vào chân.
Muộn hơn, có tin bổ sung: Thêm một nhà báo Pháp (sau đính chính là nhà báo Luxembourg) và một phóng viên tạp chí Đức Stern thiệt mạng.
Thật đáng sợ: Phóng viên tờ Stern là một trong số ba nhà báo của tạp chí này đi cùng tôi từ Moskva tới Dushanbe và sau đó là Afghanistan, còn nữ phóng viên Pháp Sutton thì vừa ngồi ăn cùng bàn với tôi tối hôm trước.
Muộn hơn chút nữa thì một phóng viên Úc (mà tôi không biết họ tên) đi cùng đoàn thị sát trở về. Té ra đoàn chẳng đi "ngoại ô Kabul" gì cả mà chỉ quanh quẩn trong khu vực gần Khojabakhauddin, thủ đô kháng chiến của Liên minh phương Bắc mà thôi.
Bốn phóng viên bị nạn đã ngồi nhờ bên sườn xe tăng của Liên minh phương Bắc và trúng đạn. Nhà báo Úc và một nhà báo Mỹ khác đi bộ theo nên không việc gì. Các nhân viên an ninh trong đoàn thị sát ngồi trong xe tăng, kịp núp vào trong nên cũng không việc gì nốt.
Chỉ khi ngồi trên máy bay từ Dushanbe về Moskva rồi Việt Nam, ngồi nghĩ lại mới cảm thấy sợ thực sự: thế giới đáng yêu này có khi mình phải xa nó chỉ vì một viên đạn không đâu, chỉ vì do một lỗi nhỏ về bất đồng ngôn ngữ…
Thú thực nhiều khi không dám nhờ một người Afghanistan chụp ảnh mình để gửi về đăng báo. Đơn giản nếu anh ta cầm máy ảnh rồi bỏ chạy thì coi như mất, mình không thể đuổi theo họ, vì chỗ nào cũng có gài mìn cả.
Đêm nằm ngắm hỏa châu rơi
Hôm cuối cùng ở Afghanistan, tôi quyết định ngủ lại một đêm trên chiến tuyến. Đám nhà báo chúng tôi có 5 người ngủ lại. Chúng tôi góp tiền đưa cho viên chỉ huy để anh ta nhường căn hầm cho chúng tôi, còn bản thân anh ta thì đi ngủ nhờ đám lính.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Mặt trời vừa khuất sau dãy núi là trời đã tối sập xuống rồi. Đêm nơi tuyến đầu Dashti-kala cũng bình yên như trong thủ đô kháng chiến Khojabakhauddin.
Thỉnh thoảng một vài tiếng súng đì đùng. Thỉnh thoảng một vài quả hỏa châu rơi. Muỗi nhiều vô kể, nếu không có mấy nén nhang và lọ thuốc đuổi muỗi của tôi thì chắc không ai có thể ngủ được.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm. Không có nước để đánh răng. Hai can nước của tôi mang theo đã uống hết một can. Can kia các chú lính uống trộm mất rồi. Tôi hơi bực mình nhưng không nỡ mách chỉ huy của họ.
Phía đông, trời bắt đầu rạng ra.
Ngồi ngắm màu trời rạng đông vẫn lộng lẫy như bình minh bất cứ vùng đất hòa bình nào, tôi thầm cầu mong cho cuộc chiến tranh vô nghĩa này chấm dứt. Đã hai mươi năm qua người Afghanistan đánh lẫn nhau. Để được cái gì? Không ai được cái gì hết. Đất nước Afghanistan chỉ còn cát bụi và vỏ đạn.
Tôi tiện tay nhặt một vỏ đạn pháo dưới chân. Nhất định tôi sẽ mang nó về nước, sẽ trồng một cái cây nhỏ trong đó và ngày ngày chăm sóc. Đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm được cho dân tộc này.
Tôi muốn khóc.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt
“Người mẹ ma” ở TP HCM: "Ước gì tôi biết vì sao mình bị tạt axit tàn độc đến thế"