[KỲ 6] "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt

Nguyễn Sơn |

Đôi mắt tôi cố gắng chịu đựng ánh mắt của anh ta còn tay thọc vào túi áo, thận trọng cởi con dao bấm ra khỏi vỏ. Nếu anh ta bỏ súng ra khỏi vai, tôi sẽ lập tức bấm lưỡi dao bật ra.

LTS: Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý độc giả những kinh nghiệm tác nghiệp, những sự cố mà nhà báo Nguyễn Sơn đã thực sự gặp phải trên chiến trường, ngõ hầu giúp các phóng viên và độc giả có thêm một góc nhìn khác về công việc đầy hiểm nguy này.

Kỳ 1: Phóng viên chiến trường: Đã xem "ký sự Syria" thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN
Kỳ 2: "Ký sự Syria" và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự!
Kỳ 3: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: "Tôi đã phải sử dụng mưu mẹo như thế nào?"
Kỳ 4: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: 1.001 'mánh lới' vượt bế tắc
Kỳ 5: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Cuộc "diễn kịch chiến sự ác liệt" trước mắt nhà báo Việt

Kỳ 6: "Đua nhau lao vào chỗ chết"

Trở lại mấy hôm trước... Mới chỉ vài ngày mà bao biến cố đã xảy ra.

Ngày 6-11-2001. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là tôi sẽ vượt biên giới vào Afghanistan, đất nước hai mươi năm chiến tranh không ngừng nghỉ.

8 giờ 15 phút, các nhà báo nước ngoài mới lục tục kéo đến Bộ Ngoại giao Tajikistan. Tiếng chào hỏi nhau í ới. Tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Ả Rập xen vào nhau thành một mớ hỗn độn không thể nào hiểu nổi.

Tập kết đầy đủ rồi mới biết vào Afghanistan hôm nay có đến mấy chục nhà báo với tổng cộng 38 xe. Tất cả đều hào hứng, vui vẻ, không hề có cảm giác đang chuẩn bị ra chiến tuyến.

Những người bạn đồng hành cùng tôi là những phóng viên chiến trường lão luyện, từng có mặt ở Iraq, Cosovo, Chechnya nhiều lần. Với họ, chiến tranh không còn gì đặc biệt nữa. Chiến tranh chỉ còn là "ngày hội của báo chí".

8 giờ 30 phút, vị vụ phó vụ báo chí của Bộ Ngoại giao mới tới. Hôm trước tôi xếp hàng ở vị trí thứ 7 trong danh sách viết tay. Hôm nay tụt xuống thứ 13 trong danh sách đánh máy. Còn tới khi đánh số xe thì xe tôi đứng thứ 26. Ngần ấy nhà báo nước ngoài, các đại gia báo chí, đã "có cách" chen lên phía trước như vậy.

Điểm danh khoảng nửa tiếng đồng hồ thì xong. Vị vụ phó mang danh sách sang Bộ Nội vụ. Một lúc sau quay trở lại cùng một xe cảnh sát hộ tống hú còi inh ỏi. Lệnh ban ra: "Tất cả vào xe".

"Cậu không sợ à?" - Cậu lái xe im lặng suốt từ sáng, bây giờ mới lên tiếng. Tôi quay sang nhìn cậu ta: Vẻ bồn chồn hiện rõ trên nét mặt, hệt như tôi lúc sáng. Tôi bảo: "Cậu nhìn mà xem, đám nhà báo đang đua nhau vượt lên trước kìa. Có ai sợ đâu!" Cậu ta lắc đầu: "Kỳ thật. Tự nhiên lại đua nhau lao vào chỗ chết".

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 1.

PV Nguyễn Sơn (giữa). Ảnh tác giả cung cấp

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 2.

Binh lính Liên minh phương Bắc và các nhà báo chờ cơm trưa. Ảnh do tác giả cung cấp

Càng xa Dushanbe, đồi núi càng hiểm trở. Đường núi Tajikistan không khác gì đường đèo Ngoạn Mục từ Phan Rang đi Đà Lạt, nhưng dài dằng dặc và thỉnh thoảng xe lại nẩy lên vì một mô đất hay viên đá vừa sạt từ trên núi xuống. Cả một vùng không có lấy một bóng cây ngọn cỏ. Trên những đỉnh núi xa xa tuyết đã lác đác phủ trắng.

Cậu lái xe bảo: "Bọn thổ phỉ sống trên đó đó. Năm kia, chúng bạo loạn định cướp chính quyền, nhưng Tổng thống Rakhmonov mạnh hơn, đẩy chúng vào vùng núi. Bây giờ chúng vẫn lẩn lút trong vùng đó. Thỉnh thoảng lại tràn xuống các thị trấn cướp bóc".

Tôi hỏi: "Mùa đông lạnh thế sống trong núi làm sao nổi?". "Mùa đông thì chúng về sống trà trộn với dân. Tí nữa xuống Danghara mới sợ. Có người lỡ đường xin đi nhờ, vừa đỗ xe lại là hấp, một họng súng chĩa thẳng vào ngực. Cái áo để mặc cũng chẳng còn".

Tới thị trấn Nurek. Một bên là hồ thuỷ điện Nurek nổi tiếng, bên kia là khu vực quân sự đặc biệt. Một viên cảnh sát giao thông Tajik tiến ra giữa đường ra hiệu dừng xe.

Hai chúng tôi cùng tái mặt. Tôi nhào ra khỏi xe trước cả cậu lái xe, đang hít hơi định thanh minh thì viên cảnh sát bảo: "Quay vào xe ngay. Không được chụp ảnh trong khu vực này". "Tại sao?" - Tôi hỏi lại với tinh thần chiến đấu của kẻ sắp bại trận.

"Bên kia núi là căn cứ tên lửa hạt nhân của Nga, cấm quay phim, chụp ảnh, cấm người nước ngoài" – Viên cảnh sát đáp. Ra là thế đấy. Ở xứ này người ta tự bảo cho bạn biết bí mật quân sự ở đâu để bạn biết đấy là bí mật.

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 3.

Cà phê một mình trước khi ra trận. Ảnh do tác giả cung cấp

Cách cái chết... 200 m

Có khoảng một tiểu đội lính Tajikistan ôm súng máy đi cùng xe với chúng tôi. Té ra để đảm bảo an toàn cho đám nhà báo nước ngoài trên đoạn đường qua quê hương Tổng thống Rakhmonov, chính quyền đã chuẩn bị sẵn một sự hộ tống quân sự như vậy.

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 4.

Đi chợ chiến khu. Ảnh tác giả cung cấp

4 giờ rưỡi chiều thì chúng tôi tới cửa khẩu Pyanj. Trạm hải quan chật cứng hai hàng xe tải KAMAZ chở hàng viện trợ cho Liên minh phương Bắc (LMPB). Đoàn xe chúng tôi len lên trước vì được cho riêng một chuyến phà sang sông.

Khoảng nửa tiếng thì xong thủ tục biên phòng. Viên chỉ huy bến phà tiếc rẻ, ra hiệu cho chúng tôi đứng dồn hết sang một bên để đưa thêm một xe hàng viện trợ xuống phà. Xe đang xuống thì bỗng "bùm". Một quả đạn súng cối rơi cách phà chưa đến 200 mét. Nước bắn tung toé.

Sau một hồi táo tác, đám nhà báo lấy lại hồn vía. Chuyện lại nổ như ngô rang. "Hôm thứ bảy rồi đoàn nhà báo sang đó cũng bị bắn đấy", "Tháng trước một quả đạn còn rơi trúng phà, chết hai người. Kia kìa, chiếc phà đang nằm trên bờ bị trúng đạn đấy". "Thế này đã tính là Taliban pháo kích sang đất Tajikistan chưa nhỉ? Vi phạm bố nó Công ước quốc tế về biên giới rồi còn gì"...

Một lúc không thấy pháo kích gì thêm, cả bọn lại kéo nhau xuống.

Phà từ từ rời bến. Phía trước đã là Afghanistan.

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 5.

Lính Liên minh phương Bắc cố đi đều bước để tỏ ra mình chính quy. Ảnh tác giả cung cấp

Nhà báo phe Taliban giữa lòng địch thủ

Đứng bên cạnh tôi là cô phóng viên chiến trường của tờ The Boston Globe Ellen Barry và một nhà báo Ả Rập luôn đăm chiêu nhìn mặt nước. Chúng tôi nói đủ chuyện.

Nhà báo người Ả Rập thấy vui, cũng bắt chuyện. Anh ta bảo: "Tôi nói riêng với hai bạn thôi nhé: Tôi của đài al-Jazeera đấy". "Ái chà. Anh không sợ bị Liên minh phương Bắc treo cổ lên à?". Nhà báo của truyền hình al-Jazeera hạ giọng: "Nhưng tôi đi bằng hộ chiếu Nga".

Cả ba chúng tôi cùng nín lặng.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Thỉnh thoảng lại có một quả pháo sáng rực trên bầu trời.

Phà qua tới Afghanistan thì đã tối.

Tôi thỏa thuận với cậu phóng viên Euro-Television ra đón bạn là đi cùng nhau cho đỡ sợ, chia tiền thuê thêm một lái xe chở đồ và một cậu bé phiên dịch. Đắt ơi là đắt!

Anh chàng lái xe trông mặt rất dữ tợn, dựa phịch khẩu AK vào thành xe rồi leo lên. Vừa khởi hành, bỗng một quả pháo sáng nổ ngay trước mũi xe. Tôi giật mình: Trên kính trước là hai lỗ đạn đâm thẳng vào mặt tôi. Tôi chợt hiểu: Mình đang ngồi trên chiếc ghế của một kẻ mới bị trúng đạn cách đây chưa lâu.

Đường xóc kinh khủng. Thỉnh thoảng một quả pháo sáng lại rít lên trên đầu. Tôi bảo cậu phiên dịch: "Sao không bật pha lên mà đi". "Không được. Biệt kích Taliban sẽ căn cứ theo ánh đèn mà bắn đấy". "Ở đây gần Taliban lắm à?". "Gần, có đêm Taliban còn vào làng bắt trộm lừa ngựa của dân".

Đi được chừng hơn 10 km thì xe chết máy. Người lái xe đeo súng nhảy xuống, nói gì đó với cậu phiên dịch. Cậu ta cũng nhảy xuống theo rồi chạy đi đâu không rõ.

Tôi nhìn lại phía sau, không thấy xe của đám Euro-Television đâu cả. Tôi còn lại một mình với một người Afghanistan dữ tợn đeo súng máy chắc chắn đã từng nổ súng vào không ít hơn một người, giờ đây đang nhìn tôi chòng chọc.

[KỲ 6] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt - Ảnh 6.

Chiếc xe UAZ, lái xe (trái) và phiên dịch của tôi ở Afghanistan. Ảnh do tác giả Nguyễn Sơn cung cấp

Những tính toán trong sự sợ hãi

Tôi bỗng thấy sợ. Anh ta chỉ việc kê súng vào ngực tôi và bóp cò. Máy móc và tiền bạc trong người tôi sẽ là của anh ta. Không có luật pháp nào ngăn cản anh ta làm như thế cả. Còn với tôi, tôi sẽ chỉ là một trong số vô vàn nạn nhân bất hạnh của một cuộc chiến tranh xa lạ, hoàn toàn không dính dáng gì đến quyền lợi của bản thân, của gia đình hay của dân tộc.

Đôi mắt tôi cố gắng chịu đựng ánh mắt của anh ta còn tay thọc vào túi áo, thận trọng cởi con dao bấm ra khỏi vỏ. Nếu anh ta bỏ súng ra khỏi vai, tôi sẽ lập tức bấm cho lưỡi dao bật ra. Khẩu súng của anh ta rất dài, nếu tôi chạy vòng quanh chiếc UAZ thì anh ta sẽ không bắn được.

Tôi có thể cầm cự được nửa tiếng đến một tiếng, đủ để chiếc xe của đám Euro-Television bị tụt lại sau chạy tới.

Chỉ còn một điều: Nếu anh ta lái xe quẹo vào một đường khác thì tôi không còn cơ hội nào thoát nổi. Anh ta khỏe gấp hai - ba lần tôi. Tôi có thể đâm được một hai phát, sau đó anh ta sẽ chộp được con dao và thế là xong. Quan trọng nhất với tôi lúc này là một hai phát ấy có đâm trúng được chỗ hiểm của đối phương hay không.

(Còn nữa)

Kỳ 7 - CUỐI CÙNG: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Nhà báo Việt thoát chết vì thiếu tiền

*Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại