Xe hơi giảm giá: Người Việt tiếp tục mừng hụt

Nguyễn Thảo |

So với phương án sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô ban đầu, phương án mới nhất được điều chỉnh thay vì giảm còn 20-25% đối với một số dòng xe phổ biến từ 2018 mức thuế sẽ chỉ giảm về mức thấp nhất là 35%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt "nhấp nhổm" tăng

Tại dự thảo mới nhất về thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy, đối với ô tô dưới 24 chỗ có dung tích xi lanh dưới 1.500 cm3 áp dụng thuế suất 40% từ ngày 1/7/2016 (giảm 5% so với hiện tại) và 35% từ ngày 1/1/2018.

Loại có dung tích 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/7/2016 và 60% từ ngày 1/1/2018, tăng lần lượt 10%, 15%.

Trong khi trước đó, Bộ Tài chính từng trình phương án phân nhóm áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống và các mức thuế suất của các dòng xe có lộ trình giảm sâu hơn.

Với dòng xe có dung tích xi lanh thấp, mức thuế tiêu thụ đặc biệt từng được đề xuất giảm từ 20-25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45%.

Mức thuế hiện hành 45% đối với xe có dung tích dưới 2.000 cm3 theo số liệu được Bộ Tài chính cung cấp cao hơn so với mức trung bình của 4 nước trong ASEAN là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Nguyên nhân điều chỉnh mức thuế tiêu thụ như trên do nhiều đại biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra vào chiều 13/11 vừa qua đã đề nghị cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ do tác động đến ngành ô tô nội địa và tác động tiêu cực khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Đồng thời đề nghị không nên chia nhỏ dung tích xi lanh theo đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính để áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 thay vào đó chỉ áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thống nhất đối với dùng xe này.

Trong khi các phương án áp dụng mức thuế suất cụ thể đối với từng dòng xe khác nhau chưa ngã ngũ từ 1/1/2016 tới đây giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá bán buôn của các đơn vị nhập khẩu thay vì chỉ tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu như hiện nay.

Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên chi phí như vận chuyển, marketing và một phần lợi nhuận của nhà nhập khẩu...

Mới đây, VIVA đã gửi kiến nghị thay vì thực thi vào ngày 1/1/2016 nên đổi thời gian áp dụng dự tính vào 1/7/2016 để doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch tác động, đầu tư, nhân sự và tránh xáo động kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng.

Hơn một lần mừng hụt

Từ năm 2013, người tiêu dùng Việt đã từng hy vọng giá xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam bắt đầu giảm trong năm 2014 và sẽ tiếp tục giảm mạnh đến năm 2018, khi mà thuế nhập khẩu trong khu vực này giảm xuống 0%.

Cuối năm 2014, trên phương tiện truyền thông đại chúng từng thông tin về khả năng giá ô tô dưới 9 chỗ năm 2015 sẽ giảm hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) đã phát đi thông báo cho biết, về vấn đề thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN với dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, VAMA chưa nhận được thông tin về giảm thuế từ ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN).

Vì vậy, thuế nhập sẽ vẫn là 50% như hiện tại.

Chủ tịch VAMA cũng cho rằng, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được sửa đổi dẫn tới ít khả năng giá ô tô trong nước giảm do ảnh hưởng từ thuế.

Được biết, theo lộ trình gia nhập AFTA của Việt Nam, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 50% so với mức 60% của năm 2013.

Đối với cam kết trong WTO, tất cả các loại ô tô sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm gia nhập, tức năm 2014. Và đến năm 2017, thuế suất áp dụng chỉ còn khoảng 47%. Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm cho đến năm 2019.

Trong các Hiệp định thương mại với các đối tác như Hàn Quốc, EU, 12 nước TPP, ô tô cũng được coi là mặt hàng "nhạy cảm" khiến lộ trình cắt giảm thuế quan của mặt hàng này dài hơi hơn.

Cụ thể, theo thỏa thuận TPP, Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô có động cơ dung tích từ 3.0 L trở lên về 0% trong vòng 10 năm. Hiện thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước này về Việt Nam đang ở mức 70%.

Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thuế suất đối với ô tô nhập khẩu sẽ được xoá bỏ sau 10 năm về mức 0%, riêng loại có động cơ lớn hơn 3.000 cm3 với động cơ xăng hoặc lớn hơn 2.500 cm3 đối với động cơ diesel sẽ được gỡ bỏ thuế quan sớn hơn 1 năm.

Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc mới được ký kết vào tháng 5/2015 vừa qua cũng chỉ cam kết xoá bỏ thuế quan cho ô tô tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và ô tô du lịch dung tích trên 3.000 cm3 là những dòng xe có nhu cầu không lớn thậm chí rất thấp.

Trao đổi với BizLIVE, ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam từng cho biết, phía Hàn Quốc rất muốn thị trường "cởi mở" đặc biệt với mặt hàng ô tô nhưng điều này gặp trở ngại vì ô tô vẫn được coi là mặt hàng "nhạy cảm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại