Các hãng taxi có “mặn mà” với LiveTaxi?
Mới đây, Sở Giao thông vận tải T.P HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu về sản phẩm ứng dụng công nghệ quản lý vận tải hành khách công cộng LiveTaxi.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải T.P HCM, LiveTaxi có nhiều điểm ưu thế so với hoạt động quản lý taxi truyền thống. Phần mềm “made in Vietnam” này không thua kém gì Uber.
Thậm chí, còn có ưu điểm hơn Uber nhờ có dữ liệu để cơ quan quản lý điều hành ngành cũng như phục vụ xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số người trong ngành taxi, phần mềm LiveTaxi không có gì mới, khác biệt và đặc sắc hơn các phần mềm đang hoạt động trên thị trường như Uber, Grab.
Thậm chí, khó có thể “đấu” nổi với những “gã khổng lồ” trên bởi nhiều yếu điểm như sau:
Thứ nhất, LiveTaxi ra đời “chậm chân” hơn so với các ứng dụng đã phát triển vững mạnh trên thị trường. LiveTaxi không có phát minh, không có bản quyền hay bí quyết, không có sáng chế, không có ý tưởng sáng tạo và dễ bắt chước.
Trong khi đó, trên thực tế, với tất cả các ứng dụng trên taxi, theo các chuyên gia công nghệ, hàm lượng kỹ thuật so với giá trị dịch vụ, giá trị thương hiệu là rất bé, chỉ theo tỷ lệ một phần một vạn.
“Uber tiến bộ là ở chỗ nó huy động nguồn lực xã hội như thế nào, tổ chức dịch vụ và thách thức giá trị truyền thống ra sao. Đó mới là cái thu hút tiền của các nhà đầu tư, làm nên giá trị của Uber.
Còn nếu chỉ tính riêng về kỹ thuật, ứng dụng Uber có thể tạo ra với giá chỉ 100.000 VND ở Việt Nam” – một chuyên gia am hiểu về công nghệ cho biết.
Chuyên viên lập trình phần mềm tại T.P HCM cũng nhìn nhận, sự thật để có 1 sản phẩm phần mềm ứng dụng tương tự Uber hay Grab, “dân nghề” chỉ mất tối đa 7 ngày là viết xong rồi.
Vấn đề quan trọng là hệ thống dữ liệu, theo dõi hoạt động, và các giải pháp kết nối đi cùng, hỗ trợ phần mềm hiệu quả nhất, sẽ được tổ chức ra sao mà thôi.
Ngoài ra, vấn đề thứ 2 đáng quan tâm là: LiveTaxi khi ra đời có được các hãng taxi đón nhận?
Chúng tôi có trao đổi với Chủ tịch một hãng taxi lớn tại Hà Nội, vị này cho hay: “Các hãng taxi sẽ không dại gì mà chui đầu vào, vì như thế chẳng khác nào như dây buộc mình, không lợi gì hơn”.
Vị Chủ tịch này giải thích: Các hãng taxi kinh doanh dựa trên thương hiệu và uy tín. Những tên tuổi lớn sẽ không muốn “ngồi cùng mâm” với các hãng taxi cấp dưới.
LiveTaxi sẽ xóa nhòa đi hình ảnh và thương hiệu của các hãng. Khi sử dụng ứng dụng này, khách hàng sẽ chỉ biết taxi của LiveTaxi thôi, chứ không biết xe đó là của Mai Linh hay Vinasun,…
Thêm vào đó, muốn dùng LiveTaxi, các hãng taxi phải mua phần cứng để lắp vào xe, có thể với giá rất đắt.
Và phần cứng này, hãng phải trực tiếp đứng ra mua, chứ không phải lái xe, chính vì vậy, độ lan tỏa của LiveTaxi sẽ không có.
Trong khi, với Uber hay Grab, các lái xe taxi chỉ cần mua một chiếc điện thoại smartphone là có thể tham gia vào mạng lưới này.
Nhược điểm thứ 3, theo rỉ tai của một người sành công nghệ: LiveTaxi vẫn sử dụng phần cứng cũ, dùng con chíp 2G của thiết bị giám sát hành trình cũ, tích hợp taximet có in tự động chứng từ, để xác định lộ trình.
Với cách dùng của LiveTaxi, khách vẫn phải gọi tới tổng đài. Nếu không gọi tới tổng đài, khách chỉ gửi được thông tin tới lái xe mà không nhận được phản hồi 2 chiều như Uber.
Đường truyền và thiết bị xử lý của lái xe không đủ để tương tác như smartphone.
Không giống như Uber, hành khách của LiveTaxi chỉ biết xác nhận lộ trình chứ không được biết trước lái xe như thế nào, tình trạng xe ra sao, số điện thoại liên lạc của lái xe như nào…
Họ phải chấp nhận lái xe được điều đến giống như kiểu taxi truyền thống hiện nay.
Tuy nhiên, trái ngược với những ý kiến nói về nhược điểm trên, phân tích của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải T.P HCM cho thấy, LiveTaxi có 3 điểm ưu thế so với hoạt động quản lý taxi truyền thống.
Đó là ứng dụng sẽ kiểm soát hành trình, cước, hành lý vận tải hành khách, cũng như lưu lại lịch sử hành trình, qua đó tạo sự gắn kết chặt hơn với người dùng.
Phần mềm cũng giúp các tài xế taxi nhanh chóng nhận được yêu cầu từ khách hàng gần nhất, giúp tăng hiệu quả hoạt động, công tác quản lý chặt chẽ hơn và tiết kiệm chi phí.
Về mặt quản lý Nhà nước, phần mềm sẽ giúp cơ quan chức năng tiến hành cấp phép đúng, đủ cho các hệ thống xe dịch vụ, để dễ quản lý, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao an toàn người dân, và đề cao công nghệ nước nhà.
Hiệp hội taxi T.P HCM – đơn vị đã từng kiến nghị ngừng hoạt động Uber tại Việt Nam cũng bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ đối với ứng dụng mới LiveTaxi này.
“Nếu LiveTaxi hoạt động công bằng, bình đẳng, lại tốt cho dân, cho nước, thì chúng tôi rất ủng hộ. Chứ chơi trò lập lờ như Uber thì chắc chắn là phải phản đối” – ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi T.P HCM nhấn mạnh.
Ông Hỷ cho biết thêm: Hiện tại, Hiệp hội đang chờ ý kiến của các đơn vị thành viên, xem hãng taxi nào đồng ý, hãng nào không nhưng hiện chưa có phản hồi nào.
Hơn nữa, các hãng cũng đang trong quá trình tìm hiểu, xem xét, nghiên cứu cách hoạt động cũng như cách thức đăng ký tham gia ứng dụng LiveTaxi như thế nào.
Mặc dù vậy, ông Hỷ khẳng định: “LiveTaxi hoàn toàn dư sức đấu được với Uber vì nó chỉ là phần mềm điều hành giống GPS thôi. Nó kết hợp với điều hành truyền thống, 2 cái hòa làm 1 thì tuyệt vời”.
Đối thủ có e ngại phần mềm “made in Vietnam” LiveTaxi?
Ngay sau khi Sở Khoa học & công nghệ T.P HCM thông báo về LiveTaxi không thua kém gì Uber hay GrabTaxi, nhiều người đã đặt câu hỏi về khả năng “áp đảo” của phần mềm này.
Tuy nhiên, không hề lo ngại về “thành viên mới” LiveTaxi, trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO GrabTaxi Việt Nam chia sẻ:
“Càng nhiều ứng dụng ra đời thì càng tốt cho sự cạnh tranh vì lợi ích chung và sự phát triển, vì các dịch vụ sẽ cùng nhau giúp thay đổi thói quen của người sử dụng.
Từ việc gọi điện tổng đài, sẽ chuyển thành đặt taxi qua ứng dụng, miếng bánh thị phần sẽ cùng to lên và đủ cho tất cả các bên”.
CEO GrabTaxi Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh lưu ý: Đây là một cuộc chơi sẽ cần rất nhiều vốn.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết: Còn quá sớm để nhận định LiveTaxi có phải là “đối thủ nặng ký” của Grab taxi hay không, vì “chúng tôi chưa biết LiveTaxi hoạt động ra sao”.
Thêm vào đó, CEO GrabTaxi Việt Nam cũng khẳng định: “Còn quá sớm để đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của LiveTaxi so với Uber hay Grab taxi, vì không biết LiveTaxi có thể đặt xe được không do chưa thấy các bác tài nắm thông tin về chuyện này”.
Theo ông Tuấn Anh, công nghệ của Việt Nam không thua kém bất cứ ai, Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra các sản phẩm tương tự Uber hay Grab taxi.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Việc triển khai một ứng dụng không chỉ dừng lại ở công nghệ và kỹ thuật, mà còn là kinh nghiệm triển khai, tiếp thị và vận hành.
Trải nghiệm của người dùng từ đầu đến cuối là rất quan trọng chứ không chỉ dừng lại ở ứng dụng định vị”.
Để chính thức ra mắt ứng dụng của mình tại thị trường Hà Nội, Grab taxi trước đó đã phải mất một thời gian chạy thử tại T.p HCM.
Áp dụng các kinh nghiệm tích lũy khi hoạt động ở các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore,… trước đó và nỗ lực trong việc thay đổi hình thức bắt taxi phù hợp với môi trường, hệ thống giao thông Việt Nam.
Ngoài ra, CEO GrabTaxi Việt Nam cũng lưu ý: Đây là một cuộc chơi sẽ cần rất nhiều vốn.
Việc phát triển ứng dụng chỉ là bước đầu, còn lại là các hoạt động vận hành và đảm bảo chất lượng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và vốn.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất, cho tới thời điểm này, GrabTaxi đã phải huy động 340 triệu USD.
“Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán: Đây là thị trường rất hấp dẫn, nên sẽ có những bên khác vào Việt Nam sớm trong thời gian tới” – ông Tuấn Anh nói.