Những làng tỷ phú đồng nát nổi tiếng ở Việt Nam

Bảo An |

Những ngôi làng đại gia này đều có xuất phát điểm từ "nghèo rớt mồng tơi". Nhưng nhờ sự chí thú làm ăn của người dân, hiện nay, những ngôi làng “đồng nát” trở nên nổi tiếng vì sự giàu có.

Làng tỷ phú đồng nát giàu nhất Việt Nam

Về mảnh đất xứ Nghệ, hỏi thăm xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) chẳng ai là không biết.

Nơi đây đã quá nổi tiếng về độ giàu có, từ đầu đến cuối các làng ở Diễn Tháp, chi chít những ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỷ, xe hơi chất dài thành hàng.

Ngoài làm ruộng thì Diễn Tháp trước đây còn có nghề đúc đồng truyền thống nên tranh thủ lúc nông nhàn còn kiếm được đồng ra đồng vào.

Xuất phát từ nhu cầu của nghề đúc đồng mà bà con nơi đây cứ sau mỗi vụ mùa xong là lại sắm cho mình một chiếc xe cà tàng đi gom đồng nát về phục vụ cho nghề.

Không chỉ đi trong tỉnh mà bà con ở đây còn đi ra tận các tỉnh ngoài bắc như Nam Định, Hải Dương, Hà Nam... để gom đồng nát.

Lúc đầu họ chỉ mua đồng nhưng sau thấy đồng nát các loại như nhôm, sắt, nhựa… cũng nhiều nên gom về nhập cho các đại lý lớn thu mua.

 - Ảnh 1
Những ngôi biệt thự "đua nhau" mọc lên ở làng đồng nát.

Sau công đoạn qua phân loại, tái chế, hàng lại được đưa sang Lào bán với giá cao. Dần dần, Diễn Tháp phất lên một cách nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất của tỉnh Nghệ An.

Từ năm 2000 đến nay, người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự khiến dân quanh vùng này ngạc nhiên vô cùng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Diễn Tháp mang một bộ mặt hoàn toàn mới, những ngôi nhà biệt thự cao tầng nằm san sát nhau nối thành một con phố dài dọc theo trung tâm xã.

Toàn xã Diễn Tháp hiện có hàng trăm hộ giàu, ô tô đếm sơ sơ cũng trên 500 chiếc các loại, trong đó cái rẻ nhất cũng có giá khoảng 500 triệu, còn lại đều hàng “khủng”, thậm chí một số đại gia còn xài xế hộp hạng sang có giá cả chục tỷ đồng.

 - Ảnh 2
Ngôi biệt thự lỗng lậy tại Diễn Tháp (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

Hiện nay Diễn Tháp có khoảng hơn 800 trăm tỷ phú. Theo đánh giá của các nhà xã hội học, Diễn Tháp là một trong những làng giàu nhất của làng quê Việt Nam.

Làng đồng nát chuyên “mổ xác” máy bay

Làng Quan Độ, Vân Môn, Yên Phong (Bắc Ninh) ngoài nghề nông còn có nghề đồng nát.

Người dân Quan Độ ngược xuôi trong Nam ngoài Bắc, buôn đủ thứ được cho là "đồng nát" nhưng nhờ đó, làng đã có cả những tỷ phú tiền đô.

Nhiều năm trước đây, người Quan Độ nổi tiếng với việc có khả năng nhập được cả những xác máy bay, xe tăng, khí tài quân sự hết hạn sử dụng.

Cả chục cái xác tàu bay to như toà nhà, tất cả đều tan rã dưới tay búa tay kìm của người Quan Độ.

Một góc làng Quan Độ.

Này là đồng, là chì, là bóng bán dẫn, tụ điện, con trở… loại nào đi loại nấy rồi kìn kìn theo ôtô của các chủ hàng tỏa đi khắp nơi, mang lại nguồn thu nhập không phải nhỏ cho ngôi làng thuần nông này.

Nhờ những đồ phế thải, bỏ đi này mà ngôi làng Quan Độ đã có đến hàng trăm đại gia.

Theo lời một “đại gia đồng nát” ở ngôi làng này, để kiếm được những mối hàng “đậm”, mỗi vị “đại gia” lại có một mánh khóe khác nhau.

Cách nhanh nhất để người Quan Độ phân loại phế liệu là đốt cháy nhựa, vải dầu và các chất cách điện khác bọc kim loại.

Và không đâu xa, họ đốt ngay trước cửa nhà, ngoài đầu ngõ, hết chỗ thì mang ra cách đồng đầu làng, đốt cho tan hoang, như cháy nhà, cháy chợ.

Làng đồng nát “quý tộc”

Xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định vốn nổi tiếng với nghề chế tác gỗ mỹ nghệ thủ công hàng chục năm nay, nhưng ít ai biết rằng, Hải Minh còn là một trung tâm đồ cổ nổi tiếng của cả nước.

Trong mỗi chuyến đi "săn" đồng nát, chỉ từ một món đồ cũ mà dân trong nghề tinh mắt mới thấy được, họ có thể mua về và bán lãi hàng trăm triệu đồng.

Cũng từ chuyện một vốn trăm lời đó, ở Hải Minh sinh ra một đội ngũ có tên gọi "đồng nát quý tộc"...

Chỉ đếm qua cũng đã có cỡ 50 người buôn bán cổ vật chuyên nghiệp, hàng trăm, hàng ngàn người chơi nghiệp dư.

Dưới những mái nhà cấp ba, cấp bốn bình dị, khuất lấp sau những bức tường quét vôi, quét ve dân dã là cơ man quý vật, báu vật.

 - Ảnh 4
Bộ Trâm thư dát vàng thời Bảo Đại trị giá 800 triệu được một "đại gia đồng nát" thu mua về. Ảnh: CAND.

Và ở nơi trung tâm của thứ nghề đặc biệt này, xã Hải Minh, đồ cổ là một nghề mà nhiều người trưởng thành nên thầy, nên thợ từ nghiệp… đồng nát.

Đồng nát Hải Minh là đồng nát xuyên quốc gia, dọc ngang khắp Bắc - Trung - Nam với những "bang hội" đông đảo, mạnh nhất là hội của dân xóm 9 với hàng trăm người.

Khác với đồng nát "lông gà, lông vịt", họ là đồng nát cao cấp, đồng nát quý tộc với con mắt tinh tường, chuyên tăm tia đồ cổ.

Chuyện một đồng nát xóm 9 mua một đầu tượng Chăm cổ giá vài triệu, không ngờ nó bằng vàng nên về bán được 180 triệu đã là một thứ thuốc kích thích cực mạnh thôi thúc nhiều con em Hải Minh quang gánh lên đường.

Đến trung tâm xã Hải Minh, nhiều người không khỏi bất ngờ khi đi từ đầu xã vẫn thấy một không gian yên bình, tĩnh lặng như mọi miền quê khác, nhưng càng vào sâu, không khí buôn bán càng trở nên sôi động, tấp nập.

Ở đây người ta gọi khu buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ cổ của Hải Minh là khu Tân Tiến với hàng chục cửa hàng buôn bán nằm san sát nhau, chẳng khác gì một phố buôn bán lớn ở Hà Nội.

Người ta đùa rằng, ở Tân Tiến, mỗi nhà có vài chiếc xe hơi, hàng chục tỷ đồng là chuyện bình thường, bởi nghề buôn bán đồ cổ đã đem lại lợi nhuận rất lớn.

Thời gian gần đây, cơn sóng ngầm trong giới sưu tầm cổ vật bỗng bùng lên dữ dội mặc cho suy thoái kinh tế, mặc cho giá cả lạm phát.

Nhiều người vẫn bằng cách nào đó giàu lên nhanh chóng với khối tài sản kếch xù. Trong trăm vạn cách tiêu khiển bằng đồng tiền, một cách chơi tao nhã, đẳng cấp là sưu tầm đồ cổ.

Chính vì thế, người mua kẻ bán ở trung tâm đồ cổ Hải Minh chưa bao giờ thôi nhộn nhịp.

Đồ cổ đã thực sự làm nên bộ mặt mới cũng như tạo dựng thương hiệu cho Hải Minh ngay trên mảnh đất Hải Hậu vốn được coi là thuần nông, người dân chỉ biết đến ruộng đồng, biển cả…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại