Viễn Đông từ chối bồi thường: Khách hàng có thể khởi kiện

Hoàng Đan |

LS Thảo cho rằng, trong trường hợp Viễn Đông vẫn chối bỏ trách nhiệm bồi thường, người mua bảo hiểm có thể khởi kiện và đưa vụ việc ra giải quyết trước tòa án.

Anh An Dương Nguyên (Hà Nội) phản ánh, việc mua gói bảo hiểm vàng của bảo hiểm Viễn Đông cho máy tính Macbook Air và được cam kết rằng: nếu bị nước đổ vào (do không cố ý) sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra, hãng bảo hiểm này lại đổ lỗi cho khách hàng và từ chối bảo hiểm.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư T.P HCM) cho rằng, việc từ chối bồi thường cho khách hàng của Công ty bảo hiểm Viễn Đông là hoàn toàn chưa phù hợp các qui định của pháp luật và chưa phù hợp với sự thỏa thuận của các bên.

"Trước tiên, cần xác định đây là một giao dịch dân sự thể hiện nội dung mua và bán bảo hiểm liên quan đến máy tính của bên mua. Theo đó thì giữa các bên đã tự thỏa thuận với nhau liên quan các quyền và nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng này. Trong đó có qui định về việc bồi thường thiệt hại nếu xảy ra các trường hợp như hư hỏng, cháy nổ và nước đổ vào thì trách nhiệm của bên bán bảo hiểm là sửa chữa hoặc thay thế các thiết bị đó. Điều này là hoàn toàn phù hợp và được qui định cụ thể ở Điều 567 Bộ luật Dân sự 2005.

Như vậy thì việc từ chối bồi thường cho khách hàng của Công ty bảo hiểm Viễn Đông là hoàn toàn chưa phù hợp các qui định của pháp luật và chưa phù hợp với sự thỏa thuận của các bên"- luật sư Thảo nhấn mạnh.

Luât sư Nguyễn Thạch Thảo.

Luât sư Nguyễn Thạch Thảo

Theo ông Thảo, đối với hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm điện thoại di động/ máy tính bảng/ laptop mà anh Nguyên mua của bảo hiểm Viễn Đông, theo qui định của pháp luật, đó là dạng hợp đồng bảo hiểm tài sản.

"Theo qui định của Điều 571 BLDS thì sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm.

Như vậy, nếu bên mua bảo hiểm chứng mình được sự việc trên hoàn toàn không phải là do chủ ý của mình tác động lên đối tượng được bảo hiểm thì trong trường hợp này bên bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua bảo hiểm theo tinh thần của khoản 1 Điều 579 BLDS.

Bên bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm theo các điều kiện đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định" bên cạnh đó thời hạn thực hiện việc bồi thường bảo hiểm cũng được quy định cụ thể như sau:

1. Bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm trong thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

2. Trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả"- luật sư Thảo phân tích thêm.

Văn bản trả lời của bảo hiểm Viễn Đông trong đó từ chối việc bồi thường cho anh Nguyên.
Văn bản trả lời của bảo hiểm Viễn Đông trong đó từ chối việc bồi thường cho anh Nguyên.

Luật sư Thảo cũng cho biết thêm, bảo hiểm điện thoại di động/ máy tính bảng/ laptop thuộc loại hình bảo hiểm tài sản, mọi thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải được lập thành hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

Nhưng theo anh Nguyên trình bày, anh chỉ nhận được Giấy chứng nhận bảo hiểm thiết bị di động và Quy tắc bảo hiểm điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay mà không nhận được hợp đồng bảo hiểm từ phía công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông (VASS) như vậy là thiếu sót.

"Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, việc có giấy chứng nhận bảo hiểm như trên cũng là một chứng cứ thể hiện sự giao dịch giữa các bên và khi phát sinh tranh chấp nếu không có hợp đồng bảo hiểm qui định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên thì đơn vị bảo hiểm phải tự chịu trách nhiệm về sự thiếu sót đó và khi đó các căn cứ để được xem xét giải quyết tranh chấp là theo qui định của pháp luật"- luật sư Thảo nói.

Đồng thời ông cũng khẳng định: "Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng ý với cách trả lời, giải quyết của đơn vị bảo hiểm Viễn Đông thì có thể khởi kiện ra tòa án để nhờ pháp luật can thiệp. Thẩm quyền giải quyết vụ việc trên thuộc Tòa án quận, huyện nơi bị đơn có địa chỉ".

Trước đó, với những phản ánh của khách hàng, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với phía bảo hiểm Viễn Đông nhưng đại diện của đơn vị này vẫn chỉ cho biết là chờ công văn trả lời từ phía công ty...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại