Nhà ga hiện tại cũng đang quá tải
Nói rõ hơn về công việc này, ngày 8/9, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết: "Samsung đã gửi hồ sơ, đề nghị hỗ trợ tạo điều kiện để ưu tiên cho hàng không thông qua nhà ga mới".
Bên cạnh đó, ông Cường cũng bày tỏ quan điểm của Cục là hoàn toàn ủng hộ với đề xuất này. Hơn nữa, Cục đã có văn bản gửi Tổng cảng hàng không và công ty xây dựng nhà ga gấp rút thực hiện, để đảm bảo cố gắng hoàn thành việc xây dựng đúng tiến độ. Tổng cảng có trách nhiệm bố trí máy soi phục vụ cho nhà ga mới đi vào khai thác đúng kế hoạch.
Đề nghị được bố trí một nhà ga chuyên dụng tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài của Samsung được chấp thuận.
Mặt khác, hiện nay năng lực phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của các nhà ga trên sân bay Nội Bài đang thiếu, nên nhà ga mới được xây dựng bổ sung để đáp ứng được năng lực một cách phù hợp. Chính vì vậy, ông Cường khẳng định: "Yêu cầu hỗ trợ của Samsung hoàn toàn đúng. Hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng là chủ yếu, năng lực phục vụ nhà ga hiện tại công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (NCTS) và ACS chưa đủ năng lực, nên có thêm 1 nhà ga nữa là hoàn toàn hợp lý".
Điều đáng nói là không chỉ có Samsung mới được đi qua nhà ga đó, mà mọi DN đều được lựa chọn đi qua 3 nhà ga đó, nên không thể nói mang tính độc quyền, hay ưu đãi riêng cho DN nào. Cụ thể, trong đề xuất, Samsung chỉ đề nghị sớm đưa nhà ga mới vào hoạt động để kịp thời phục vụ cho việc xuất khẩu các sản phẩm của Samsung. Cục hoàn toàn ủng hộ làm sớm, làm theo kế hoạch đề ra. Ông Cường nói rõ: "Đến cuối năm nay sẽ xây dựng xong, đưa vào khai thác tháng 12. Lực lượng Cảng sẽ bố trí máy soi, lực lượng an ninh soi chiếu, hỗ trợ cho việc khai thác nhà ga mới đúng kế hoạch".
Tăng thêm tính cạnh tranh
Bàn về sự khó khăn khi quản lý nếu có nhiều nhà ga, ông Cường cũng phủ nhận: "Tôi thấy không có gì khó khăn, hiện nay chúng ta có 1 nhà ga, sau đó chia làm đôi, bây giờ có thêm 1 nhà ga nữa là tăng thêm năng lực chứ không có vấn đề gì khó khăn trong khâu quản lý".
Mặt khác, theo quan điểm của ông Cường thì việc mở thêm một nhà ga nữa sẽ tăng tính cạnh tranh, các DN gửi hàng bằng đường hàng không có thể lựa chọn 1 trong 3 nhà ga, nhiều sự lựa chọn hơn. Tất nhiên, sẽ có 3 hãng cạnh tranh quyết liệt với nhau, điều nhìn thấy rõ khi thêm 1 nhà ga là càng tăng thêm tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa. "Hiện tại Samsung dùng chủ yếu là nhà ga hàng hóa NTCS, cũng chỉ có 1 phần đi qua nhà ga hàng hóa ACS, nên hãng muốn có nhà ga mới và họ cũng được vận chuyển qua đó", ông Cường cho biết thêm.
Một lợi thế khác, theo ông Cường, khi đưa nhà ga này vào hoạt động, Samsung đã đặt hàng trước, đồng nghĩa với việc có khách hàng sử dụng luôn, không phải mời chào, được coi là quảng bá, thuận lợi cho nhà ga hàng hóa mới. Thêm nữa, điều này cũng phù hợp với nhu cầu hiện tại công suất sản xuất gia tăng, nhu cầu có mặt bằng nhà ga thuận lợi cho việc nhập khẩu của Samsung và có thêm nhà ga mới.
Khẳng định lại vấn đề, ông Cường nhấn mạnh: "Hiện nay các nhà ga hàng hóa đang quá tải, nên việc có nhà ga mới thì cũng phục vụ chung cho nhu cầu xuất nhập khẩu của nhiều hãng trong đó có Samsung, tôi tin đó là yêu cầu đúng".
Trước đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS. Tạ Văn Lợi - Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế - Khoa Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận: "Theo tôi là cần có những hỗ trợ cần thiết nhưng phải có điều kiện dành cho hàng hóa nào, linh kiện gì và trong thời gian nhất định. Nếu họ tự bỏ vốn đầu tư khu riêng thì càng tốt nhưng cái cần quan tâm là phải kiểm soát chặt chẽ đúng người đúng việc". Khi đầu tư cần đặt ra câu hỏi: "Việc Việt Nam có được lợi gì không tùy thuộc vào chính Việt Nam khi bắt tay với các tập đoàn kinh tế lớn".
Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với vốn ban đầu 670 triệu USD. Sau 6 năm, số vốn đầu tư đã gấp 10 lần, trong đó nhà máy tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) đã giải ngân 1,7 tỷ USD trong tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD.
Sản phẩm của nhà máy đã góp 23,9 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu năm 2013. Tháng trước, hãng vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư 1 tỷ USD cho dự án sản xuất màn hình tại nhà máy này.
Tại khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) Samsung cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại với mức đầu tư 3 tỷ USD.