Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố các thống kê về du lịch và chi tiêu của người Trung Quốc trong dịp Tết. Qua đó cho thấy doanh thu bán hàng Tết âm lịch ở Trung Quốc đã tăng 11%.
Tuy nhiên nó lại không phản ánh đúng những gì đang diễn ra, theo Bloomberg.
Trong bài viết ngày 3/1, Bloomberg dẫn ra các thông số cho thấy việc người Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài rõ ràng tăng theo một tỷ lệ cao hơn.
Sự thay đổi trong cách thức chi tiêu này khiến Trung Quốc xem như đã “mất điểm” trong mắt những khách hàng nội địa vốn đang có nhu cầu chất lượng ngày càng cao.
Báo cáo của ngân hàng HSBC cho thấy có 80% chi tiêu ở Paris được người Trung Quốc đổ vào hàng hóa.
Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc đặc biệt chú ý đến người láng giềng Nhật Bản hơn: Ước tính có khoảng 450.000 người Trung Quốc đã bay đến Nhật Bản, và họ chi từ 941 triệu đến 959 triệu USD.
Trong các cửa hàng Nhật Bản, người tiêu dùng Trung Quốc mua nồi cơm điện tử, máy lọc không khí, máy ảnh kỹ thuật số, và đáng chú ý nhất: bồn cầu điện tử.
Gần như ngay lập tức báo chí Trung Quốc có động thái phản ứng với hiện tượng này, với chiếc bồn cầu điện tử được chọn làm hình ảnh tiêu biểu đầy châm biếm.
Bồn cầu điện tử là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua tại Nhật. Ảnh minh họa: businessspectator.com
Hãng thông tấn Tân Hoa xã giật tít: “Bồn cầu Nhật Bản nhấn nước xả chìm đồ Trung Quốc”.
Trong khi đó tờ báo quốc gia Thời báo Hoàn cầu (Global Times) viết: “Sự nổi tiếng của những chiếc bồn cầu Nhật Bản đang được phóng đại”.
Xét về đồ điện tử, dĩ nhiên có thể hiểu được người dùng trên toàn thế giới – không riêng gì Trung Quốc, có thể đánh giá cao các kỹ sư Nhật.
Tuy vậy vấn đề là người Trung Quốc còn “ngấu nghiến” cả các sản phẩm gia dụng khác như dao, kéo, bàn ghế..., Bloomberg cho biết.
Với số lượng sản phẩm gia dụng đầy ắp hàng năm, tại sao người Trung Quốc lại tìm cách đến Nhật để mua món đồ mà họ có thể sở hữu ngay tại quê hương? Có lẽ có hai lý do, theo Bloomberg.
Đầu tiên, thực tế hàng Trung Quốc ở Nhật Bản rẻ hơn chính mặt hàng ấy bày bán ở... Trung Quốc.
Thứ hai, người Trung Quốc dường như tin rằng các nhà bán lẻ Nhật Bản, không giống như các đối tác Trung Quốc, sẽ mang theo các vật dụng tiêu chuẩn cao, cây bút Gordon Chang chuyên viết về Trung Quốc và châu Á lập luận.
Tờ Beijing Youth Daily cho biết “các doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào việc sản xuất các sản phẩm có giá thấp, nhưng họ quên rằng người tiêu dùng Trung Quốc đa phần đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn về chất lượng, chứ không phải là giá cả”.
Làn sóng những người Trung Quốc có điều kiện đổ ra nước ngoài mua hàng cũng diễn ra ở Hồng Kông.
Tuần trước tờ South China Morning Post ghi nhận việc người dân Hồng Kông đòi biểu tình vì không chịu nổi cảnh chật chội, do “khách du lịch đại lục kéo sang đây quá nhiều, làm tắc nghẽn giao thông”.
Những người đại lục làm gì ở Hồng Kông? Họ mua sữa, đường, nguyên liệu các kiểu.
Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc ước tính dịp Tết vừa qua có 5.190 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, tăng 10% so với năm 2014.