Những ngày cuối năm thật khó để trò chuyện với anh Vũ Hoài Nam (TP.HCM) vì anh luôn tất bật đi thiết kế bể thủy sinh cho khách.
Anh Nam cho biết, thú chơi thủy sinh được du nhập từ Nhật Bản. Cái hay của thú chơi này là thu gọn không gian, mô phỏng thiên nhiên vào một bể nước bằng thực vật thủy sinh.
Thủy sinh không chỉ dùng để trang trí cho căn nhà, mang đến không gian tươi mát, gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp con người trở nên thư thái hơn.
Từng là kỹ sư xây dựng nhưng anh Nam đã từ bỏ nghề vì phải lòng thú chơi này.
“Lúc đầu tôi đến với thủy sinh chỉ là thú chơi, công việc chính của tôi là giám sát thi công. Nhưng thủy sinh giống như chất gây nghiện.
Tôi thích cái không gian xanh mà nó mang lại. Chính vì thế năm 2014, tôi quyết định bỏ hẳn nghề xây dựng và lựa chọn tư vấn thiết kế bể thủy sinh, để được thỏa sức sáng tạo”, anh Nam cho biết.
Tính đến thời điểm này, anh đã có hơn 3 năm chơi thủy sinh. Thời gian không phải quá dài nhưng anh Vũ Hoài Nam đã được rất nhiều người biết đến.
Bởi các tác phẩm của anh được thiết kế rất độc đáo, khác biệt, đa phong cách. Khó có thể tìm thấy bể nào giống bể nào.
Thú chơi thủy sinh đòi hỏi rất nhiều công phu, nhưng nếu ai đã mê thì khó dứt ra được.
Năm 2013, khi anh tham dự giải Việt Nam VADC đã giành được hạng 2; giải ADA Nhật Bản năm 2014 giành được hạng 59 và đặc biệt là giải ADA Nhật Bản 2015 anh Nam được hạng 36 trong tổng số hơn 2.500 bài dự thi đến từ 69 quốc gia khác nhau.
Anh Nam cho biết, khi bắt đầu biết đến thú chơi này anh cũng trải qua những thất bại vì lúc đó chưa có kinh nghiệm.
Nhớ những ngày đầu, anh ngậm ngùi “Mình tìm hiểu trên mạng để làm theo nhưng thất bại cả về trồng cây lẫn sắp xếp bố cục.
Lúc mới thử trồng cây chết cũng khá nhiều nhưng sau này tham gia diễn đàn, gặp được những người chơi lâu năm và đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm”.
Tác phẩm "Chốn bình yên" của anh Vũ Hoài Nam.
Anh Nam cho biết, chơi thủy sinh mất rất nhiều công sức, thời gian. Đó là chưa kể khi sét bể có thể bị keo dính tay, đá cắt tay, lũa đâm chân.
Bể thủy sinh khác với bể cá cảnh đơn thuần và có thêm những mảng cây trồng. Nó đòi hỏi các điều kiện như ánh sáng, dinh dưỡng, lọc nước…để tạo môi trường cho cây phát triển.
Lúc đó cá hay tép…được người chơi sử dụng như vật trang trí, tô điểm cho tác phẩm thêm sinh động.
Mặt khác khi cây cối trong bể phát triển thì việc tiếp theo là phải giữ cho bể có được nét đẹp dài lâu. Điều này đòi hỏi người chơi phải chăm sóc, cắt tỉa cây định kỳ.
Ngoài phiến đá, người chơi có thể set up bể thủy sinh với gỗ lũa. Tuy nhiên, chơi đá thường yêu cầu thẩm mỹ cao hơn.
Theo anh Nam, sự đặc biệt của thủy sinh là từ những cục đá vô tri vô giác biến thành sự liên kết, bố cục.
Bể thủy sinh có thể được dân chơi mô phỏng thành phong cảnh núi, khu rừng thu nhỏ đẹp mê hồn khiến ai một lần từng nhìn cũng bị hớp hồn.
Ngắm thủy sinh tạo cảm giác thư thái cho người chơi
Say sưa kể về tác phẩm mới đoạt giải gần đây, anh chia sẻ bài dự thi của anh có tên “Peaceful place”- anh gọi nó là “Chốn bình yên”.
Bài dự thi mô phỏng một gốc cây trơ trọi lâu năm, qua thời gian có sự bào mòn của dòng nước khiến cho các cành lũa có sự uốn lượn và các loài cây rêu bám trên đó, những loài cây xung quanh cũng phát triển theo dòng nước.
“Một hốc lũa nhỏ, những cành cây và ngọn cỏ hoang dại nhưng là nơi trú ngụ, sinh sống yên bình của các loài sinh vật. Cuộc sống hiện đại dường như làm cho ta không còn thời gian để thấy nhiều về thế giới của các loài sinh vật bên cạnh.
Nhưng sự sinh tồn và phát triển của thiên nhiên vẫn tiếp diễn qua từng ngày bên cạnh chúng ta…trong một hồ thủy sinh”, anh Nam chia sẻ.
Mỗi bể thủy sinh mang một phong cách khác nhau
Anh Nam cho biết, để có ý tưởng cho mỗi tác phẩm anh thường phải tìm hiểu các hình ảnh thiên nhiên, nghiên cứu thực tế thiên nhiên và mô phỏng lại nó.
Ngoài thời gian, công sức thì thú chơi thủy sinh cũng khá tốn kém. Tùy vào sự đầu tư, thiết bị, thông thường bể thủy sinh 1m2 khoảng 10- 15 triệu.
Có những người chơi đầu tư rất công phu, bể 1,5m nhưng lên tới hơn 3.000 USD (khoảng 66 triệu đồng).
Để có một bể thủy sinh, người chơi phải có đủ các yếu tố như ánh sáng, khí CO2, nhiệt độ nước, phân, cây thủy sinh, gỗ lũa, đá…cùng các loại tép, cá cảnh.
Trong đó đắt nhất là hệ thống đèn, lọc. Chi phí tăng phụ thuộc vào kích cỡ bể và bố cục mà người chơi chọn.
Một tác phẩm khá của anh Nam
“Khi đã chơi thủy sinh, dù là người chơi hay người kinh doanh thì ít nhất cũng sở hữu hai bể thủy sinh, còn khi đã chuyên rồi thì số lượng còn hơn thế”, anh nói.
Nói thêm về sự đắt đỏ của thú chơi này, anh Đăng Tú (Khâm Thiên, Hà Nội), một dân chơi thủy sinh lâu năm ở Hà Nội cho biết có những bể lên tới tiền trăm triệu không phải hiếm.
“Có nhiều loại cây giá rất đắt, như họ cây Trầu lùn. Cùng một họ nhưng đôi khi chỉ khác nhau một chút màu, hình dáng lá có thể chên nhau rất nhiều. Ví dụ có một số loại giá hơn 5 triệu đồng/cây mà cây chỉ bé bằng bát ăn cơm.
Hay một số loại cây bucep một nhánh bé như điếu thuốc lá, giá của nó là 2- 3 triệu đồng/cây. Giá đắt đỏ là vậy nhưng cây rất khó sống. Chính vì thế không phải ai cũng dám bỏ tiền ra chơi loại cây này”, anh Tú chia sẻ.
Một tác phẩm của anh Đăng Tú
Ngoài ra có một số dòng cây khác như cây Choi lưới, cây láng xoắn…giá từ 200.000- 250.000 đồng/cây. Người chơi có thể mua một đến vài cây để tô điểm thêm cho bể.
Bên cạnh đó là đá, đá dùng để bài trí cho bể thủy sinh có nhiều loại. Đá voi từ 5.000- 8.000 đồng/kg, đá ong vàng từ 20.000- 25.000 đồng/kg, đá tiger 45.000 đồng/kg.
Anh Tú cũng cho rằng chơi thủy sinh khá tốn kém, mất nhiều công sức nhưng hoàn toàn xứng đáng bởi giá trị tinh thần mà thủy sinh mang lại là không gì đo đếm được.