Thành Thành Công- Đế chế mía đường của gia đình ông Đặng Văn Thành

Đặng Văn Thành là người gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cùng nữ hoàng mía đường Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công.

Tâm huyết Sacombank

Từ cuối thập niên 1980, hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường.

Theo như lời tâm sự của bà Ngọc trong lần trả lời báo Doanh nhân Sài Gòn, vợ chồng bà đến với nghề đường đơn giản là vì mưu sinh.

Nếu tên tuổi bà Ngọc gắn với ngành mía đường và Thành Thành Công thì ông Đặng Văn Thành gắn liền với ngành ngân hàng và Sacombank.

Năm 1991, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đầu tiên được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) từ việc hợp nhất Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp cùng với 03 hợp tác xã tín dụng là Tân Bình, Thành Công và Lữ Gia.

Vốn điều lệ của Sacombank chỉ 3 tỷ đồng thì đến quý III năm 2014, con số đã lên đến 12.425 tỷ đồng.

Dưới thời kỳ đảm nhiệm vị trí chủ tịch của ông Đặng Văn Thành, Sacombank đã đạt được nhiều cái nhất tại Việt Nam như Ngân hàng lớn nhất về mạng lưới hoạt động; ngân hàng ngoài quốc doanh có tổng tài sản lớn nhất; ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sớm nhất (12-7-2006),…

Ngoài ra còn được các nhà đầu tư ngoại như Tập đoàn Quỹ Đầu tư Dragon Capital; Tập đoàn Tài chính Dragon Financial Holdings, Công ty Tài chính IFC, trực thuộc World Bank; Ngân hàng ANZ góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên đến năm 2012, gia đình ông Đặng Văn Thành để tuột mất quyền kiểm soát ngân hàng Sacombank vào nhóm nhà đầu tư mới đến từ Eximbank và SouthernBank.

Đầu tháng 11 năm này, ông Thành đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank sau hai chục năm lãnh đạo.

Đến giữa tháng 12, con trai ông là Đặng Hồng Anh cũng tiếp bước cha rút khỏi HĐQT Sacombank. Trước khi từ nhiệm, cha con ông Thành nắm giữ 7% cổ phần của ngân hàng này.

Năm 2012 cũng chứng kiến sự rút lui bất ngờ của bà Huỳnh Bích Ngọc khỏi vị trí lãnh đạo của một loạt công ty lớn ngành mía đường như Thành Thành Công, Bourbon Tây Ninh và Đường Biên Hòa.

Chia sẻ với Báo Nhà báo & công luận năm 2012, ông Thành cho biết:

“Tôi đã dành hết tâm huyết cuộc đời và mong muốn kết thúc vai trò tại Sacombank khi đã góp phần tạo ra tích sản ngân hàng đến thời điểm này đạt trên 6.700 tỷ đồng hữu hình (chưa tính giá trị thương hiệu vô hình khác), trong đó, có 1.700 tỷ đồng thặng dư tài sản bằng cổ phiếu (có thể được bán ra với thị giá 3.500 tỷ đồng tiền mặt), hoạt động ngân hàng luôn có lãi lớn.

Đã đến lúc tôi yên tâm chuyển giao Sacombank cho những thế hệ kế cận”.

Đế chế Thành Thành Công

Sau gần 2 năm im ắng trên thương trường sau khi rời Sacombank, năm 2014 ông Đặng Văn Thành quay trở lại với công việc kinh doanh với vai trò chủ tịch hội đồng chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

Thành Thành Công là cái tên không mấy xa lạ trong ngành mía đường.

Đầu tháng 7/2012, tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức, báo chí đã đặt vấn đề về việc có hay không Thành Thành Công (đang chiếm 40% thị trường đường Việt Nam) đang lũng đoạn thị trường đường.

Với xuất phát điểm là doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ, hiện Thành Thành Công đã là tập hợp của hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản.

Với mảng mía đường, hiện có 8 công ty thành viên thuộc Thành Thành Công được gây dựng bởi quá trình mua bán sáp nhập (M&A) bền bỉ trong một thời gian dài.

Công suất hoạt động của 8 nhà máy này đạt 25.400 tấn mía/ngày.

Về lĩnh vực bất động sản, hiện TTC có 4 đơn vị thành viên và 2 đơn vị liên kết với tổng diện tích đất sở hữu 250 ha và tổng diện tích khu công nghiệp là 1.072 ha.

Một số dự án tiêu biểu do các đơn vị thuộc TTC thực hiện như Jamona City, Arista Villas, Celadon City, Carillon Apartment, Carillon 2, Belleza Apartment, Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng…

Đối với mảng du lịch các công ty thành viên của TTC cũng sở hữu hệ thống hơn 20 khách sạn, resort gồm 1.000 phòng nghỉ như Khách sạn Michelia Nha Trang, Pegasus Resort, Khu du lịch Đồi Mộng mơ, Khu dịch Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt).

Trong mảng nông sản, TTC còn sở hữu phần lớn cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm từ quả dừa.

Cách đây không lâu xuất hiện thông tin ông Thành tham gia vào một dự án chăn nuôi bò Kobe tại Lâm Đồng.

Về mảng năng lượng, tập đoàn Thành Thành Công hiện có 19 nhà máy thủy điện, chiếm 3,2% tổng công suất nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước (khoảng 2500MW) và 7 nhà máy nhiệt điện chiếm 63% công suất đồng phát nhiệt điện cung cấp năng lượng cho các nhà máy đường.

Mảng giáo dục là hoạt động ít được nhắc đến của Thành Thành Công. Hiện tập đoàn này có 2 công ty thành viên quản lý hệ thống trường THCS-THPT cũng như hệ thống mầm non Bambi, Abi tại Đồng Nai.

Từ sau biến cố mất quyền kiểm soát tại Sacombank- vốn được xem là đứa con tinh thần của gia đình, ông Đặng Văn Thành ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Sự kiện này cũng khiến các thành viên trong gia đình như con trai Đặng Hồng Anh học được những bài học sâu sắc trong điều hành doanh nghiệp như để đảm bảo an toàn trong điều hành cần phải nắm quyền chi phối một cách tuyệt đối, xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự chân thành để khó khăn sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy.

Theo chia sẻ của ông Hồng Anh, hiện gia đình ông đang tập trung nguồn lực vào Tập đoàn Thành Thành Công để dần chuyển mình sang một hướng mới với diện mạo mới, sẵn sàng bật lên.

Tập đoàn vẫn đang chi phối các đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như kinh doanh vận tải, kho bãi, bất động sản nhưng ưu tiên tập trung phát triển từ nay đến năm 2020 là mía đường, năng lượng và du lịch.

Hiện ngoài ông Thành giữ chức vụ chủ tịch hội đồng chủ tịch, bà Ngọc và con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng hỗ trợ công việc điều hành của gia đình thông qua vị trí phó chủ tịch và chủ tịch Thành Thành Công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại