Ngũ cốc trộn sữa là món ăn sáng phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, đối với Gillian Fyvie, món này sẽ dẫn đến bệnh đau dạ dày và khiến lưỡi của cô sưng phồng lên.
Fyvie dị ứng với tất cả các loại sữa, từ sữa đậu nành, hữu cơ đến cả loại không chứa lactose – trừ một loại sữa bò do a2 Milk sản xuất.
Công ty sữa đến từ Sydney đang gây ra một cơn sốt trên thị trường bơ sữa thế giới nhờ những sản phẩm được phát triển dựa trên tiền đề rằng hầu hết những loại sữa công thức mà chúng ta sử dụng từ trước đến nay gây nên quá nhiều loại bệnh, từ táo bón đến tiểu đường.
Kể từ khi ra mắt năm 2003, a2 Milk đã thách thức các công ty sữa truyền thống, chiếm trọn 10% thị phần sữa tươi Australia chỉ với một sản phẩm được bán với giá 2 USD mỗi lít (cao gấp đôi so với giá sữa thông thường).
Tháng trước, công ty này đưa ra dự báo doanh thu có thể tăng 126%, lên 230 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/7 tới.
A1 và A2
Để hiểu tận tường tại sao sữa A2 lại gây sốt, bạn cần phải lật lại lịch sử 5.000 năm về trước.
Đó là thời điểm mà các nhà khoa học cho là những con bò sữa ở Bắc Âu đã bị đột biến gen và protein loại A1 bắt đầu xuất hiện.
Theo Woodford, giống bò Holstein-Friesians của Hà Lan (là loại bò chủ đạo của ngành công nghiệp sữa hiện đại) thường sản xuất ra loại sữa có khoảng một nửa hàm lượng protein là loại A1.
Năm 2007, Woodford còn xuất bản một cuốn sách mang tên “Quỷ dữ trong sữa” cho rằng protein loại A1 có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Tuy đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa hề có kết luận rõ ràng, a2 Milk vẫn tận dụng được cơ hội và “hái ra tiền”.
Điểm mấu chốt làm nên khác biệt cho các sản phẩm của a2 Milk là nguồn sữa.
Sữa được lấy từ những con bò A2, giống bò thuần chủng hơn so với A1 và đặc biệt trong sữa của chúng không có chứa loại protein được cho là có nguy cơ gây nên một số loại bệnh.
Hiện nay hầu hết các sản phẩm sữa trên thị trường đều chứa cả A2 và A1.
Doanh số mà a2 Milk thu được từ sữa tươi, sữa bột, kem và các sản phẩm bơ sữa khác không có chứa A1 đã tăng gấp 80 lần chỉ trong 6 tháng.
Đây cũng là yếu tố then chốt giúp a2 Milk tự tin tiến vào Trung Quốc – thị trường đang bùng nổ được định giá 19,9 tỷ USD.
Được thành lập năm 2000 bởi nhà khoa học người New Zealand Corran McLachlan và tỷ phú nông nghiệp Howard Paterson, giá trị thị trường của a2 Milk’s đã tăng hơn gấp 3 trong vòng 1 năm qua, lên 1,2 tỷ đôla New Zealand.
Có trụ sở ở Auckland, a2 Milk bước vào thị trường Anh năm 2012 và mở rộng ra thị trường Mỹ từ năm ngoái.
Ở Australia, nơi các sản phẩm của a2 Milk đang được bán ở khắp các chuỗi tạp hóa lớn và hơn 140 quán café, cổ phiếu của hãng đã tăng tới 189% so với khi bắt đầu niêm yết cách đây chưa đầy 1 năm.
Cho đến nay đây là cổ phiếu có diễn biến tốt nhất trong chỉ số S&P/NZX 50 và cũng diễn biến tốt hơn so với các cổ phiếu cùng ngành trên toàn thế giới.
Craig Garvin - CEO của công ty sữa Parmalat – cho rằng a2 Milk đang hủy hoại ngành công nghiệp bơ sữa với một chiến dịch đáng sợ làm lạc hướng người tiêu dùng.
Còn theo Spierings, CEO của Fonterra – công ty xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, sữa A2 chỉ là một sản phẩm marketing hoàn hảo.
Đáp lại, a2 Milk cho rằng những đối thủ sừng sỏ đang tìm mọi cách để hãm phanh tốc độ tăng trưởng của công ty.
Dẫu vậy, a2 Milk đang làm giàu cho Paula và Michael Gray, cặp vợ chồng có trang trại bò đã cung cấp sữa cho công ty này suốt 4 năm nay.
Mỗi năm họ bán cho a2 Milk tới 2 triệu lít sữa và mỗi thùng sữa đều được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chúng không chứa A1 protein.
Paula cho biết sữa A2 không chỉ giúp gia đình cô hưởng lợi về mặt kinh tế vì bán được sữa.
Đứa con trai 8 tuổi của họ đã thoát khỏi bệnh eczema kể từ khi gia đình bắt đầu chuyển sang dùng sữa A2. Đứa con lớn 10 tuổi cũng không phải chịu những tác dụng phụ như khi uống sữa thông thường.