Samsung thông báo sáp nhập Công ty Giải trí Cheil Industries và Công ty Xây dựng - Thương mại Samsung C&T.
Công ty mới sẽ có doanh thu hằng năm lên tới 31 tỷ USD theo kết quả kinh doanh năm 2014.
Cheil sẽ thâu tóm Samsung C&T bằng cách phát hành cổ phiếu Cheil mới thay cho cổ phiếu cũ của Samsung C&T với tỷ lệ 0,35:1.
Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 1/9, sau khi được phê duyệt tại đại hội đồng cổ đông của hai công ty trong tháng 7 tới.
Công ty mới giữ nguyên tên Samsung C&T, sẽ nắm giữ cổ phần lớn nhất trong mảng kinh doanh dược - sinh học của Tập đoàn và được kỳ vọng là sẽ tạo ra doanh thu trị giá khoảng 60.000 tỷ won (54,7 tỷ USD) trong năm 2020, trong khi con số này của cả hai công ty năm ngoái chỉ là 34.000 tỷ won.
Cổ đông lớn nhất trong công ty không ai khác chính là Lee Jae-yong với 16,5% cổ phần.
Ông Lee, còn được gọi là Jay Y, là thế hệ thừa kế thứ ba của nhà sáng lập Samsung. Hiện ông giữ chức phó chủ tịch mảng kinh doanh của Samsung Electronics.
Kế hoạch sáp nhập Samsung C&T được đánh giá là một bước để Jay Y tiến gần hơn đến "ngai vàng" của đế chế Samsung sau khi Chủ tịch Lee Kun hee bị một cơn đau tim.
Jay Y đã được chuẩn bị để trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng kể từ khi ông vào làm việc ở Samsung năm 2001.
Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, và có bằng thạc sĩ từ Đại học Keio của Nhật Bản.
Ông cũng từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard Business School, nhưng chưa nhận được học vị tiến sĩ.
Lee Jae Yong đang đẩy nhanh việc tổ chức lại cơ cấu sở hữu phức tạp của Tập đoàn bởi vì đơn giản là thừa kế cổ phần của vị trưởng tộc sẽ tiêu tốn của họ hàng tỷ USD tiền thuế.
Các chuyên gia nhận định vụ sáp nhập này sẽ cho phép ông Lee Jae Yong nắm thêm quyền điều khiển đối với Samsung Electronics.
Cổ phần của ông trong Samsung Electronics hiện nằm ở Cheil Industries với 23,2%. Cheil đóng vai trò trung tâm trong chiến lược củng cố quyền lực của gia tộc Lee, vì nó nắm cổ phần của hàng chục công ty con.
Những người trong gia tộc Lee điều hành khoảng 70 công ty thông qua các cổ phần chéo, từ chối bình luận về thương vụ Samsung C&T ngoài tuyên bố cho rằng "việc sáp nhập sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho một công ty giải trí và công nghệ sinh học hàng đầu thế giới".
"Việc gia tăng sự hiện diện trong các thương vụ quan trọng của Samsung cho thấy Lee Jae Yong đang ngày càng tiến gần hơn đến thời điểm tiếp nhận vị trí chủ tịch của Tập đoàn Samsung", ông Lee Sang Hun, một nhà phân tích của Công ty Đầu tư chứng khoán HI Seoul cho biết.
Vị trí chủ tịch sẽ không được giao cho Lee Jae Yong đến khi ông Lee Kun Hee qua đời. Đây là văn hóa chaebol rất độc đáo của Hàn Quốc.
Ngoài ra, theo pháp luật Hàn Quốc, người thừa kế phải nộp thuế 50% và ước tính thuế thừa kế của Samsung lên đến 6 tỷ USD.
Việc trì hoãn chuyển giao quyền lực cũng liên quan đến việc giảm thiểu tối đa khoản thuế thừa kế khổng lồ này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ một thỏa thuận liên quan đến việc một công ty giải trí mua một công ty thương mại và xây dựng.
"Đây là động thái có thể kích hoạt các cuộc tranh luận quản trị doanh nghiệp không chỉ tại Samsung mà là cả Hàn Quốc", Nam Dong Woo, người đứng đầu Công ty Quản lý tài sản Eastspring bình luận.
Theo các nhà phân tích khác, ngoài lợi ích của gia đình Lee, không có lý do cho việc sáp nhập xảy ra.
Thậm chí, một nỗ lực sáp nhập trước đó giữa các công ty liên quan, Samsung Heavy Industries Co. và Samsung Engineering Co., thất bại năm ngoái sau khi nhóm cổ đông bất đồng đã tìm cách bán hơn 15 ngàn tỷ won của các cổ phiếu lại cho công ty.
Gia đình giàu có nhất Hàn Quốc này hiện kiểm soát hoàn toàn Cheli: Lee Jae Yong giữ 25% vốn chủ sở hữu, chị em của ông là Lee Boo Jin và Lee Seo Hyun mỗi người giữ 8,4% và cha giữ 3,7%.
Phần còn lại thuộc về các công ty khác trong Tập đoàn. Các nhà phân tích cho biết, nhóm cổ đông không nằm trong gia tộc có thể bán cổ phiếu trong đợt IPO sắp đến và để cho gia đình Lee nắm quyền toàn bộ.