Theo đó, Chính phủ Nga và Việt Nam sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam như Kamaz, Gaz, UAZ…
So với thị trường ô tô trong nước, giá các mẫu xe này dao động trong khoảng 300 triệu đồng, phù hợp với kinh tế của người Việt.
Trong thời gian đầu, Việt Nam sẽ nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán đồng thời thăm dò thị hiếu của thị trường.
Theo nghị định thư được ký kết, các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế trong vòng 5 năm, bắt đầu từ giữa năm 2016.
Tại thị trường Nga, các mẫu xe địa hình UAZ có giá bán từ 609.000 đến 809.000 rup, tương đương khoảng 200 đến 276 triệu đồng. Đây là mức giá rẻ so với mặt bằng thị trường ôtô trong nước.
Vietnamnet cho hay, việc sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam có nhiều thuận lợi với ô tô Nga, giúp các doanh nghiệp (DN) giảm đáng kể về mặt chi phí vận chuyển, lắp đặt mà lại tăng sức cạnh tranh.
Những năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô tại Nga đang gặp nhiều khó khăn, doanh số liên tục giảm sút.
Hơn nữa, do phải nhập khẩu các linh kiện công nghệ cao từ nước ngoài và thanh toán bằng USD và EUR nên chi phí tăng vọt.
Tình hình thị trường ô tô Nga có vẻ bi quan nên khi hợp tác sản xuất ô tô tại Việt Nam, ô tô Nga sẽ có hướng đi mới tới “miền đất hứa” cho các DN ô tô Nga.
Bộ Công Thương Nga cho rằng thỏa thuận lần này sẽ giúp quốc gia này tăng kim ngạch xuất khẩu xe hơi và mở ra cơ hội cho các sản phẩm của Nga tiếp cận với thị trường ASEAN.
Theo dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu sang Việt Nam 2.550 xe trong 3 năm đầu và 13.500 phụ kiện trong 5 năm đầu.
Cho tới năm 2025, việc nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam có thể đạt 40-50%. Trong năm 2016, Nga có thể sẽ xuất sang Việt Nam 800 chiếc xe hơi được miễn thuế.
Tuy nhiên, một thử thách đến với ô tô Nga là xe mang các thương hiệu Toyota, Ford hay Honda... đang chiếm thị phần áp đảo.
Do đó, nếu chỉ cạnh tranh về giá, nhất là lại bị giới hạn loại xe, ô tô Nga rõ ràng khó có lợi thế trước ô tô của Nhật, Hàn, và các nước Đông Nam Á trên thị trường Việt Nam.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn là yếu tố quyết định. Nếu thị trường chấp nhận ô tô Nga thì đây sẽ là bước đệm cho ô tô Nga “lấn sân” sang các nước Đông Nam Á khác và dần dần lấy lại vị thế trên thương trường quốc tế.