Đó là bức xúc của ông Phạm Hữu Nghĩa (61 tuổi, ở P.Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, An Giang) tại ruộng lúa đang thu hoạch cặp tuyến đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên khi ông cự cãi với một “cò” lúa về giờ giấc gặt lúa.
Theo ông Nghĩa, ông làm được 25 công (25.000m2) lúa, giống IR50404, đã thu hoạch đợt đầu hết 14 công, bán với giá 5.200 đồng/kg tại ruộng.
Số còn lại ông đang thu hoạch và bán cho “cò” lúa với giá 5.250 đồng/kg lúa tươi tại ruộng với điều kiện sau khi thu hoạch xong phải để thêm 3 ngày nữa mới cân.
Đến thời điểm này, nông dân Châu Đốc đã thu hoạch được 6.139 ha/6.996 ha lúa, đạt tỷ lệ trên 87,7% diện tích, năng suất bình quân đạt 6,5 - 7,5 tấn/ha.
Giá lúa năm nay dao động 5.300 - 5.500 đồng/kg, tăng trên 800 đồng/kg so cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhóm cò này yêu cầu ông phải thu hoạch đúng 10g trưa nay 28-3, nhưng ông thấy lúa đã “quá tuổi” và khô héo nên cho cắt lúc 9g45 thì bị “cò” cự và kêu dừng vì cắt sớm!
“Anh nhìn thấy đó, lúa đã khô héo gần gục hết rồi mà nó bắt phải cắt theo ý nó. 10g mới chịu, cắt sớm có 15 phút cũng không được với tụi này nữa.
Bán tại ruộng thì nông dân lúc nào cũng thiệt thòi về ngày cắt, giờ cắt lúa. Đó là chưa kể tụi cò này đã hưởng hết một phần rồi", ông Nghĩa bức xúc.
"Năm nào cũng vậy, phải chi có một người đứng ra thu mua rõ ràng thì nông dân đâu có khổ như vậy!”, ông nói thêm.
Trong khi đó, chị Tuyền, một cò mua lúa ở khu vực Châu Đốc, cho biết sở dĩ chọn thời điểm đó cắt là để cho hạt lúa gáo mù sương sẽ “đỡ hơn” khi cân lúa xuống ghe.
“Nếu em cho cắt trước 10g thì tội nghiệp tụi chị lắm. Chị làm cò cho các ghe thôi chứ đâu phải người mua trực tiếp. Vì cắt trước thời điểm đó hạt lúa còn ướt lắm!” - chị phân bua.
Bàn về câu chuyện “cò lúa” hoành hành với ông Phạm Công Đợi, trưởng phòng Kinh tế TP Châu Đốc, ông cho rằng đây là “chuyện cũ”, xảy ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Theo ông, nông dân bán lúa tại ruộng bị thiệt thòi nhiều thứ. Đầu tiên là phụ thuộc vào giá cả hàng xáo, cò mua lúa đưa ra. Khi đã đặt cọc thì phụ thuộc họ vào thời điểm cắt lúa.
“Đa số nông dân năm nào cũng bị cò lúa hoặc hàng xáo bẻ kèo hay gạt, có khi thấy không ổn họ sẵn sàng bỏ cả cọc. Có nghe phản ánh nhưng khi tiếp cận thì họ đều lảng tránh. Không hợp tác sao xử lý ai được.
Hướng tới tôi dự định đề nghị Sở Công Thương giao một doanh nghiệp nào đó đứng ra thu mua lúa với giá cụ thể ở 1 - 2 địa phương nào đó thì sẽ thuận tiện hơn trong quản lý.
Nếu để tình trạng bát nháo như hiện nay thì người chịu thiệt thòi không ai khác là nông dân”, ông Đợi nói.