Miền Tây tăng tốc làm hàng đặc sản Tết

Ca Linh |

Hàng loạt cơ sở làm hàng đặc sản ở Vĩnh Long, Trà Vinh đang tăng tốc để bán trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh, cho biết: “Từ lâu, Trà Vinh nổi tiếng với nhiều loại đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng trong ngày Tết, như: tôm khô Vĩnh Kim, bánh tét Trà Cuôn, nước mắm rươi, củ cải muối…

Vì vậy, vào thời điểm cận Tết, những cơ sở thành viên câu lạc bộ đang hối hả sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường”.

Riêng cơ sở chả hoa Năm Thụy của ông Chinh trong những ngày này cũng sản xuất khoảng 2 tấn các loại sản phẩm như: chả hoa, chả lụa, nem, ba tê… tăng gấp đôi so với ngày thường.

Bánh tét Trà Cuôn là một trong những đặc sản nứt tiếng ở Trà Vinh, bởi đây là loại bánh có vị rất riêng so với những loại bánh tét khác.

Theo chủ cơ sở Bánh tét Ba Loan (xã Kim Hoà, huyện Cầu Ngang), bánh tét Trà Cuôn làm bằng nếp đặc sản. Để có màu tự nhiên, người gói dùng lá bồ ngót tạo màu và cho ra hương vị bánh thơm ngon.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, chủ cơ sở bánh tét Trà Cuôn ở xã Kim Hoà, cho biết trong dịp Tết năm nay, rất nhiều khách đặt mua bánh của cơ sở chị để về cúng, ăn hoặc làm quà biếu.

Vì vậy, hiện mỗi ngày cơ sở của chị Phúc phải tăng lên 8.000 đòn/ngày, sản xuất gấp 20 lần so với ngày thường mới đủ số lượng giao.

Giá bánh tét Trà Cuôn cũng không hề rẻ: loại 700 gram giá 50.000 đồng/đòn, loại 800 gram giá 60.000 đồng/đòn và loại 900 gram giá 70.000 đồng/đòn.

Sản xuất tôm khô Vĩnh Kim bán Tết
Sản xuất tôm khô Vĩnh Kim bán Tết

Một đặc sản khác không thể thiếu trong ngày Tết là tôm khô.

Tôm khô Vĩnh Kim từ lâu nổi tiếng trên thị trường do được làm từ con tép bạc đất tự nhiên, không dùng phẩm màu. Khi phơi khô, sản phẩm có màu đỏ hồng, thịt chắc, vị ngọt và thơm mùi đặc trưng.

Bà Trần Thị Khâm, chủ cơ sở sản xuất tôm khô Bà Hai Khâm (xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), bộc bạch:

“Năm nay, nhu cầu của khách rất nhiều mà cơ sở tôi sản xuất hạn chế do nguồn nguyên liệu khan hiếm, trong khi 10 kg tép tươi mới được 1 kg tôm khô.

Trong dịp Tết, cơ sở tôi dự kiến chỉ làm khoảng 200 kg tôm khô”.

Cũng vì ít sản lượng nên giá tôm khô hiện cũng cao ngất ngưởng: tôm khô loại 1 giá khoảng 1,3 triệu đồng/kg, loại 2 giá 1,1 triệu đồng/kg và loại 3 giá 800.000 đồng/kg.

Vừa chỉ đạo nhân công xếp những cái bánh tráng vào bọc, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Lệ Hằng (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), liên tục nhận được điện thoại đặt hàng.

Bà Hằng phấn khởi: “Dịp Tết đến là những người làm bánh tráng cù lao Mây của chúng tôi liên tục nhận được đơn đặt hàng.

Tại cơ sơ của tôi, trung bình mỗi ngày sản xuất từ 800-900 cái bánh tráng gói và 600 cái bánh tráng ngọt, gấp đôi so với ngày thường.

Năm nay, tuy giá gạo và nhân công có tăng chút đỉnh nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá bán như năm rồi: 1 chục (10 cái) bánh tráng ngọt giá 35.000 đồng, 1 chục bánh tráng gói giá 10.000 đồng”.

Tuy sản xuất thủ công nhưng những cơ sở nói trên vẫn ưu tiên chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Ông Nguyễn Trường Chinh nhấn mạnh: “Các món đặc sản ở Trà Vinh không những được ưa chuộng trong ngày Tết mà kể cả ngày thường, nên chúng tôi luôn chú trọng vấn đề đảm bảo VSATTP.

Tại cơ sở sản xuất chả, nem của chúng tôi đã đạt chứng nhận TCVN ISO 22000 và đã cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho nhiều siêu thị”.

Theo chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Lệ Hằng, làng nghề bánh tráng cù lao Mây đã có truyền thống gần 100 năm nay và có hơn 70 hộ tham gia sản xuất.

Chính vì có nguồn gốc lâu đời nên càng ngày sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng mới được khách hàng tín nhiệm.

“Tuy chúng tôi làm thủ công nhưng ở tất cả các khâu như: làm nước cốt dừa, chế biến mè (vừng), khuấy bột, , tráng bánh, đem ra vỉ phơi… phải luôn sạch sẽ, đặc biệt không sử dụng phẩm màu, hoá chất.

Sản phẩm làm ra tròn, dày, mịn nên được nhiều tiệm tạp hoá ở ĐBSCL đến đặt hàng lấy để bán lại trong dịp Tết” - bà Hằng bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại