Kinh hoàng nơi sản xuất nước tinh khiết gần khu nuôi bò hôi thối

Chí Thanh |

Nước uống đóng bình/chai đang trở nên "thiết yếu" hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng bởi những tiện ích của nó.

Chính vì nhu cầu lớn, khả năng sinh lợi cao nên "thấy người ta ăn" nhiều người cũng nhảy vào "vác mai đi đào".

Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đang cho ra lò các bình nước không đúng quy chuẩn, thậm chí mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đằng sau những sản phẩm nước đóng bình/chai mất an toàn là những câu chuyện kinh hoàng mà không phải ai cũng biết cặn kẽ.

Sau một thời gian theo dõi và tìm hiểu, PV báo Đời sống và Pháp luật mới ngỡ ngàng nhận ra cái được gọi là nước tinh khiết đóng bình giá rẻ, với những lời rao sạch, tinh khiết nhưng không biết thực sự sạch, tinh khiết đến thế nào.

Theo các chủ cơ sở cho biết, mỗi năm họ chỉ có một, hai lần bị kiểm tra, còn lại thì... "yên tâm sản xuất".

Nghĩa là, nếu họ có lấy nước không đảm bảo quy chuẩn để đóng bình và dán tem nhãn trở thành nước tinh khiết hay không thì... là câu hỏi cực khó.

PV đã thâm nhập thực tế và phát hiện những sự thật kinh hoàng sau những chai/bình nước được xem là sạch nhưng lại có "nguồn gốc bẩn" này...

Đi tìm những cơ sở sản xuất... siêu bẩn

Có một đặc điểm dễ nhận thấy chính là các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình tinh khiết hiện nay thường do các gia đình sản xuất. Nó thường tập trung trong các khu dân cư.

Được biết tại Thị trường TP.HCM có một số cơ sở chuyên cung cấp máy lọc nước.

Chỉ với chi phí đầu tư khoảng 60 - 80 triệu đồng cho dây chuyền lọc nước 500 lít (l)/ngày; hoặc 150 - 200 triệu đồng cho dây chuyền có công suất 1000l/ngày thì nhiều gia đình đang... hái ra tiền sau khi bỏ ra một khoản tiền đầu tư ban đầu.

Đường vào cơ sở sản xuất nước tinh khiết này nồng nặc mùi phân bò.

Theo ghi nhận của PV, ngoài số cơ sở đầu tư bài bản với dây chuyền máy móc hiện đại thì khá nhiều cơ sở còn lại đang sản xuất theo cách nói trên, với quy mô nhỏ, hoạt động kiểu du kích.

Đặc biệt tập trung ở các quận, huyện giáp ranh trung tâm và ngoại thành TP.HCM.

Trong vai một nhân viên của công ty đi tìm cơ sở cung cấp nước tinh khiết cho công nhân uống, PV lần theo số điện thoại được dán trên nhãn bình của cơ sở sản xuất Q.H..

Mặc dù cơ sở sản xuất này ghi trên nhãn bình có địa chỉ là ấp 4, tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM), nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.

Theo chỉ dẫn của chủ cơ sở qua điện thoại, PV đến ngã tư chợ Chiều (đường Huỳnh Minh Mương giao tỉnh lộ 15, ấp 4, xã Tân Thạnh Đông), là địa chỉ mà cơ sở này ghi trên nhãn bình.

Thế nhưng, đến đây rồi, PV còn phải chạy thêm khoảng hơn 1km gặp con đường nhỏ 117, chạy tiếp gần 1km nữa mới tới cơ sở sản xuất.

Điều đầu tiên mà PV quan sát được toàn bộ khu vực này đều là các hộ dân nuôi bò sữa nên rất hôi thối.

Đi vào khu vực này mùi phân, nước đái bò bốc lên nồng nặc. Thi thoảng lại gặp các bao phân bò được các hộ gom lại, chuẩn bị chờ xe tới lấy tạo nên mùi hôi thối kinh khủng.

Cơ sở sản xuất nước Q.H. nằm lọt thỏm trong vùng dân cư, với con đường trải đá chẻ khá bụi bặm khi nắng lên.

Khi vào thực tế cơ sở này càng khiến PV choáng hơn. Đó là một căn nhà cấp bốn, có ngăn riêng "cơ sở sản xuất" bằng một ô cửa nhỏ.

Khi chúng tôi hỏi, có thể vào xem dàn máy lọc nước được không thì ông chủ cũng miễn cưỡng mở ra.

Đó là hai phòng nhỏ, mỗi phòng chừng chưa đầy 10m2. Một phòng để dàn máy lọc và một phòng để đóng bình, thành phẩm.

Lúc PV đến là khoảng 8h30 sáng, nhưng máy móc lại không hoạt động mà nằm im lìm.

Đáng nói là những căn phòng này trông khá nhếch nhác. Phòng thành phẩm còn được lát gạch men còn phòng để máy lọc thì lát loại gạch Tàu cũ kỹ.

Ông D., chủ cơ sở cho biết: "Nước nguồn để xử lý đầu vào là nước giếng, có giấy phép hẳn hoi".

Trong khi khu vực này toàn nuôi bò, càng làm cho chúng tôi thấy lợm giọng khi nghĩ đến việc uống phải những ngụm nước "tinh khiết" sản xuất từ đây.

Điều đáng nói trên nhãn bình của cơ sở này lại ghi lập lờ rằng: "Nước được lấy từ mạch nước ngầm"?!

Thực tế, nước giếng cũng là mạch nước ngầm, song kiểu lập lờ một cách tinh quái về ngôn ngữ này, dễ khiến người ta lầm tưởng ở đây có một hệ thống lấy và xử lý nước ngầm rất hiện đại.

Về giá cả, ông D. cho biết: "hiện đang giao cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa là 6 ngàn đồng.

Còn nếu anh lấy cho công ty thì phải có xe chở, hiện nay chúng tôi không còn nhân lực để làm chuyện này".

Khi PV hỏi vậy có bớt giá xuống chút không? ông D. trả lời:"Bớt còn 5.800 đồng/bình. Thế chân vỏ bình 30 ngàn đồng/bình. Nói thì thế nhưng nếu hợp tác được thì có thể tính lại tiền thế chấp vỏ bình".

“Lách luật” bằng công nghệ “pha nước”

Tiếp tục, PV tìm đến công ty S.T., có trụ sở ở đường Cống Lở, P.15 (Q. Tân Bình, TP.HCM).

Tại đây, bà T.T.P., Giám đốc công ty này cho biết, ngoài việc cung cấp, lắp đặt, tư vấn thiết kế các dây chuyền lọc nước cho khách hàng thì chúng tôi cũng đang sản xuất nước uống đóng bình.

Khi tư vấn cho PV, bà P. chia sẻ kinh nghiệm: Hiện nay, nếu có hai nguồn (nước giếng và thuỷ cục) thì khi đi xin giấy phép sản xuất phải đưa nước máy (nước thủy cục cấp còn gọi là nước máy) cho dễ kiểm định.

Bởi có nhiều địa phương giờ người ta bắt buộc phải lấy nguồn nước này. Còn một số quận, huyện ngoại thành vẫn được cấp nước giếng nhưng khó lắm.

Thế nên nếu có hai nguồn thì cứ đi lấy nguồn nước máy để cho dễ được cấp phép. Sau khi được cấp phép sản xuất rồi thì sử dụng cả hai nguồn để giảm chi phí xuống.

Tư vấn xong vấn đề quan trọng trên, bà P. cho nhân viên đưa PV đi tham quan dây chuyền sản xuất của công ty.

Nhân viên đưa PV đi xem cho biết, "hiện nay, nước của chúng em đã cung cấp cho nhiều cửa hàng, quán ăn, quán café trên địa bàn TP.

Để giảm giá thành, chúng em cũng đang sử dụng hai nguồn nước. Vừa nước máy vừa nước giếng khoan?!

Ở khu vực này, khi đi kiểm định bắt buộc là nước thuỷ cục nhưng mình sản xuất thì cứ pha vào nước giếng?!"

Chính vì các yếu tố đầu vào như thế nên "nước tinh khiết" kiểu này có giá thành rất rẻ.

Giám đốc một công ty sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai có uy tín tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, để có nước uống đóng bình đạt các quy chuẩn của cơ quan chức năng và sạch thật sự cho người tiêu dùng phải đảm bảo rất nghiêm ngặt nhiều quy trình, nhiều khâu.

Ngoài sự hiện đại của dây chuyền, công nghệ ra thì khâu chiết, rót vào bình được xem là quan trọng hàng đầu, đó phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật.

Tuy nhiên, khi PV khảo sát một số cơ sở như Q.H. ở Củ Chi hay S.T. ở Gò Vấp, thì không gian đóng bình trông khá nhếch nhác.

Cho nên, nếu đảm bảo được quy trình này và tạo nên những bình nước sạch thật sự, đảm bảo an toàn thì giá thành không thể rẻ đến mức chỉ 8 - 10 ngàn đồng/bình 20l khi tới tay người tiêu dùng như hiện nay được.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao các cơ sở này lại có thể "biến hoá" đến như thế? Và nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng như thế nào?

Chúng tôi sẽ lần lượt đi tìm câu trả lời trong các số báo tiếp theo.

Khi PV hỏi có hay bị các đoàn kiểm tra của ngành y tế xuống kiểm tra hay không, thì nhân viên của công ty S.T. cho biết, mỗi năm chỉ có một lần họ xuống kiểm tra thôi, nên cứ yên tâm sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại