Đại gia hàng đầu Việt Nam và khối tài sản nghìn tỷ đồng
Nắm trong tay 342.765.533 cổ phiếu, tương đương 43,4% giá trị cổ phần của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) hiện là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.
Tính từ thời điểm đầu năm tới hết tháng 12/2014, HAG đã tăng khá mạnh từ mức 20.400 đồng/cổ phiếu lên mức 22.1000 đồng/cổ phiếu.
Theo đó, mở đầu phiên giao dịch ngày 2/1/2014, giá cổ phiếu HAG ở mốc 20.400 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 31/12, HAG chốt mốc 22.100 đồng/cổ phiếu.
Tính cả năm, cổ phiếu này có mức tăng là 1.700 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, với sự tăng giá mạnh của cổ phiếu này, trong năm 2014 vừa qua, số tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức đã chạm mốc 7.575,118 tỷ đồng, tăng hơn 1.187 tỷ đồng.
Bầu Đức - CTHĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Năm 2014 vừa qua cũng là một năm đại thắng của cổ phiếu HAG khi Quỹ đầu tư của Mỹ Global Emerging Market (GEM) ký bản cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (khoảng 80 triệu đô la Mỹ) vào cổ phiếu HAG.
Theo như đánh giá của ông Martin Doan - đại diện GEM, thì đây là thương vụ có giá trị lớn nhất của GEM ở Việt Nam từ trước tới nay.
Sự tham gia của GEM vào HAG là phát súng mở đường cho nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung đầu tư vào HAG.
Con đường từ làm ăn nhỏ lẻ đến đại gia đa ngành
Ông Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ vào năm 1990 có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã.
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku.
Đến năm 2006, nó trở thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.
Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của Hoàng Anh Gia Lai Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007.
Vào năm 2009, công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG.
Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết ban đầu gần 180 triệu đơn vị. Khi mới chào sàn, cổ phiếu này được niêm yết ở mốc 40.000 đồng/cổ phiếu.
Đến nay, khối lượng cổ phiếu HAG đang lưu hành đã lên tới hơn 537 triệu, tương đương mức vốn hóa thị trường khoảng 16.067 tỷ đồng.
Tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2013 HAG có 1.729 tỷ đồng tiền mặt, giảm 789 tỷ đồng so với đầu năm 2013.
Tại thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai vay nợ 14.586 tỷ đồng, trong đó có 3.426 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 11.080 tỷ đồng nợ dài hạn.
Tổng tài sản của HAG đến cuối tháng 9 là 32.202 tỷ đồng tăng 918 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 12.909 tỷ đồng, tăng 3.156 tỷ so với cuối năm 2012.
Công ty của ông bầu bóng đá này là một trong số ít doanh nghiệp biết tận dụng Đông Dương để làm căn cứ trồng và xuất khẩu cao su.
Ông đã đầu tư trồng cao su tại Lào (năm 2007) trước khi trồng tại Gia Lai năm 2008. Ngoài việc đầu tư trong nước, HAG còn mở rộng phát triển nông nghiệp sang nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar.
Bầu Đức trong lễ ký kết dự án chăn nuôi bò sữa và thịt bò
Bầu Đức lặn lội qua Lào và Campuchia tìm đất làm nông nghiệp từ năm 2008. Giờ ông đã có 46.000 hecta caosu bắt đầu thu hoạch, 10.000 hecta mía và 6.000 hecta bắp.
Áp dụng công nghệ Israel, sản lượng cao su và mía ông thu hoạch có công suất cao gấp rưỡi ở Việt Nam.
Riêng bắp ông mới trồng được 2 vụ đã cho sản lượng 12 tấn/hecta, cao hơn nhiều so với năng suất 6-7 tấn/hecta trong nước.
Tính riêng trong năm 2013, HAG đầu tư 200 tỷ đồng vào dự án trồng và chăm sóc 9.000 ha cao su tại tỉnh Rattanakiri, Campuchia và 300 tỷ đồng cho dự án trồng và chăm sóc 25.000 ha cao su và cọ dầu tại tỉnh Attyapeu, Lào.
Sang đến năm 2014, HAG gây “chấn động” dư luận khi chuyển chiến lược sang chăn nuôi bò lấy sữa.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư với số vốn 6.300 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai hiện có trong tay quỹ đất lên tới hơn 100.000 ha tại ba nước Việt Nam, Lào và Myanmar, rất thuận lợi để chăn nuôi đàn gia súc lớn.