Một giám đốc điều hành bị đẩy ra khỏi ban lãnh đạo của tập đoàn kinh doanh có giá trị vốn hóa đến 79 tỷ USD. Anh nghi ngờ em trai mình đứng sau âm mưu lật đổ đó.
Anh cầu cứu sự giúp đỡ của cha mình, thế nhưng chính cha anh cũng bị em trai anh “cho ra rìa”. Hiện tại người con trai thứ này đang nắm quyền kiểm soát tập đoàn.
Chuyện này nghe như phim, thế nhưng đây lại là thực tế của cuộc chiến giành quyền lực thời gian qua trong tập đoàn Lotte.
Đây là một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh khách sạn, bán lẻ, điện ảnh, bất động sản, cho đến đồ ăn nhanh.
Quyền lực kiểm soát tuyệt đối với khối tài sản hàng chục tỷ USD của các tập đoàn Hàn Quốc là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” để giành vị trí chủ tịch tập đoàn, một bài viết mới được tờ New York Times đăng tải bình luận.
Các cuộc chiến giành quyền kế nhiệm không phải là điều gì quá bất thường ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên việc con trai “hất cẳng” cha lại là điều hiếm hoi trong xã hội Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng lớn từ Khổng giáo, nơi sự tôn trọng bề trên được đề cao.
Ở Hàn Quốc, trong mỗi ngành nghề có một hoặc một vài tập đoàn (chaebol) thống trị, ví như Samsung, Hyundai hay LG.
Từng thay đổi của mỗi tập đoàn này có sức ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội Hàn Quốc.
Sau vụ việc ở tập đoàn Lotte, nhiều quan chức Chính phủ Hàn Quốc đã lo lắng đến nỗi họ đã phải tổ chức hẳn một phiên điều trần về những rắc rối tại Lotte.
Trong phiên này, người con trai thứ Shin Dong-bin đã xin lỗi về những hành động của mình.
Theo ông Lee Ji-soo, giám đốc trung tâm nghiên cứu luật và kinh tế tại Seoul, Hàn Quốc, các cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra ở gần như tất cả các tập đoàn tại Hàn Quốc.
Chính vì thế, dường như lại may khi mà chủ tịch của Samsung và Huyndai hiện chỉ có duy nhất một con trai. Khi nhà đầu tư muốn có lợi nhuận cao hơn, họ đòi hỏi phải có kế hoạch tìm người kế vị thật minh bạch.
Nhà đầu tư toàn cầu không phải lúc nào cũng hài lòng với cách quản trị doanh nghiệp đậm chất Hàn Quốc này.
Họ lo sợ về sự kết hợp giữa cấu trúc kinh doanh phức tạp và kế hoạch kế vị chỉ bó hẹp với con trai của người sáng lập sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh.
Số liệu từ Chính phủ Hàn Quốc cho thấy những gia đình điều hành 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc chỉ sở hữu trung bình 2,7% tổng tài sản của “đế chế” kinh doanh mà họ quản lý.
Thế nhưng những vị chủ tịch này thường có quyền lực như vua, khi nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và kết nối các công ty với nhau bằng cách sở hữu chéo cổ phiếu.
Giám đốc điều hành tập đoàn có quyền quyết định với tất cả các vị trí điều hành ở các công ty con.
Ví như tại Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, mạng lưới sở hữu chéo cổ phiếu của tập đoàn phức tạp và rối rắm đến nỗi nếu nhìn từ bên ngoài, có thể hình dung nó giống như một bát mì.
Cấu trúc sở hữu cổ phiếu được thiết kế như vậy để ngăn các âm mưu thôn tính tập đoàn.
Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc những rắc rối tài chính từ một công ty có thể nhanh chóng lây lan sang các công ty khác cùng hệ thống.
Chủ tịch các tập đoàn thường để đến cuối đời mới đưa ra quyết định về người nối nghiệp. Đứng trước khối tài sản hàng chục tỷ USD, những người con của chủ tịch thường đấu đá quyết liệt để giành được ngôi kế vị.
Theo New York Times, những vụ tranh giành quyền lực trong các tập đoàn Hàn Quốc nhiều khi đã làm chia rẽ tập đoàn. Năm 2000, Hyundai đã bị tách ra làm 4 sau các cuộc đấu đá nội bộ.
Trong trường hợp khác, nó dẫn đến bế tắc lãnh đạo kéo dài, giống như những gì đã diễn ra tại Doosan và Kumho trước đây.
Lotte hiện là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc, hiện có khoảng 310.000 người làm việc cho Lotte tại Hàn cũng như chi nhánh của tập đoàn trên thế giới.
Vào năm 2014, doanh thu từ 80 chi nhánh của tập đoàn trên khắp thế giới đạt 79 tỷ USD.