"Dìm" Bphone: "10 người Việt không bằng 1 người Nhật"

Kiều Linh |

Bphone – chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt ra đời, liệu sẽ là phát nổ đầu tiên cho cuộc “cách mạng” công nghệ Việt hay sẽ lại đi vào vết xe đổ?

Bphone - Ngọn lửa hy vọng

Còn nhớ, cách đây 2 năm, công ty VNPT Technology (thành viên của VNPT) chính thức ra mắt chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt Nam đầu tiên - Vivas Lotus S1.

Vivas được thiết kế, sản xuất và phát triển tại Việt Nam. Thiết bị chạy trên hệ điều hành Android 4.0.4, hỗ trợ 2 SIM 2 sóng online, màn hình “khủng” 5 inch. Sản phẩm này đã từng “làm mưa làm gió” thị trường công nghệ.

Không chỉ VNPT mà cả ông lớn Viettel cũng bắt tay vào cuộc đua này khi tung ra thị trường các mẫu smartphone “Made in Việt Nam” như V8403 2 SIM...

Thế nhưng, chẳng bao lâu, những chiếc smartphone "Made in Việt Nam" bị “chìm xuồng”.

Ông Nguyễn Tử Quảng từng đánh giá trên Facebook: “Bphone đẹp, cá tính hơn iPhone 6”.

Ông Nguyễn Tử Quảng từng đánh giá trên Facebook: “Bphone đẹp, cá tính hơn iPhone 6”.

Và rồi ngày 26/5 vừa qua, làng di động Việt lại thêm một phen “rúng động” khi Tập đoàn công nghệ Bkav tung ra "siêu phẩm smartphone – Bphone".

Ông Nguyễn Tử Quảng, người đứng đầu của hãng công nghiệ này khẳng định: “Chúng tôi có một sản phẩm với thiết kế tối giản, mạnh mẽ, cá tính nhưng vẫn rất mềm mại.

Chúng tôi gọi đó là thiết kế kiểu dáng phẳng. Bphone là sản phẩm có thiết kế phẳng về kiểu dáng đầu tiên trên thế giới”.

Thế nhưng, ngay sau buổi ra mắt, Bkav đã nhận được không ít chỉ trích từ dư luận khi sử dụng một hình ảnh được đăng tải trên mạng internet từ năm 2013 nhằm quảng cáo máy ảnh camera 13MPs của chiếc điện thoại này.

Một diễn đàn công nghệ bình phẩm: "Việc 1 đơn vị phải đầu tư 4 năm trời để có một sản phẩm tương đương thế giới cũng không phải là kỳ tích hấp dẫn lắm".

Thế nhưng, khoan chưa nói đến chất lượng của sản phẩm và cha đẻ của Bphone đã “nổ’ to như thế nào, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định rằng, Bphone hoàn toàn có cơ hội để cạnh tranh trên thị trường, vươn ra bản đồ công nghệ thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước có gần 20 ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn buộc ngưng hoạt động thì chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt đã phần nào nhóm lên ngọn lửa hy vọng cho các doanh nghiệp đang có nguy cơ giải thể.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright khẳng định: “Bản thân Bkav đã có sự chuẩn bị chu đáo suốt gần 5 năm. Điều này không đồng nghĩa là sản phẩm của họ phải hoàn mỹ.

Sự hoàn mỹ này chỉ đến với một số người chuyên bới lông tìm vết, vạch áo tìm sâu.

Chưa nói đến sản phẩm của Bkav có sức sống đến đâu nhưng ít nhất nó thể hiện khao khát của một số người, khao khát được khẳng định thương hiệu Việt, được chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có khả năng cạnh tranh, có thể làm được sản phẩm không kém họ...”.

Văn hóa "dìm hàng" giết chết thương hiệu Việt?

Trong khi nhiều người bình luận về việc Bphone không có gì nhiều thuộc về “trí tuệ Việt” hay “công nghệ Việt”, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn lại cho rằng: “Gần 30 năm nay thực hiện chính sách công nghiệp đến nay chúng ta có sản phẩm nào gọi là trí tuệ Việt không?

Nếu không có thì đừng bao giờ đòi hỏi cái gì thuộc trí tuệ Việt. Mọi người đều đi vay mượn thì chỉ cần làm được như Bphone là tốt lắm rồi”.

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng thói chê bai của người Việt sẽ giết chết Bphone

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng thói chê bai của người Việt sẽ giết chết Bphone

Bàn về khát vọng Việt, thương hiệu Việt, vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm: “Trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, diễn đàn rất nhiều bình luận, tranh cãi, chê bai về sản phẩm Bphone.

Tôi nói một câu vui thế này, 1 người Việt hơn 1 người Nhật nhưng 10 người Việt sẽ không bằng 1 người Nhật. Bởi vì 10 người Việt đấu đá nhau, đánh chết nhau rồi thì không cần 10 người Nhật mà 1 người Nhật cũng thắng.

Đây là một văn hóa chê bai, dìm hàng đáng sợ của người Việt. Sự hẹp hòi, ích kỷ, ganh tỵ nằm sẵn trong máu. Khi thấy người khác nổi trội hơn mình, giỏi hơn mình, lòng đố kỵ trỗi dậy.

Như vậy là người Việt tự giết chết nhau. Thương hiệu Việt bị chính người Việt dìm chết.

Mặc dù Bphone còn khoảng cách lớn so với sự mong đợi nhưng chúng ta đòi hỏi gì hơn?

Phải đi từ bước đi đầu, người Việt phải trân trọng, tiếp sức cho nó bằng cách này hay cách khác. Khi chúng ta khẳng định được vị trí và thương hiệu dù nhỏ mới thì có đông lực làm tiếp, làm những cái tốt hơn.

Về sự cố buổi ra mắt đầu tiên, Bkav đã thừa nhận.

Người tiêu dùng, tất nhiên họ được quyền đòi hỏi khắt khe, họ có thể không mua sản phẩm của Bphone nhưng không nhất thiết phải chê bai, dè bỉu chiếc điện thoại thông minh đầu tiên mang thương hiệu Việt.

Người tiêu dùng cũng có nhiều cách thức góp ý khác nhau chứ không nên phơi bày bằng ngôn ngữ cay cú, đao to búa lớn, như thế không hợp lý.

Bởi vì không ai bắt người tiêu dùng phải mua sản phẩm, họ có quyền lựa chọn các sản phẩm khác như iPhone, Samsung, HTC...

Dù sao Bphone cũng là nỗ lực lớn của Bkav, là khát khao gây dựng thương hiệu Việt, chúng ta nên ủng hộ chứ đừng tự tay giết chết thương hiệu Việt”, ông khẳng định.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, cho hay smartphone của Bkav rất cần thiết để trả lời câu hỏi là Việt Nam có làm được những sản phẩm công nghệ cao hay không.

"Bkav đã đi theo hướng khác biệt là sử dụng công nghệ cao, có sự đầu tư mạnh và đúng đắn, khôn ngoan khai thác nguồn tài chính theo chiều sâu, do đó không có lý do gì chúng ta không khuyến khích, ủng hộ những sản phẩm của họ như Smart Home hay smartphone.

Tôi đánh giá cao điện thoại của Bkav về mặt kỹ thuật, tiềm năng thị trường cũng như khả năng mở rộng về phần cứng, phần mềm", ông Quân cho biết.

Tuy nhiên, vị Viện trưởng này cũng cho rằng, Bkav đang đầu tư lớn nhưng nếu không khai thác rộng thì sẽ có nguy cơ lãng phí.

"Bkav không thể một mình làm tất cả, nhất là trong bối cảnh các đối thủ quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm cạnh tranh.

Họ nên phối hợp thêm với các doanh nghiệp khác trong nước để chia sẻ công nghệ, tạo ra chuỗi cung ứng nhằm khai thác hiệu quả, xây dựng thương hiệu mạnh cho quốc gia", vị này nhận định.

Ông Tô Chính Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc chiến lược phát triển & Marketing, siêu thị điện máy HC cho hay: Về mặt tinh thần chúng tôi ủng hộ Bphone của Bkav.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết công tác kinh doanh, định hướng chiến lược của Bphone, các chính sách marketing nên chưa thể nói sẽ phân phối sản phẩm này hay không.

Bkav có bốn yếu tố cần trả lời: sản phẩm như thế nào, định hướng chiến lược muốn phân phối bán lẻ hay qua các đầu mối, các chính sách marketing hỗ trợ, đặc biệt chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người bán hàng hay người tiêu dùng.

Bộ phận tiếp thị Bphone cần có buổi họp để giải đáp thắc mắc, làm thỏa mãn câu hỏi của người kinh doanh điện thoại chuyên nghiệp hiểu và tiếp cận sản phẩm.

Chủ tịch FPT Software
Hoàng Nam Tiến
Nếu Bkav có giới thiệu sản phẩm Bphone thì nên nhìn thị trường toàn cầu, đừng chỉ nhìn 90 triệu người ở Việt Nam. Lần tới ra mắt sản phẩm thì nên chọn Las Vegas, Shanghai...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại