Hai năm trước, Lê Hoàng Đức đã rời bỏ công việc ở một tập đoàn viễn thông tên tuổi với mức lương gần chục triệu/tháng để bắt đầu ý tưởng kinh doanh của riêng mình. Trải qua nhiều thất bại trong việc làm ăn, cuối cùng, chàng trai sinh năm 1990 này quyết định mở quán bán đồ ăn vặt trên phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội).
Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm buôn bán chưa nhiều, quán ăn của Đức thường xuyên trong tình trạng vắng khách. Mỗi ngày, Đức và người bạn thân vất vả lắm cũng chỉ bán được 3 – 4kg thịt xiên nướng. Chàng trai 9X cho biết, đó là quãng thời gian đầy khó khăn và phải rất kiên trì, cậu mới có thể vượt qua.
Đức hiểu, để giữ chân khách và làm ăn sinh lãi không phải là chuyện dễ dàng. Theo Đức, muốn kinh doanh quán ăn vỉa hè thành công, trước hết phải đảm bảo giá rẻ và chất lượng phục vụ tốt. “Khách chọn ăn ở một quán nào đó, đôi khi không phải vì quán ấy có đồ ăn ngon nhất mà còn vì nhiều yếu tố khác như chất lượng phục vụ, không gian, sự thân thiện của chủ quán, nhân viên…”, chủ quán nói.
Để “hút” khách, Đức cố gắng duy trì giá bán mọi thứ khá rẻ: Thịt xiên nướng 7.000 đồng/xiên, bánh mỳ 3.000 đồng/chiếc, sữa đậu nành 7.000 đồng/cốc, trà đá, nước lọc miễn phí. Đức bật mí, nếu bán trà đá với mức giá 2.000 đồng/cốc như các quán ăn khác, doanh thu của quán mỗi ngày sẽ rất cao, vì trà đá cần ít vốn. Song, để tạo ấn tượng tốt với khách, cậu quyết định miễn phí trà đá, nước lọc.
Quán ăn vặt vỉa hè của Đức chỉ vẹn vẻn có vài chiếc ghế nhựa với không gian chật hẹp trong một con ngõ nhỏ nhưng lại hút khách một cách lạ lùng. Chủ quán cho biết, mỗi ngày, anh cùng 6 nhân viên khác phục vụ khoảng 300 đến 400 lượt khách, tiêu thụ hết hơn 1.000 xiên thịt, tương ứng với khoảng 45 – 50kg thịt lợn.
Theo Đức ước tính, số tiền lãi từ mỗi que thịt xiên nướng khoảng 2.000 đồng, chưa kể tiền lãi từ bánh mỳ và sữa đậu nành. Sau khi trừ đi các khoản chi phí về nhân công, Đức thu lãi khoảng gần 2 triệu/ngày. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cao cho bản thân và gia đình, Đức còn giúp đỡ 6 bạn trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn có công việc ổn định.
“Cứ nghĩ thịt xiên nướng vỉa hè chỉ là đồ ăn vặt của giới sinh viên, nên đợt hè vừa rồi, mình rất lo lắng là quán sẽ vắng khách, nhưng không ngờ, số lượng hàng tiêu thụ vẫn không hề giảm”chủ quán cho biết. Để lượng hàng bán ra tập trung và tránh dư thừa, quán chỉ bán vào giờ cao điểm trong ngày, buổi trưa từ 11h đến 13h và buổi chiều từ 16h đến 18h.
Quán ăn của Đức nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, theo một số khách hàng, đồ ăn ở đây chưa ngon, phục vụ chậm, nhiều khi đông khách quá, khách hàng cứ phải đợi "dài cổ" mới đến lượt, thậm chí đứng thành hàng như thời bao cấp.
Nguyễn Văn Đức, sinh viên Đại học Tài nguyên & Môi trường (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thích không gian và giá cả ở đây hơn là đồ ăn. Với khẩu vị của mình thì thịt xiên ở đây không đậm đà lắm”.
Trong khi đó, chị Trâm, một người dân sống tại phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) tâm sự: “Mình hay ghé qua đây mua rồi đi luôn vì không thích lê la vỉa hè, hơn nữa nếu ngồi lại để ăn chắc chắn sẽ phải đợi lâu vì quán đông quá”.
Dù quán ăn rất đông khách và sinh lãi tốt nhưng theo Đức, buôn bán vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều rủi do. Đức kể lại, khoảng một năm trước, khi đang bán hàng thịt xiên nướng trên phố Chùa Láng, công việc gặp trục trặc khiến cậu phải chuyển địa điểm sang một ngõ nhỏ khác. “Việc chuyển địa điểm làm quán mất đi nhiều khách quen. Khách mới thì nhầm lẫn, ăn ở quán khác thấy không ngon rồi đồn thổi quán mình kém chất lượng, làm giảm uy tín của quán”, Đức nói.
Đức chia sẻ, nhiều lần khách kéo đến quá đông, cậu phải từ chối khách và ưu tiên bán cho người quen. “Biết rõ làm như vậy là mất điểm với khách nhưng mình nghĩ đó là sự lựa chọn an toàn. Đối với mình, khách quen là đối tượng cần ưu tiên giữ chân hơn cả”, Đức nói.
Với Đức, chuyện kinh doanh vỉa hè bao giờ cũng bấp bênh, được bữa nay, lo bữa mai. Ước mơ lớn của cháng trai 9X này là có một số vốn lớn để mở một hệ thống cửa hàng thịt xiên tại Hà Nội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và giá thành đồ ăn rẻ nhất, tốt nhất đến tay khách hàng.