Dán tem cho bia: Khoảng 7000 tỷ đồng "đổ" vào đầu ai?

Kiều Linh |

Dán tem cho bia sẽ bất lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất bia, đó là quan điểm của ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN.

Tư duy quá lỗi thời

Những ngày vừa qua, câu chuyện Bộ Công thương đề xuất dán tem chống giả lên các sản phẩm bia đã gặp phản ứng gay gắt từ phía các doanh nghiệp (DN) sản xuất bia.

Họ bức xúc vì cho rằng, việc dán tem cho bia không những gây khó khăn, lãng phí, làm tăng giá thành sản phẩm mà còn không đem lại tác dụng.

Theo tính toán của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, dán tem cho bia khiến chi phí sản phẩm bị đội lên từ 6.500 tỷ đến 7.000 tỷ đồng, thuế nộp ngân sách nhà nước sẽ giảm 1,4 đến 1,5 tỷ đồng.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Công ty nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận định: “Chi phí tăng thêm sẽ ném vào người tiêu dùng khiến chỉ số giá tăng và DN chật vật hơn trong kinh doanh”.

Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn bảo lưu mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ bia, dán tem.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, mục đích dán tem của Bộ Công thương là chưa hợp lý và chưa cần thiết.

Ông Hùng phân tích: “Đặc thù nhà máy sản xuất bia là khép kín, các nhà sản xuất tuân thủ chặt chẽ, đăng ký mã vạch, lô sản xuất vì vậy quản lý số lượng để chống gian lận là không khó.

Thời gian vừa qua, lượng nhập lậu bia rượu cũng rất nhỏ. Do đặc thù bia rượu là sản phẩm cồng kềnh, giá trị không cao nên các đối tượng nhập lậu ít quan tâm”.

Các DN kịch liệt phản đối đề xuất dán tem cho bia của Bộ Công thương

Các DN "kịch liệt" phản đối đề xuất dán tem cho bia của Bộ Công thương

Vậy dán tem như Bộ Công thương đề xuất phục vụ mục đích gì?

Theo ông Hùng: “Chúng ta có một thói quen nên bỏ, một tư duy quá lỗi thời chính là không quản được thì cấm. Không hề xét đến lợi ích của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Vì thực tế, dán một con tem trên chai bia, nhà sản xuất phải đầu tư lượng tiền lớn để thay đổi công nghệ, nhập máy móc về, đưa vào hệ thống máy dán tem.

Giá trị mỗi con tem từ 200 - 500 đồng sẽ làm tăng giá trị sản xuất. Mà các nhà máy không bao giờ họ chịu thiệt.

Chi phí này sẽ đánh vào ai? Chính người tiêu dùng, những người thích nhậu bia, rượu.

Chúng ta luôn miệng khuyến khích người Việt dùng hàng Việt nhưng đó chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng, các nhà quản lý luôn làm cho hàng Việt tăng giá một cách vô lý”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, người được hưởng lợi từ chi phí dán tem không phải là DN sản xuất, kinh doanh bia, mà sẽ vào ngân quỹ của các nhà cung cấp thiết bị dán tem, và một số đối tượng đầu cơ, buôn lậu tem...

Như v ậy, người tiêu dùng chịu thiệt còn cơ quan quản lý thì không đạt được mục tiêu là giảm buôn lậu.

Xử lý hình sự người "thông đồng" với dân buôn lậu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2014 hàng lậu, hàng giả kém chất lượng về bia là 185.842 chai tương đương 95.000 lít.

Mặc dù được đánh giá là nhập lậu ít nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu áp dụng quy định dán tem phải làm dần từng bước.

Trước tiên tập trung cho sản phẩm bia nhập khẩu để ngăn chặn tình trạng nhập lậu.

Ngoài ra, cần rút kinh nghiệm từ việc dán tem trên các sản phẩm trước đó như rượu, thuốc lá, mũ bảo hiểm...

Trong khi đó, ông Hùng cũng cho rằng, việc in tem mục đích là để phân biệt giữa hàng giả và hàng thật nhưng bản thân chiếc tem cũng đang bị làm giả rất nhiều trên thị trường.

“Quy định này gây khó khăn cho nhà sản xuất, lực lượng thực thi và người tiêu dùng vì tính khả thi của nó không có.

Bản thân nhà sản xuất họ là người lo lắng nhất về hàng giả, hàng nhập lậu mà không lo thì tại sao lại có một cơ quan đi lo cho họ việc đó?

Nếu do Bộ Công thương đề xuất để chống gian lận, tránh thất thu thuế thì trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý.

Họ không quản lý được, không làm được thì phải chịu trách nhiệm chứ đừng đẩy cái khó cho nhà sản xuất”, ông Hùng nói.

Theo ông Phạm Ngọc Hùng, hiện nay tem giả còn được làm rất nhiều trên thị trường...

Theo ông Phạm Ngọc Hùng, hiện nay tem giả còn được làm rất nhiều trên thị trường...

Theo ông Hùng, muốn chống hàng giả hàng nhái, thất thu thuế phải có biện pháp đồng bộ từ chính sách nhà nước đến cơ quan quản lý, nhà sản xuất, người tiêu dùng...

Tất cả phải đều tham gia để chống hàng giả, xã hội hóa chống hàng giả.

“Nhà sản xuất phải liên kết với cơ quan chức năng để thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm của mình.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải có chế tài mạnh. Hiện nay luật hành chính chưa đủ lớn để răn đe các cơ sở buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng nhái.

Thực tế cho thấy rất nhiều địa phương, những người đứng đầu còn thông đồng với dân buôn lậu, nhận tiền “bảo kê” để bia giả lọt vào địa phương mình.

Đối với những trường hợp này nếu phát hiện ra thì phải xử lý thật mạnh, thậm chí phải xử lý hình sự", ông Hùng nhấn mạnh.

GĐ Cty Luật S&B
Nguyễn Thanh Hà
Nên bỏ quy định về dán tem rượu bia vì hiện nay đã có quy định gắn nhãn hàng hóa và trong khi lưu hành trên thị trường đã tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và khi gắn nhãn hàng hóa đã tuân thủ các quy định này. Việc gắn mã số, mã vạch cũng đã đảm bảo vấn đề nhãn hàng hóa rồi, nên không nên đưa quy định về dán tem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại