Theo con số mới được hãng hàng không VietJet Air công bố, khép lại năm 2014, hãng này đã đạt được những kết quả khả quan.
Hãng khai thác đội tàu bay 20 chiếc, với 28 đường bay trong nước và quốc tế đến Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan.
Lượng khách vận chuyển trong năm của hãng đạt 5,6 triệu lượt với hệ số sử dụng nghế đạt 88%. Doanh thu đạt 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận cao hơn kế hoạch đề ra, phí thu hộ và nộp ngân sách 1.400 tỷ đồng.
Năm 2015, VietJet Air đặt mục tiêu phát triển vững chắc thị trường nội địa, quản lý hiệu quả liên doanh tại nước ngoài và tiếp tục chiến lược phát triển hãng hàng không thế hệ mới.
Đồng thời, các chuyến bay VietJet Air mở rộng hơn, đến nhiều sân bay quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành VietJet chia sẻ: “Sự xuất hiện của VietJet đã mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người dân.
Trong đó có hơn 30% người chưa từng đi máy bay đã lựa chọn VietJet đầu tiên.
Có thể nói, VietJet đã góp phần đáng kể vào việc biến việc đi lại bằng đường hàng không trở thành phương thức đi lại phổ biến cho người dân trong và ngoài nước”.
Đánh giá về những con số này, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Greem Standard cho rằng, dù dính nhiều "lùm xùm" trong năm qua nhưng VietJet Air vẫn đạt hiệu quả cao trong kinh doanh.
"Chính sách giá bán vé khá "mềm" cho người có thu nhập thấp và trung bình là điểm mạnh mà VietJet Air đã gây dấu ấn của mình.
Thêm vào đó, việc kết hợp với những công ty lữ hành du lịch trong nước cũng giúp ích cho VietJet Air rất nhiều trong kết quả kinh doanh của mình", ông Khoa nhìn nhận.
Ông Khoa cũng cho rằng, với số lượng máy bay của VietJet Air và kết quả kinh doanh cho thấy, hãng này đã "thắng lớn" ở đường bay nội địa.
"Nếu xét về tương quan thì hiện VietJet Air đang là hãng hàng không tư nhân duy nhất đến hiện tại có số lượng máy bay phục vụ nội địa lớn nhất, với 20 chiếc", ông Khoa nói.
Lời khuyên nào cho VietJet Air trong năm 2015?
Theo ông Khoa, sang năm 2015 này, dù có mở thêm các đường bay quốc tế nhưng doanh thu của hãng vẫn sẽ tập trung ở nội địa.
Đồng thời, việc các đối thủ như Vietnam Airlines, Jetstar cơ cấu lại chiến lược kinh doanh nhưng cũng sẽ ảnh hưởng không nhiều đến kết quả kinh doanh trong năm 2015 của VietJet Air.
Quá trình bão hòa và số lượng chuyến bay sẽ tăng lên theo thời gian. Tuy nhiên, với số lượng đội bay càng mạnh cũng sẽ là bài toán khó cho VietJet.
"Rõ ràng rằng so với tuyên bố với truyền thông đầu năm 2014 là sẽ bay 37.000 chuyến bay và 6 triệu khách (tăng gấp đôi năm 2013) của VietJet là chưa thực hiện được.
Do đó, bài toán của VietJet Air sẽ khó hơn nếu tỷ lệ bão hòa tăng mạnh do cạnh tranh từ giá đến chất lượng gia tăng từ các đối thủ. VietJet Air cũng không thể nào "chở gió" mà có lợi nhuận được.
Điều này buộc VietJet Air phải định hướng lại hướng phát triển qua những đường bay xa hơn như Hàn Quốc, Nhật...và qua con đường liên doanh ở nước ngoài, mở thêm đường bay.
Nhưng cạnh tranh ở thị trường quốc tế còn khốc liệt hơn rất nhiều khi châu Á đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất đối với các hãng hàng không giá rẻ.
Và những gì mà Jetstar chưa thực hiện được tại thị trường Việt Nam trong những năm qua cũng là điều mà VietJet Air nên nhớ tới", ông Khoa nhấn mạnh.
Nhắc thêm về kế hoạch IPO của VietJet Air nhằm thu khoảng 300 triệu USD, ông Khoa nhận định đây là "kế hoạch khá tham vọng" và nhất là khi so sánh tương quan với Vietnam Airlines.
"Trong phiên IPO, Vietnam Airlines chỉ bán khoảng 3,5% cổ phần ra công chúng và thu hơn 1.045 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, nếu so sánh với tương quan với Vietnam Airlines thì kế hoạch của VietJet Air có thể xem là một mục tiêu khá tham vọng.
Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào lượng cổ phiếu mà VietJet Air bán ra thị trường và đạt được hay không thì phải xem xét cụ thể kế hoạch của hãng này", ông Khoa nói thêm.