Đón Tết với mẹ
Dù luôn bận rộn trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty FPT Software, được đánh giá là công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam nhưng ông Hoàng Nam Tiến vẫn dành rất nhiều thời gian cùng gia đình chuẩn bị đón Tết.
Theo ông Tiến, đã hơn 20 năm nay, dù có bận đến mấy thì ông cũng cố gắng sắp xếp thời gian về gói bánh chưng cùng các con.
“Con lớn của tôi năm nay đã hơn 20 tuổi, cháu bắt đầu học gói bánh chưng cùng tôi từ khi còn 6, 7 tuổi. Và từ 20 năm nay, không năm nào chúng tôi không gói bánh”, ông Tiến kể.
Ông Tiến cũng chia sẻ, không phải vì ông là tuýp người truyền thống hay thế nào mà đơn giản vì lũ trẻ nhà ông rất thích gói bánh chưng.
Ông Hoàng Nam Tiến.
"Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết chúng lại háo hức hỏi tôi rằng, bao giờ sẽ gói bánh chưng? Thực sự là rất vui, tíu tít chuẩn bị, thi xem bánh ai vuông, cao thành...”, ông Tiến bày tỏ.
Cũng theo lời ông Tiến, dù có đi đâu thì những ngày Tết ông cũng sẽ về bên mẹ.
"Năm nào tôi cũng đón giao thừa cùng Mẹ, đó là điều hạnh phúc nhất. Quanh năm đã đi chán rồi, nên mấy ngày Tết sẽ chỉ ở nhà thôi”, ông Tiến chia sẻ thêm.
Một kỷ niệm đặc biệt mà ông Tiến cũng nhớ mãi đó là vào dịp Tết năm 1980, cả nhà đón giao thừa ở Lạng Sơn vì khi ấy ba ông - Thiếu tướng Hoàng Đan là Tư lệnh quân đoàn 5, Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn.
"Tết năm đó, tôi nhớ mãi vì đúng giao thừa súng nổ liên hồi, đạn lửa, pháo sáng rực trời nhưng không phải là bắn nhau mà là lính cả hai bên bắn lên trời thay cho pháo", ông Tiến nhớ lại.
Cũng như bao gia đình khác, trong đêm giao thừa, vị Chủ tịch FPT Software sẽ thắp hương gia tiên, chúc sức khỏe mẹ và mừng tuổi các thành viên trong gia đình.
Thức cùng vợ chuẩn bị cúng giao thừa
Còn với ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), Tết chính là dịp ông dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình và nghỉ ngơi, suy ngẫm lại những việc đã diễn ra xung quanh mình suốt một năm qua.
"Hồi còn bé, mỗi khi đến đêm giao thừa là tôi rất háo hức và giờ cũng vậy. Dù có bận đến đâu thì đến ngày 30 tôi cũng gác lại hết để cùng vợ con dọn dẹp, chuẩn bị đón giao thừa.
Và năm nào cũng vậy, tôi đều thức đến 2 - 3 giờ sáng cùng vợ chuẩn bị các đồ cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó, mừng tuổi mọi người trong gia đình rồi đi chùa, rất vui vẻ, ấm áp...", ông Minh kể.
Cũng theo ông Minh, gần như năm nào, gia đình ông cũng gói bánh tét và điều đó góp phần tạo nên không khí Tết rất vui vẻ, ấm cúng.
"Thông thường, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết thì cả gia đình tôi lại tập trung đi chúc Tết hai bên gia đình nội ngoại, một số người thân.
Đó là những ngày của gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những dự định.
Sau ngày đó, có thể gia đình tôi lại cùng nhau đi chơi đâu đó", ông Minh chia sẻ thêm.
Tết đi du lịch
Với bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) thì ấn tượng của bà với Tết lại là mùa bán hàng tốt nhất trong năm, khi mà nhu cầu khách hàng tăng cao cho việc mua sắm trong năm mới.
"Và cứ gần Tết đến thì tôi lại có nhiều suy nghĩ liệu tiền thưởng Tết của nhân viên bên dưới năm sau có ổn hơn năm trước hay không", bà Điệp nói.
Theo bà Điệp, vì là đơn vị hoạt động trong ngành bán lẻ nên cả năm nên hệ thống chỉ đóng cửa đúng 3 ngày Tết, thậm chí có năm làm đến tận trưa 30 Tết, mà khi nhân viên mình còn phục khách hàng đến ngày nào thì cần phải hỗ trợ đến ngày đó.
"Đến cả thời gian để ra chợ sắm sửa Tết còn không có nên chuyện cùng gia đình gói bánh cũng là một điều khó mà thực hiện được", bà Điệp tâm sự.
Cùng vì quá bận rộn trong công việc, ít cho thời gian dành cho chồng và các con nên cứ sau mùng 2 Tết gia đình bà Điệp lại tổ chức đi du lịch.
"Một phần để nghỉ ngơi, bù đắp cho gia đình sau cả năm miệt mài, phần còn lại cũng là để để tránh nhân viên đến nhà sếp như một nghĩa vụ", bà Điệp cho hay.