Ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh trong năm 2015, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã khiến không ít đối thủ cạnh tranh phải e dè về tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của mình.
Tách ra thành mảng bán lẻ riêng biệt từ năm 2013, cùng năm đó FPT Retail thậm chí còn báo lỗ 34 tỷ đồng với lý do "hy sinh lợi nhuận để mở rộng”.
Thế nhưng chỉ sau 2 năm, kết thúc năm tài chính 2015, FPT Shop đã đạt doanh thu là 7.832 tỷ, tương đương với mức tăng trưởng là 148% so với năm 2014, và lợi nhuận trước thuế tăng vọt đến 350% so với năm trước đó, đạt 180 tỷ đồng.
Thống kê số lượng cửa hàng Fshop cũng cho thấy tốc độ gia nhập thị trường của FPT ngày càng lớn mạnh.
Từ 160 cửa hàng vào cuối năm 2014, đến nay FPT shop đã có khoảng 263 cửa hàng, hiện diện ở đầy đủ 63 tỉnh thành trên cả nước.
Cùng báo cáo cho năm 2015, TGDĐ cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội khi tổng doanh thu tăng 66% so với năm 2014, trong đó riêng chuỗi cửa hàng TGDĐ đạt doanh thu 20.769 tỷ đồng,
Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ tăng trường bình quân qua các năm (CAGR) của FPT Shop và TGDĐ, có thể thấy rằng FPT có mức tăng trưởng rất tiềm năng.
Nếu tiếp tục theo đà tăng trưởng này, ngày FPT Shop vượt mặt TGDĐ không còn quá xa.
Tất nhiên, dự báo này không thật sự chính xác vì càng lớn thì càng khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cũ. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy FPT Shop đang dần trở thành một đối thủ nặng ký với TGDĐ.
Chuỗi Thegioididong hiện nay đang có 564 siêu thị, hơn gấp 2 lần số cửa hàng Fshop hiện tại, thế nhưng quy mô tầm cỡ không thể khẳng định tốc độ tăng trưởng của TGDĐ sẽ ngày càng vượt trội.
Nhất là hiện nay, bên cạnh việc ưu tiên mở rộng quy mô để cạnh tranh, FPT Shop còn đang dần cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng để thu hút người mua nhiều hơn nữa.
Việc trở thành đơn vị nhập khẩu trực tiếp Apple chính hãng vào tháng 8/2015 cũng đem lại tiếng tăm và lợi nhuận không nhỏ cho FPT trong thị trường bán lẻ này.