Những con sóng kinh doanh
Làm bất động sản, rồi chuyển sang nông nghiệp với mía đường, ngô, và gần nhất là bò sữa, bầu Đức đã không ít lần đối diện với nghi vấn về những quyết định kinh doanh của mình.
Là một trong những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức cũng là người có mức độ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không giống như nhiều doanh nhân Việt vốn kín tiếng, ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) luôn thích chia sẻ thẳng thắn khi gặp phải những nghi vấn về chuyện làm ăn, cũng như cuộc sống phía sau công việc.
Trong gần 30 năm kinh doanh trên thương trường, ông chủ HAGL đã từng có nhiều quyết định gây nghi vấn.
Ông giảm giá nhà, chuyển phần lớn việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngành nông nghiệp, chọn Myanmar - một quốc gia khi đó còn đang "ngủ đông về tăng trưởng" - để phát triển dự án bất động sản trọng tâm...
Đỉnh điểm của mọi nghi vấn là khi ông xuất đường về Việt Nam và nuôi bò để bước chân vào ngành sữa, những mảng kinh doanh xa lạ với bước khởi nghiệp của vị tỷ phú này.
Ông chủ HAGL không cần tiêu tiền, không đi du lịch trong suốt 20 năm, làm việc không tính theo giờ mà chỉ nghỉ khi hết việc, và thành công nhờ biết đón những con sóng lớn, dù trong ngành địa ốc, bất động sản hay nông nghiệp.
Thời gian đầu bước vào kinh doanh ngành nông nghiệp, bầu Đức vẫn tiếp tục thực hiện nhiều dự án bất động sản, khai khoáng cũng như thủy điện.
Khi đó, nghề nông nghiệp được dự đoán là cách để bầu Đức thực hiện lấy ngắn nuôi dài: Dùng lợi nhuận của mía đường, dầu cọ... để tạo vốn cho địa ốc, bất động sản, thậm chí chỉ là để nuôi rừng cây cao su của ông chủ HAGL.
Nhưng bất ngờ, khi mía đường trở thành mảng kinh doanh đem lại một nửa doanh thu trong quý I/2014 (khoảng 500 tỷ đồng), cùng với việc triển khai trồng ngô diện tích lớn của HAGL, bầu Đức đã ngầm khẳng định rằng, đây mới chính là ngành trọng tâm của tập đoàn trong thời gian tới.
Đến khi kế hoạch nuôi bò được công bố, bầu Đức lại khẳng định chính thức bước chân vào những ngành mà Việt Nam có nhu cầu cao, là sữa tươi, thịt bò và cả thức ăn chăn nuôi.
Với bất động sản, ông từng nhận định "càng làm càng lỗ" khi giảm giá nhà, rút dần khỏi các dự án ở Việt Nam. Khi đổ tiền vào Yangon, dù phải nói dối cổ đông về kế hoạch kinh doanh, bầu Đức vẫn khẳng định rằng mình "không thể không thành công".
Đến khi làm bò sữa, doanh nhân phố núi vẫn kiên định rằng càng không biết, càng thành công nhờ công nghệ, như cái cách ông làm "cao su tính bằng núi và mía đường tính bằng km" trên đất Lào, Campuchia.
Từ đây, người ta thấy được mối tương đồng giữa bầu Đức ở thời làm mưa làm gió với bất động sản và chính ông trong vai trò là một "doanh nhân nông nghiệp".
Bầu Đức vẫn đi trước thị trường, vẫn làm cái việc mà ông ưa thích, đó là "định giá thị trường", như chính ông từng chia sẻ:
“Cái khó nhất là giá bất động sản nhưng HAGL đã từng có vai trò quyết định trong việc định giá suốt thời gian dài. Tôi cam đoan thịt bò và sữa chúng tôi đủ lực để quyết định giá, lập lại mặt bằng giá, và chắc chắn mức giá của HAGL rất cạnh tranh”.
Người ta biết đến cái tên "bầu Đức" không chỉ bởi ông là một đại gia thành công nhờ biết đón những con sóng lớn, bất kể trong ngành địa ốc, bất động sản hay nông nghiệp mà còn bởi những phát ngôn mang đậm chất "bầu Đức" của ông.
Những phát ngôn "bất hủ"
Người ta biết đến cái tên "bầu Đức" không chỉ bởi ông là một đại gia thành công nhờ biết đón những con sóng lớn, bất kể trong ngành địa ốc, bất động sản hay nông nghiệp mà còn bởi những phát ngôn mang đậm chất "bầu Đức" của ông.
“Tài sản của tôi ăn 5 đời không hết”
Đại gia Đoàn Nguyên Đức, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, ông có rất nhiều tiền, thậm chí tiền của ông có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết được tiền.
Nhưng ông lại khẳng định đi làm không phải vì tiền mà vì lòng đam mê.
Sở hữu khối tài sản khổng lồ và điều hành một trong những tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất, bầu Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL, hiện nắm giữ tới hơn 50% số cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Vào thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, trên thị trường OTC, tài sản của bầu Đức lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
"Tôi làm quần quật không phải vì tiền"
Có lẽ, trong rất nhiều doanh nhân, đại gia quyền lực tại Việt Nam, chỉ có chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức khẳng định: "Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết.
Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê và nói thật, vì điều gì nữa tôi cũng không thể định nghĩa...Người đam mê cái này, kẻ đam mê cái kia. Tôi đam mê công việc".
"Tôi không cho không ai cái gì bao giờ"
Khi trả lời phỏng vấn về việc Hoàng Anh Gia Lai tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Atapu (Lào) đến 30 triệu USD để xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, bầu Đức nhấn mạnh:
"Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông...".
"Với tôi, xe cộ, máy bay cũng chỉ là phương tiện làm việc mà thôi".
Xung quanh việc có nhiều người cho rằng ông mua máy bay là để chơi 'ngông', ông cho rằng đó chỉ là một phương tiên đi lại.
Ông khẳng định: "Tôi bỏ tiền túi sắm máy bay không phải vì tôi chơi ngông mà tôi có nhu cầu làm ăn thật sự.
Với tài sản hiện có của tôi thì chiếc máy bay chỉ như một chiếc xe máy của một người có thu nhập bình thường. Mục đích của chiếc máy bay hay chiếc xe máy, suy cho cùng cũng như nhau, là phương tiện đi lại làm ăn".
"Hơn 20 năm tôi chưa được đi du lịch"
Trả lời trên Dân Việt, ông Đức nhấn mạnh: "Tôi không có nhu cầu hưởng thụ, không ham mê rượu chè.
Tôi ăn uống giản dị. Ra vườn cao su, lỡ bữa, tôi ăn cơm với công nhân. Thăm đội bóng, tôi ăn cơm chung với cầu thủ ở nhà bếp.
Hơn 20 năm nay, tôi chưa từng tổ chức một chuyến du lịch nào cho bản thân và gia đình".
Từ một đại gia bất động sản đến một "bầu Đức" chăn bò, từ một doanh nhân đầy quyền lực đến một đại gia với phong cách thời trang "hai lúa", từ những quyết định gây nghi vấn đến những phát ngôn bất hủ...
Tất cả đều góp phần làm nên một thương hiệu mang tên "thương hiệu bầu Đức".