10 năm hợp tác, doanh nghiệp Việt chỉ làm được cho Ford... 5 chi tiết

Lê Huyền |

Sau một thập kỷ hợp tác, doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cung cấp được cho Ford 5 chi tiết đơn giản, nguyên nhân cho đâu?

"Nhất định làm được"

Phát biểu trong Hội thảo “Kết nỗi chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm” do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài  tổ chức, GS.TSKH Nguyễn Mại khẳng định các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft, Nokia rất cần doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu trong hệ thống nhà cung cấp cấp I, cấp II và cấp III.

Trong khi đó, phần lớn các nhà cung cấp hiện nay thuộc doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp đã gắn bó lâu dài với từng tập đoàn.

GS.TSKH Nguyễn Mại chỉ ra kinh nghiệm của thế giới chỉ ra rằng việc phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ trợ của doanh nghiệp bản địa có lợi hơn nhiều cho các tập đoàn trong việc tiết kiệm chi phí.

Trước câu hỏi liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh: "Đã đến lúc câu hỏi này cần được trả lời một cách khẳng định: Nhất định làm được".

"Theo tin từ Samsung điện tử Việt Nam, năm 2015 đã có 215 doanh nghiệp Việt Nam đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với Samsung để sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 41 doanh nghiệp chuẩn bị ký hợp đồng với Samsung.

Hy vọng năm 2016 sẽ có hơn 100 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị của Samsung", giáo sư cho biết.

…nhưng còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nội…

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người trực tiếp điều hành doanh nghiệp nội địa, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH cơ khí chính xác Thăng Long cho rằng việc toàn cầu hóa cũng có thể làm cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong hội nhập phát triển vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.

Việt Nam hiện phải nhập khẩu hàng chục tỷ USD giá trị linh phụ kiện ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo hàng năm.

Cả các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota, Canon sản xuất tại Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu linh kiện từ nước thứ ba.

"Công ty chúng tôi hiện đang sản xuất ngành nghề cơ khí chế tạo.

Chúng tôi có thể cung cấp các sản phẩm này cho các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc các lĩnh vực như  mạng viễn thông, cáp quang quân sự của Viettel, MobiFone, VinaFone... nhưng thực tế việc tham gia cung ứng cho các đối tác và các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn", ông bộc bạch.

Theo ông Vũ Đình Hồng, một trong những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải đó chính là vốn ít, còn việc tiếp cận các vốn vay gặp nhiều khó khăn.

"Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng cần được Nhà nước quan tâm chú trọng giải quyết để thúc đẩy sự phát triển của ngành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, trụ vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, ông nhấn mạnh.

...và cả doanh nghiệp ngoại

Ngược lại, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng nêu ra nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp nội địa để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết đã hợp tác với một công ty được xem là thành công tại Việt Nam trong việc cung cấp phụ tùng cho lắp ráp xe máy.

Tuy nhiên sau một thập kỷ, doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cung cấp được cho Ford 5 chi tiết đơn giản.

Các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng nêu ra trong hội thảo nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp nội địa để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

"Số lượng đặt hàng với 1 chủng loại chi tiết cao là 500 chiếc/tháng, với sản lượng này thường chúng tôi làm chưa đầy một ca, trong khi đó thời gian chuẩn bị lắp khuôn giá đã mất khoảng một ca", đại diện Ford cho biết.

Sản lượng thị trường tối thiểu là 500.000 xe/năm mới đủ để thu hút một nhà cung cấp đầu tư dây chuyền sản xuất mới để sản xuất một loại phụ tùng linh kiện.

Nếu như đặt nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam và để phần lớn bán sang các thị trường nước khác thì các công ty ô tô không thể có lãi vì chi phí vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ông cho hay

Thứ hai là vấn đề về chất lượng. Các chi tiết ô tô đòi hỏi yêu cầu chất lượng và tính ổn định rất cao.

Do đó, các công ty lắp ráp ô tô đòi hỏi doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam phải chứng minh được năng lực về thiết bị đồng bộ, sau đó là hệ thống quản lý chất lượng cũng như trình độ quản lý nhân lực cao.

Việc đầu tư thiết bị sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí của ô tô đều cần nguồn vốn lớn, hệ thống quản lý chất lượng đạt theo ISO TS14969.

"Hơn nữa, theo thị hiếu người tiêu dùng, mỗi sản phẩm công nghệ ô tô chỉ có vòng đời khoảng 5-7 năm là cần phải cải tiến công nghệ.

Với sản lượng thấp, vòng đời có thời hạn, các công ty đầu tư thiết bị sản xuất phụ tùng sẽ không thể thu hồi vốn và rủi ro kinh doanh rất cao khi đầu tư sản xuất phụ tùng", Ford Việt Nam chỉ ra.

Ngoài ra, để đáp ứng những yêu cầu của phía đối tác, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh thì các doanh nghiệp phải linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu tăng giảm đột biến về sản lượng, thời gian giao hàng từ phía khách hàng.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đa quốc gia có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn và môi trường sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 14000 đối với các nhà cung cấp Việt Nam.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không vượt qua được vòng tuyển chọn, đại diện Ford Việt Nam cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại