Trong tương lai gần, nhiều người dân tại Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thảm họa "vi khuẩn kháng thuốc" do nguồn nước thải từ các công ty dược phẩm ở quốc gia này đang có lượng tồn dư kháng sinh cao gấp hơn một triệu lần so với ngưỡng an toàn.
Những thông tin đáng báo động này đã được các nhà khoa học tới từ nhiều trung tâm nghiên cứu uy tín tại 2 quốc gia là Đức và Ấn Độ rút ra từ dự án nghiên cứu quy mô lớn mà họ đang thực hiện.
Đồng thời, kết quả khảo sát về thảm hoạ "vi khuẩn kháng thuốc" cũng vừa xuất hiện trên tờ Infection – một tạp chí danh tiếng chuyên về các căn bệnh truyền nhiễm tới từ nước Mỹ.
Người dân tại Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thảm họa "vi khuẩn kháng thuốc" trong tương lai không xa - (Ảnh minh họa).
Dự án trên từng được thực hiện xung quanh thành phố Hyderabad, bang Andhra Pradesh - một trong những khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh dược phẩm lớn nhất tại Ấn Độ.
Sau khi tiến hành thu thập cũng như phân tích hàng loạt mẫu nước thải và nước ngầm ở đây, đội ngũ nghiên cứu đã phát hiện thấy hàm lượng của nhiều loại nguyên liệu sử dụng cho việc sản xuất chế phẩm y dược đang vượt quá mức cho phép rất nhiều lần.
Trong đó, một số mẫu nước thải thường xuyên có hàm lượng nguyên liệu y dược cao gấp hơn một triệu lần so với ngưỡng an toàn do nhiều tổ chức y tế trên thế giới quy định.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy sự tồn tại của nhiều loại vi khuẩn có khả năng đa kháng thuốc trong một số mẫu nước thải điển hình. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề bùng nổ thảm họa "vi khuẩn kháng thuốc" tại thành phố Hyderabad trong tương lai gần nhất.
Họ cho biết đây chính là hậu quả từ việc nhiều cơ sở sản xuất dược phẩm lớn đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải thiếu hợp lý, hoặc thậm chí không bao giờ xử lý nước thải trước khi xả chúng ra môi trường xung quanh.
Người dân Ấn Độ đang phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng của việc nhiều cơ sở sản xuất dược phẩm lớn tại đây đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải thiếu hợp lý.