Mô hình Karabakh sẽ lặp lại ở Donbass, Transnistria?
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), bất cứ khi nào có diễn tiến lớn xảy ra tại một trong những khu vực thuộc không gian hậu Liên Xô, nhiều quan chức và chuyên gia phân tích ở Moscow thường vội vàng đặt ra câu hỏi: Liệu kịch bản tương tự có diễn ra ở nơi khác hay không?
Và khi Moscow trực tiếp có liên quan tới diễn tiến đó thì một số nhân vật tại thủ đô của nước Nga có xu hướng cho rằng Điện Kremlin có thể và thậm chí nên lặp lại hoạt động tương tự như vậy ở một số khu vực khác.
Tương tự, đó chính xác là những gì đang diễn ra khi Moscow đứng ra giải quyết tranh chấp ở Nagorno-Karabakh và bắt đầu suy nghĩ về khả năng "sao chép" kịch bản dàn xếp tương tự tại vùng Donbass [Ukraine] và Transnistria [Moldova].
Một số nhân vật tại Moscow tin rằng các thế lực ở phương Tây, đặc biệt là châu Âu, có thể sẽ chấp nhận những thỏa thuận tương tự, bao gồm cả việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga, như giải pháp tốt nhất để giải quyết các cuộc xung đột "đóng băng" khác.
Nếu Nga có thể thúc đẩy thành công ý niệm này thì họ có thể làm sâu sắc thêm tình hình chia rẽ chính sách hiện có giữa Liên minh châu Âu và Mỹ.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP
Trong bài viết có tiêu đề "Sự chia cắt ở Karabakh có thể trở thành viễn cảnh đối với Donbass và Transnistria", chuyên gia phân tích hàng đầu Svetlana Gamova trên tờ Nezavisimaya Gazeta cho rằng khả năng đó có thể xảy ra bởi kết quả sau cuộc xung đột ở Karabakh đã đại diện cho chiến thắng của Nga.
Theo quan điểm của bà Gamova, sẽ rất ngạc nhiên nếu Moscow không tìm cách ứng dụng kết quả đạt được như một mô hình cho các cuộc xung đột đóng băng khác.
Mặc dù thừa nhận Ukraine, Moldova và có thể cả phương Tây sẽ phản đối bước đi này nhưng bà Gamova vẫn cho rằng "Mô hình Karabakh" sẽ mang lại cơ hội giải quyết xung đột tại những khu vực đó, bất chấp việc họ phải đi theo các điều khoản của Nga.
Nhà phân tích nhận định, kết quả ở Karabakh đã thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực, từ đó làm thay đổi tính toán của chính phủ nhiều phía [không chỉ trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) mà còn cả phương Tây] về cách thức tiếp cận không gian Liên Xô cũ.
"Dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh tại Karabakh rõ ràng là một thành công ngoại giao của Nga. Một mặt, nó cho phép Moscow khôi phục sự hiện diện quân sự trong khu vực này, cũng như giành được sự ủng hộ từ phía Azerbaijan, bởi Baku đã lấy lại được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với 4 trong 7 địa hạt mà phía Armenia từng chiếm giữ và là một phần của Karabakh.
Mặt khác, bằng cách cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực theo cách mà họ có, Moscow đã ngăn chặn được sự bành trướng của NATO vào khu vực này – đây là điều được giới lãnh đạo Nga đánh giá là ‘quan trọng’" – Bà Gamova viết.
Bên cạnh đó, cũng theo nhà phân tích, những bước tiến trên sẽ giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Nga tại Azerbaijan – điều mà Moscow đã khao khát từ lâu, mặc dù cái giả phải trả là xa lánh Armenia.
Ngoài ra, chúng còn giúp nâng cao quyền lực của Nga trong khu vực khi cho thấy rằng chính Moscow, chứ không phải quốc gia phương Tây nào tham gia vào tiến trình giải quyết xung đột của Nhóm Minsk, có thể đóng vai trò quyết định ở đây.
Tầm ảnh hưởng của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua sự kiện lần này cũng được mở rộng. Trông có vẻ mọi việc vừa diễn ra giống như một sự nhượng bộ của Nga nhưng trên thực tế, theo bà Gamova, đó là một phần khác trong chiến thắng của Nga ngay cả nếu sau 5 năm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ thay thế Nga trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình ở Karabakh.
Bà Gamova dẫn lời Aleksandr Rahr – nhà bình luận tại Berlin – cho rằng trong lúc toàn bộ sự việc lần này diễn ra, đã có một sự thay đổi lớn tại phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) đang di chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực hậu Xô Viết, từ bỏ quan hệ đối tác phương Đông, rồi phục tùng Mỹ - phía giờ đây sẽ ra mặt thay vì EU và hành động tại Ukraine, Moldova, cùng Belarus.
Nhà bình luận cho rằng, điều đó cũng sẽ làm thay đổi tình hình địa chính trị trong khu vực và đồng nghĩa Moscow thậm chí sẽ hứng thú hơn với việc tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột đã đóng băng ở Ukraine, Moldova, vì sợ rằng những cuộc xung đột này sẽ bùng phát trở lại theo hướng có hại cho Nga.
Ít nhất theo quan điểm của châu Âu thì mô hình Karabakh có thể là mô hình tiêu chuẩn trong những trường hợp này.
3 lý do khiến Nga khó thành công
Trong khi đó, các quan chức tại Kiev, Chișinău cùng nhiều chuyên gia tỏ ra nhạy cảm với vấn đề trên. Người dân tại cả hai quốc gia đều đang theo dõi một cách vô cùng thận trọng trước những gì diễn ra ở Karabakh. Họ nhận ra rằng Moscow đã làm được ở một nơi thì sẽ muốn lặp lại ở những nơi khác.
Phần lớn không tin rằng chính phủ hai nước hoặc Mỹ sẽ đồng ý các thỏa thuận tương tự, ngay cả nếu họ chấp nhận ý tưởng cho rằng Moscow đang thúc đẩy điều đó như một chiến dịch hòa bình mang "diện mạo mới".
JF cho rằng Nga có có khả năng thành công nếu áp dụng mô hình Karabakh vào Ukraine và Moldova. (Ảnh minh họa. Nguồn: strifefinal.wordpress)
Về phần mình, JF cho rằng, dù ý tưởng về mô hình Karabakh có thể sẽ tạo tiền đề làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và những nước nêu trên nhưng xét cho cùng, có 3 lý do khiến Moscow khó có khả năng thành công khi áp dụng mô hình này vào Ukraine và Moldova.
Đầu tiên, hai cuộc xung đột tại Ukraine và Moldova đều có thành phần chính là người Nga (hoặc chí ít là những người nói tiếng Nga), chứ không đơn thuần là cuộc xung đột giữa hai quốc gia ngoài Nga. Điều này khiến Moscow khó khăn hơn trong việc hành xử một cách "trung lập".
Thứ hai, trong mắt Mỹ, thỏa thuận đạt được tại Karabakh có thể không phải là chiến thắng của Nga mà là của Thổ Nhĩ Kỳ, và chắc hẳn Moscow sẽ không muốn lặp lại việc lôi kéo thêm các thế lực bên ngoài vào bất cứ đâu ở hai khu vực chiến sự trên.
Thứ ba, và cũng là lý do quan trọng nhất: Dù Kremlin tin tưởng vào điều gì đi chăng nữa thì vùng không gian hậu Xô Viết giờ đây không chỉ thay đổi nhiều hơn họ nghĩ mà còn ngày càng bị chi phối bởi các lực lượng phân quyền, thay vì tập trung quyền lực. Trong khi đó, thỏa thuận Karabakh không làm điều gì để đảo ngược xu hướng ngày càng mở rộng ấy.