Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ và khả năng đảng Cộng hòa trở lại quốc hội đã khiến các nước châu Âu lo ngại. Châu Âu từng trải qua khoảng thời gian "sóng gió" trong quan hệ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khi ông Trump áp thuế lên nhôm và thép châu Âu, chỉ trích Đức, rút khỏi Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và thậm chí đe dọa rút khỏi NATO. Trong khi đó, hiện nay, cựu Tổng thống Trump vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong đảng Cộng hòa.
Ảnh minh họa: Skynews
Kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ 2022 có thể tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ trên 2 lĩnh vực chính: Đó là sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine và sự dịch chuyển sang năng lượng sạch. Ngoài ra, sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa cũng ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ với Trung Quốc và thái độ với các nhà lãnh đạo bảo thủ của châu Âu. Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng ở quốc hội, điều đó cũng có thể mở đường cho sự trở lại của cựu Tổng thống Trump hoặc những người có quan điểm ủng hộ ông vào năm 2024.
Sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine
Giới quan sát cho rằng, do quốc hội kiểm soát chi tiêu nên ngay cả khi đảng Cộng hòa chỉ giành được Hạ viện, việc này cũng sẽ tác động lớn đến các khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. Làn sóng "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Hạ viện sẽ khiến việc thông qua các gói hỗ trợ cho Ukraine trở nên thách thức hơn. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy gần đây tuyên bố sẽ không còn những “tờ séc trắng” cho Ukraine. Các thành viên khác trong đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm về việc Mỹ cần dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene và các nghị sĩ cực hữu cho rằng Mỹ đối mặt với những ưu tiên cấp bách hơn, chẳng hạn như việc đảm bảo biên giới Mỹ - Mexico.
Do đó, để đạt được bất kỳ gói hỗ trợ mới nào cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với một cuộc chiến chính trị với quốc hội.
Tính riêng trong năm 2022, Mỹ đã thông qua 54 tỷ USD hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Để hiểu về mức độ hỗ trợ này, có thể so sánh với khoản ngân sách của Mỹ cho quốc gia nhận nhiều viện trợ nhất từ Washington là Israel với 3,8 tỷ USD/năm. Gói hỗ trợ đầu tiên của Mỹ cho Ukraine với giá trị 40 tỷ USD cũng tương đương với 2/3 ngân sách thường niên của Bộ Ngoại giao.
Việc chính quyền Tổng thống Biden duy trì mức độ hỗ trợ hiện tại cho Ukraine sẽ gặp khó khăn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí cả khi đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội (lưỡng viện). Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, chứ chưa nói tới Quốc hội, việc thông qua các gói ngân sách trên sẽ càng trở nên bất khả thi hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ dừng lại, song mức độ hỗ trợ đó có thể sẽ giảm mạnh. Việc khoản hỗ trợ này giảm bao nhiêu và trong bao lâu phụ thuộc vào việc đảng Cộng hòa quyết định sử dụng ảnh hưởng của gói ngân sách hỗ trợ Ukraine như thế nào để đàm phán về các khoản chi tiêu cho các vấn đề trong nước.
Điều này cũng ám chỉ viễn cảnh Mỹ sẽ tăng sức ép lên châu Âu để các nước này tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, cũng như đáp ứng cam kết chi tiêu quốc phòng của NATO.
Giới quan sát cho rằng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ hợp tác hơn về việc hỗ trợ cho Ukraine so với Hạ viện. Tuy nhiên, tuyên bố và thái độ của Thượng viện Mỹ về vấn đề Ukraine sẽ thay đổi. 5 thượng nghị sĩ có lập trường ôn hòa ủng hộ Ukraine sẽ nghỉ hưu và ít nhất 3 người trong số họ có thể được thay thế bởi các ứng viên ủng hộ quan điểm "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Đảo ngược các chính sách của Tổng thống Biden
Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát nhiều khả năng sẽ có lập trường khác với chính quyền Tổng thống Biden về vấn đề dịch chuyển năng lượng và an ninh năng lượng. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ ra rủi ro và tác động của việc phi công nghiệp hóa ở châu Âu và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này khiến họ thấy rằng cần thúc đẩy ngành nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Nếu giành chiến thắng tại quốc hội, đảng Cộng hòa sẽ gây sức ép để tăng sản xuất năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch, xuất khẩu gấp đôi lượng khí tự nhiên hóa lỏng, tạo điều kiện về quy định cho các công ty dầu mỏ và khí đốt, cũng như tăng cường xây dựng các đường ống khí đốt ở Mỹ.
Về những vấn đề khác như biến đổi khí hậu và Trung Quốc, giới quan sát cho rằng tác động lớn nhất có thể được cảm nhận thông qua các tuyên bố và chủ yếu mang tính biểu tượng về mặt chính trị.
Đối với biến đổi khí hậu, quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ tiếp tục chỉ trích những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden về vấn đề này. Mặc dù quốc hội không có quyền rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhưng họ có thể khiến việc thông qua các khoản ngân sách về biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Lập trường cứng rắn với Trung Quốc là xu hướng chung của lưỡng đảng Mỹ nhưng quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì quá mềm mỏng với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy nhiều biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát xuất khẩu và đề ra các quy định hạn chế các công ty Mỹ và EU đầu tư vào Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã ký thông qua Đạo luật Khoa học và Chip để tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ nhưng các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã đề nghị rằng, các công ty Mỹ nhận trợ giá đầu tư vào ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Mỹ sẽ bị cấm hoạt động ở Trung Quốc.
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ, EU và Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động nếu đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội. Nhìn chung, một nguyên tắc được đảng Cộng hòa đặt ra trong các cuộc thảo luận kín là: Mỹ đối phó với Nga vì EU nên EU cũng cần đối phó với Trung Quốc vì Mỹ.
Sự trở lại của cựu Tổng thống Trump vào năm 2024?
Ngoài những tác động diễn ra ngay lập tức, kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ 2022 cũng hé lộ bầu không khí chính trị ở Mỹ và triển vọng ứng viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Việc đảng Dân chủ để mất quốc hội trong bầu cử giữa kỳ nhưng tổng thống của họ vẫn có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tiếp theo không phải là điều hiếm thấy. Điều này từng diễn ra với hai cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.
Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử giữa kỳ chứng kiến làn sóng đỏ mạnh mẽ thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng hòa có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào 2 năm tới. Sự trở lại của cựu Tổng thống Trump hay người có lập trường giống ông được cho là sẽ khiến mối lo ngại của châu Âu ngày càng gia tăng./.