Theo tờ Politico (Mỹ), các nhà lãnh đạo châu Âu từng tự tin nói về việc cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhưng đó chỉ là một phần của sự thật.
Nhập khẩu khí đốt qua đường ống giảm, nhưng LNG tăng
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), trong khi nguồn cung khí đốt tự nhiên được vận chuyển bằng đường ống giảm đáng kể trong năm 2022, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tờ Politico nhận định, đối với các nước EU, việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung LNG qua đường biển của Nga có thể khiến châu Âu phải hứng chịu những rủi ro mới vào năm 2023, mặc dù khối này đang tìm mọi cách nạp đầy các kho khí đốt của mình vào mùa đông.
Điều mà các quan chức EU tự hào là các nước trong khối đã giảm mua nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ thời điểm bắt đầu xung đột Nga - Ukraine, khi các nhà lãnh đạo phương Tây cố gắng làm suy giảm tài chính của Điện Kremlin.
Và trong khi việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống diễn ra mạnh mẽ từ việc Nga hạn chế dòng chảy trên đường ống dẫn khí và các nước EU đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng, thì thương mại LNG của châu Âu với Nga có quy mô nhỏ hơn lại là một câu chuyện khác.
Thống kê của EC cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, các nước EU đã nhập khẩu 16,5 tỷ m3 LNG của Nga, tăng so với mức 11,3 tỷ m3 trong cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng nhập khẩu LNG là nhỏ so với sự sụt giảm lớn trong nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga, giảm 1/2 từ mức 105,7 tỷ m3 trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống còn 54,2 tỷ m3 trong cùng kỳ năm nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường năng lượng cho biết, sự gia tăng LNG đi ngược lại với tuyên bố của EU và sự gia tăng này không phải là không có rủi ro.
Rủi ro khi phụ thuộc vào LNG của Nga
Theo phân tích của nhóm giám sát thị trường năng lượng Montel, trong năm 2022, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu LNG chủ yếu của Nga; với 1/3 lô hàng LNG của Nga đến châu Âu là đến Pháp và gần 1/4 đến Tây Ban Nha.
Phần lớn LNG của Nga đến châu Âu là từ công ty năng lượng Novatek -công ty điều hành bến nhập LNG Yamal ở tây bắc Siberia, trong đó tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp là cổ đông thiểu số.
Theo một phân tích được công bố bởi Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), không giống Gazprom do nhà nước Nga sở hữu đa số và độc quyền về xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống, Novatek là một công ty độc lập nhưng “các cổ đông có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin, nên có thể có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động của công ty”.
Theo tờ Politico, chỉ có hai quốc gia ở châu Âu là Anh và Lithuania đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu LNG của Nga.
Anne-Sophie Corbeau - một học giả nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Columbia - cho biết, “rất thuận lợi để mọi người nhắm mắt làm ngơ trước việc LNG của Nga” chuyển vào châu Âu.
Bà Corbeau cho biết, về mặt kinh tế, việc châu Âu tiếp tục nhập khẩu LNG từ Nga ở thời điểm này là “hợp lý”. Việc cắt giảm LNG của Nga ra khỏi thị trường EU có nghĩa là các nước châu Âu sẽ phải mua thêm LNG từ các nơi khác trên thế giới.
Bà Corbeau nói: “Giá cả sẽ rất cao và điều đó sẽ cực kỳ tồi tệ không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với nhiều quốc gia không đủ khả năng mua [LNG]”.
Nhưng bà Corbeau nói thêm, việc tăng cường nhập khẩu LNG của Nga cũng làm tăng nguy cơ “Nga sử dụng LNG như một vũ khí địa chính trị” - giống như cách họ đã làm với khí đốt vận chuyển qua đường ống. Ông Putin có khả năng chặn xuất khẩu sang các nước “không thân thiện”.
Một động thái như vậy có thể gây ra hậu quả đối với EU vào năm 2023, trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo rằng, châu Âu có thể thiếu 30 tỷ m3 khí đốt cần thiết để làm đầy các kho dự trữ vào mùa hè năm tới.