Ngay sau khi rời Bình Nhưỡng ngày 7-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hào hứng đánh giá chuyến công du thành công với việc có “cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tốt đẹp” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm lần thứ tư tới Bình Nhưỡng trong năm nay.
Theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là một bước tiến trên chặng đường còn rất dài để tiến tới hòa bình ở phía trước.
Thành công nổi bật nhất, theo Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, là việc ông cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “sàng lọc các phương án” về địa điểm và thời gian tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un.
Ông Pompeo cho biết, trong cuộc gặp kéo dài 3 giờ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hai bên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thứ hai “sớm nhất có thể” và sẽ tiếp tục thảo luận về thời gian và địa điểm cụ thể.
Cũng như phía Mỹ, Triều Tiên cũng đánh giá cao kết quả chuyến thăm Bình Nhưỡng trong ngày 7-10 của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ tin tưởng rằng một “chương trình tốt” sẽ được chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa ông với Tổng thống Donald Trump, rằng đối thoại và đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ dựa trên lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi trong tương lai.
Tuy nhiên, ngoài việc khẳng định đang xúc tiến chuẩn bị cho “cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2.0” trong thời gian sớm nhất, Mỹ và Triều Tiên chưa công bố gì thêm.
Trước đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên đầu tháng 6-2018 tại Singapore đưa ra những thỏa thuận lớn nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như hòa giải và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, Washington và Bình Nhưỡng cũng đã bàn thảo về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận đã đạt được.
Về cuộc họp thứ hai này, đầu tiên là thông tin về việc Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có khả năng gặp nhau trong thời gian khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra cuối tháng 9 vừa qua tại New York, Mỹ.
Tiếp đó, các nguồn tin ngoại giao lại rộ lên việc các nhà ngoại giao Triều Tiên đến các thành phố Bern, Davos và Geneva (Thụy Sĩ) để thu thập thông tin về những khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế có thể tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với thời gian dự kiến diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 1-2019.
Cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã không diễn ra, trong khi cuộc gặp sắp tới có diễn ra tại Thụy Sĩ hay không thì chưa được xác nhận vào lúc này, song “Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2.0” còn “vướng” không phải thời gian hay địa điểm mà tiến triển việc thực hiện các thỏa thuận tại “cuộc gặp thượng đỉnh 1.0”.
Cho đến nay, Mỹ vẫn hoài nghi thực tâm cũng như hành động có thể kiểm chứng được của Triều Tiên trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
Thế nên, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết ngày 7-10 với Ngoại trưởng Pompeo rằng sẽ mời các thanh sát viên tới thăm bãi thử hạt nhân Punggye-ri để xác nhận bãi thử này “đã bị dỡ bỏ một cách không thể đảo ngược” đã lập tức khiến cả hai bên cùng lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai.
Đáng chú ý là ông Pompeo đến Bình Nhưỡng sau khi hay tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm có chuyến thăm Nga, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có kế hoạch thăm Triều Tiên.
Dù với kịch bản nào, song rõ ràng Tổng thống Donald Trump đang có nhiều lý do để sớm gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un.