Vụ thảm sát tại đại sứ quán Nga ở Tehran (1829)
Nga đã không trả đũa vụ thảm sát đại sứ quán nước này ở Tehran.
Khi đám đông người Ba Tư phẫn nộ sát hại các nhà ngoại giao Nga ở Tehran, nhiều người tin rằng một cuộc chiến giữa Nga và Ba Tư là không thể tránh khỏi.
Vấn đề là Đế quốc Nga tại thời điểm đó đang có giao tranh với Ottoman và không thể đủ khả năng chiến đấu với hai đối thủ cùng một lúc. Điều này đã khiến cho Nga phải tự làm dịu đi tình hình.
Vào năm 1829, công chúng Ba Tư khi đó tức giận vì Hiệp ước Turkmenchay (1828) chấm dứt chiến tranh Nga-Ba Tư (1826-1828) đã kéo nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài. Đất nước phải nhượng lại cho Nga những phần lãnh thổ rộng lớn và trả những khoản bồi thường không nhỏ.
Cuối cùng, sự bất mãn của người dân lên đến đỉnh điểm vào ngày 11/2/1829, một đám đông phẫn nộ đã tấn công đại sứ quán Nga ở Tehran. Kết quả là, hơn 30 nhà ngoại giao và các cận vệ đã bị sát hại. Trong số các nạn nhân có nhà thơ nổi tiếng người Nga Alexander Griboedov.
Tuy nhiên, chiến tranh đã không xảy ra, vì cả hai nước hoàn toàn chưa sẵn sàng cho điều đó. Ba Tư đã cử một sứ giả đến gặp Sa hoàng Nga để gửi lời xin lỗi về thảm kịch và mang theo cống phẩm. Sa hoàng Nicholas I khi đó đã chấp nhận lời xin lỗi này.
Sự cố Panjdeh (1885)
Giai đoạn "Ván cờ Lớn" (Great Game) giữa Đế quốc Nga và Đế quốc Anh nhằm tìm cách thống trị địa chính trị ở Trung Á đã diễn ra mà không có cuộc đụng độ lớn nào giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, sự cố ở Panjdeh từng đưa họ đến bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Năm 1885, quân đội Nga tiến vào lãnh thổ định cư Panjdeh của Tiểu vương quốc Afghanistan, được đặt dưới sự bảo hộ của Anh. Với việc người Nga tiến vào khu vực lợi ích của mình, tiểu vương Afghanistan đã cảm thấy quan ngại và tiến hành các nỗ lực đẩy người Nga ra ngoài.
Tuy nhiên, trận chiến kết thúc với chiến thắng dành cho Nga. Người Anh khi đó đã sẵn sàng động binh đáp trả, nhưng các nhà ngoại giao Nga đã thuyết phục thành công họ rằng: Đế quốc Nga sẽ không tiến thêm sâu vào khu vực này.
Sự cố Dogger Bank (1905)
Cuộc chiến định mệnh giữa Nga và Nhật Bản có thể đã bước vào viễn cảnh khốc liệt nhất, vì Anh đã sẵn sàng tham chiến cùng Nhật Bản.
Ở thời điểm đó, một nhóm hải quân Nga rời biển Baltic và tiến về Viễn Đông, họ gần như suýt nữa vấp phải một cuộc chiến với người Anh trên đường đi.
Cách bờ biển Anh không xa, các tàu chiến Nga đã nổ súng vào các tàu đánh cá địa phương vì nhầm họ với hạm đội Nhật Bản trong đêm sương mù. Hậu quả là một số ngư dân thiệt mạng và một tàu đánh cá bị chìm.
Người Anh phẫn nộ gọi những người Nga là "hạm đội mất trí" và bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh. Rất may, bồi thường của Nga cho ngư dân đã giải quyết vụ việc một cách hòa bình .
Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962)
Cuộc khủng hoảng này gần như đã kéo hai siêu cường của thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, có khả năng biến Chiến tranh Lạnh trở thành một cuộc chiến "nóng bỏng".
Sự kiện bắt đầu vào năm 1961 khi Mỹ đặt tên lửa đạn đạo Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ với tầm phạm vi có thể vươn đến Moscow. Chúng bị Liên Xô coi là một mối đe dọa lớn.
Liên Xô đã đáp trả lại bằng cách triển khai 50.000 binh sĩ và vũ khí hạt nhân đến Cuba. Hòn đảo ngay lập tức bị hải quân Mỹ bao vây.
Nhờ có cuộc thảo luận gỡ nút thắt giữa hai nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev và John Kennedy vào tháng 10/1962 mà cuộc xung đột hạt nhân mới được ngăn chặn. Sau đó, Liên Xô đã loại bỏ tên lửa hạt nhân của họ khỏi Cuba, và Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh phong tỏa và di chuyển tên lửa Jupiter ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo động nhầm tấn công hạt nhân (1983)
Vào ngày 26/9/1983, số phận của cả thế giới đã nằm trong tay một người.
Hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân của Liên Xô tại căn cứ bí mật Serpukhov-15 gần Moscow ghi nhận về việc Mỹ phóng nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Một cuộc phản công hạt nhân của Liên Xô – cũng như sự khởi đầu của Thế chiến III - phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của một người, Trung tá Stanislav Petrov, sĩ quan trực chiến tại Serpukhov-15. Ông chỉ có vài phút để phân tích tất cả thông tin có sẵn nhằm đưa ra quyết định đúng đắn.
Cuối cùng, Petrov báo cáo với Moscow rằng đó là một báo động sai và thế giới tránh được thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất.