Không quân Nga nhận MiG-35: Đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm" - Doanh số sẽ tăng vùn vụt?

Chỉ Nhàn |

Dù chỉ là 2 chiếc nhưng việc Không quân Nga chính thức trang bị MiG-35 ít nhiều đem lại niềm tin nơi khách hàng, chắc chắn MiG đang rất kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp tăng doanh số.

Chia sẻ với TASS trước thềm triển lãm hàng không Paris 2019, ông Ilya Tarasenko - CEO Tổng Công ty MiG kiêm Phó Chủ tịch phụ trách Hợp tác quân sự - Kỹ thuật của Tổng Công ty Máy bay thống nhất Nga (UAC) tiết lộ, MiG đã chuyển giao máy bay tiêm kích MiG-35 đầu tiên cho Không quân Nga.

"Vâng, máy bay chiến đấu MiG-35 đầu tiên đã được bàn giao và chúng tôi đang hoàn thành hợp đồng theo đúng tiến độ", ông này nói.

Hợp đồng đầu tiên liên quan tới MiG-35 giữa MiG và Không quân Nga được ký kết hồi tháng 8/2018. Theo đó, MiG sẽ phải hoàn tất việc chuyển giao 6 chiếc MiG-35 cho Không quân Nga vào năm 2023.

Dù cho 6 là con số "khiêm tốn", nhưng dẫu sao đây được coi là "tấm vé cứu nguy" cho "cánh chim" MiG đang trong giai đoạn "lận đận" khi chương trình MiG-35 không đạt được thành công như mong đợi.

Hiện đại lắm mà không ai mua!

Cất cánh lần đầu tiên ngày 7/2/2007, MiG-35 là thiết kế tiêm kích đa năng mới nhất của Tổng Công ty MiG trên cơ sở cải tiến sâu rộng MiG-29 thời Liên Xô.

Dù cho hình dạng của MiG-35 không khác mấy MiG-29, nhưng bên trong nó tích hợp nhiều giải pháp công nghệ mới đem lại khả năng chiến đấu ưu việt hơn hẳn thế hệ trước.

Cụ thể, hệ thống điện tử hàng không mới giúp MiG-35 chiếm ưu thế trên không cũng như thực hiện các cuộc tấn công mặt đất chính xác trong mọi điều kiện thời tiết, trinh sát với thiết bị quang - điện tử kèm radar cho tới thực hiện tổ hợp nhiệm vụ phức tạp nhất.

MiG-35 được trang bị radar mạng pha chủ động Zhuk-A/AE có tầm trinh sát 200km (sau tăng lên 250km) với mục tiêu RCS (diện tích phản xạ radar) 3m2, cùng lúc theo dõi 30 mục tiêu và dẫn tên lửa hạ 6 mục tiêu trên không.

Ngoài ra, MiG-35 còn được trang bị trạm trinh sát quang - điện OLS-UEM có cảm biến hồng ngoại phát hiện tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay cách đến 55km.

Không quân Nga nhận MiG-35: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm - Doanh số sẽ tăng vùn vụt? - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-35.

Tải trọng vũ khí của MiG-35 lên tới 7 tấn, gấp đôi trọng lượng mang vác vũ khí của MiG-29 giúp máy bay mới của MiG làm được nhiều thứ hơn. Hầu như Su-30/35 mang được gì thì MiG-35 đều mang tốt thứ đó, gồm cả tên lửa chống hạm.

Đáng tiếc là động cơ turbofan dành cho MiG-35 là kiểu cải tiến từ mẫu RD-33 dùng cho MiG-29 trước đây. Nó không được tích hợp vòi phun chỉnh hướng véc tơ, nhưng điều đó không ảnh hưởng mấy tới khả năng cơ động của tiêm kích MiG.

Cặp động cơ RD-33MK giúp MiG-35 đạt tốc độ tối đa 2.400km/h ở độ cao lớn hoặc 1.450km/h ở trần bay thấp, bán kính chiến đấu 1.000km, trần bay 19.000m và vận tốc leo cao 330m/s (Su-35S là 280m/s).

Nhìn chung radar, tải trọng vũ khí MiG-35 kém hơn so với Su-35, nhưng đó là điều không thể trách MiG khi "35" được tạo ra từ nền tiêm kích hạng nhẹ.

Nếu so với MiG-29, MiG-35 vượt xa mọi thứ, nó xứng đáng thay thế mọi máy bay MiG-29 ở Nga và trên thế giới.

Lận đận chưa từng thấy

Thật vậy, cùng được xem là máy bay chiến đấu thế hệ 4++ như Su-35S, nhưng MiG-35 dù được đánh giá là rất hiện đại nhưng chưa bao giờ "ăn trái ngọt".

Theo một số nguồn tin, kể từ khi cất cánh lần đầu, MiG-35 chưa bao giờ nhận được sự quan tâm đúng mực từ Bộ Quốc phòng Nga. Nguyên do một phần vì nó không phải là thiết kế mới mẻ, MiG-35 được cải tiến từ mẫu máy bay bộc lộ khá nhiều hạn chế.

Những công nghệ mà MiG-35 được áp dụng để trở nên mạnh hơn xưa đều có trên Su-35, thậm chí "đồng đội" Sukhoi còn làm tốt hơn thế. Thế nên, dù cất cánh trước Su-35, MiG-35 nhanh chóng "hụt hơi" khi chỉ nhận "sự ghẻ lạnh".

Không quân Nga nhận MiG-35: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm - Doanh số sẽ tăng vùn vụt? - Ảnh 4.

MiG-35 cũng mạnh nhưng không hiểu sao lại bại trận khắp nơi.

Thất bại trong nước, MiG cố gắng "tấn công ra nước ngoài" - điểm đến đầu tiên là Ấn Độ với tham vọng giành hợp đồng 126 chiếc máy bay. Tuy vậy, kết quả như chúng ta đã biết, tiêm kích Rafale đã giành thắng lợi, MiG-35 "ra về tay không".

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng MiG chưa bao giờ nguôi hi vọng, năm 2013 suýt nữa MiG đã đạt được thỏa thuận cung cấp 37 MiG-35 cho Không quân Nga nhưng rồi lại hụt!

Năm 2014, Ai Cập có kế hoạch đặt hàng mua 24 MiG-35, nhưng chẳng hiểu sao tháng 4/2015 Cairo bất ngờ ký mua 46 MiG-29M/M2 - phiên bản nền tảng phát triển MiG-35.

Cánh cửa với MiG-35 gần như đóng sập thì năm 2018, cuối cùng Bộ Quốc phòng Nga đã "chốt" mua 6 MiG-35. Hợp đồng được xem như là "cứu cánh" cho toàn bộ chương trình MiG-35. Bởi nếu không có được thương vụ này, xem ra dự án MiG-35 có thể sẽ vào "bảo tàng".

Không quân Nga nhận MiG-35: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm - Doanh số sẽ tăng vùn vụt? - Ảnh 5.

Cửa sáng đã mở, MiG-35 lên nào!

Mặt trời đã tỏ, MiG-35 bay lên nào!

Như đã đề cập ở đầu bài, 6 chiếc thì không lớn, nhưng giá trị ở chỗ, quốc gia tạo ra MiG-35 đã chấp nhận nó cho lực lượng không quân mới là đáng quý.

Với một dòng máy bay mà nước sở tại không chịu mua thì rõ ràng khách hàng nước ngoài ai dám mua?

Tất yếu, sẽ có nhiều ý nghĩ như phải chẳng máy bay đó bị lỗi thiết kế, nó không mạnh như quảng cáo, đồ rởm...

Đây có lẽ là lý do để giải thích vì sao MiG-35 "bại trận ở Ấn Độ, Ai Cập", không được bất cứ khách hàng nào ngó ngàng, kể cả những quốc gia đang sử dụng máy bay MiG.

Việc Không quân Nga đưa vào trang bị MiG-35 giúp nhiều khách hàng tin tưởng rằng đây là loại máy bay đáng mua.

Tất nhiên người ta vẫn phải cần thêm thời gian để "test" hết khả năng của MiG-35. Hi vọng rằng sẽ không có sự cố xui xẻo nào xảy ra với MiG-35 trên con đường chinh phục Không quân Nga.

Thành công ở Không quân Nga, MiG-35 mới mở toang được cánh cửa bầu trời trên khắp thế giới. Nhu cầu với máy bay tiêm kích của MiG vẫn rất lớn, không ít quốc gia đang sử dụng vô số máy bay đời cũ MiG đang muốn tìm "kế thừa", đó là những vị khách tiềm năng nhất.

Cận cảnh góc cạnh tiêm kích MiG-35.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại