Theo vpk-news.ru, chiến dịch quân sự của Nga trên bầu trời Syria vẫn tiếp diễn dù dưới một hình thái khác. Tuy nhiên, quyết định rút một phần lực lượng và vũ khí tại đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin là cơ sở để đưa ra những kết quả ban đầu.
Ngoài những thành tích đáng khen ngợi đã đạt được, bài báo cho rằng Không quân Nga vẫn còn một số nhược điểm cần khắc phục.
Vũ khí chính xác "nhỏ giọt"
Thứ nhất, tỷ lệ vũ khí chính xác cao được Nga sử dụng tại Syria vẫn còn thua xa so với Mỹ và NATO (trong các cuộc xung đột thế kỷ 21, tỷ lệ này lên tới 80%), dù đã có tiến bộ rõ rệt so với chiến dịch tại Gruzia năm 2008.
Thứ hai, lực lượng Không quân Nga tại Syria đã sử dụng rộng rãi vũ khí có hệ thống dẫn đường vệ tinh sau khi các trạm GLONASS được hoàn thiện vào năm 2011-2012.
Nhờ các trạm quỹ đạo này, các tên lửa có thể tiêu diệt chính xác những toà nhà riêng lẻ và các công trình hạ tầng của quân khủng bố trong khi giảm thiểu tối đa những thiệt hại không cần thiết.
Song đáng tiếc rằng, các tên lửa có hệ thống vệ tinh dẫn đường không phải là “vũ khí thần kỳ” giúp cho lực lượng Không quân Nga thực hiện được mọi nhiệm vụ.
Sự chính xác do hệ thống vệ tinh dẫn đường không phải lúc nào cũng giúp tiêu diệt được các mục tiêu kích thước nhỏ, các căn cứ xây dựng kiên cố, hầm ngầm. Những loại tên lửa này gần như vô hại đối với cả những mục tiêu di động.
Bom dẫn đường KAB-500S lắp dưới cửa hút gió của máy bay ném bom Su-34.
Tất nhiên, độ cao cần thiết để triển khai bom KAB-500S giúp các máy bay mang nó tránh được tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và pháo phòng không.
Tuy nhiên, gần như bất cứ hệ thống phòng không tầm ngắn nào, bao gồm cả những hệ thống lỗi thời, cũng có thể trở thành mối nguy hiểm đối với các máy bay mang bom KAB-500S.
Trong chiến dịch tại Syria, bộ chỉ huy các lực lượng Không quân Nga đã gặp phải vấn đề mà người Mỹ từng gặp khi sử dụng rộng rãi vũ khí chính xác cao vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Kể cả loại bom đơn giản như KAB-500S cũng có giá không hề rẻ. Mỗi quả bom này có giá tương đương với giá của một chiếc xe hạng sang.
Thêm vào đó, số lượng dự trữ trong kho không nhiều khiến lực lượng Không quân Nga phải sử dụng “tiết kiệm”.
Trong chiến dịch không kích tại Syria, ít khi có mục tiêu nào bị tiêu diệt ngay lập tức chỉ với một quả bom KAB-500S.
Theo bài viết, Bộ Quốc phòng Nga nhiều khả năng đang phải hối tiếc vì không có hệ thống nào tương tự như JDAM của Mỹ - công nghệ biến các loại bom công phá và công phá mạnh thành các bom chính xác cao với chi phí không quá cao.
Máy bay ném bom Tu-22M3 xuất kích diệt IS
Bài viết nhận định, một điều đáng tiếc khác trong chiến dịch tại Syria là các máy bay Tu-22M3, lực lượng chủ lực của không quân tầm xa Nga vẫn sử dụng các loại bom không điều khiển.
Ngoài ra, vì tầm bay không tiếp nhiên liệu bị hạn chế và để giảm thiểu thiệt hại không cần thiết nên khối lượng bom mà Tu-22M3 mang theo đã bị cắt giảm đi nhiều.
Lượng bom được sử dụng cho Tu-22M3 tại Syria phù hợp với lực lượng không quân chiến thuật hơn là chiến lược.
Nhưng nếu những quả bom này có thiết bị dẫn đường như KAB-500S, thì chỉ cần có vậy, Tu-22M3 cũng có thể trở nên nguy hiểm hơn với các mục tiêu tối quan trọng trên diện rộng, như nhà máy chế biến dầu của quân khủng bố, các căn cứ quân sự và sân bay của kẻ địch.
Máy bay tiếp dầu hạn chế
Gần như tất cả các chiến dịch không kích của NATO, dù ở Iraq, Lybia hay Afganistan đều không thể thiếu các máy bay tiếp nhiên liệu, với cường độ hoạt động nhiều khi còn vượt cả các máy bay cường kích, tiêm kích và ném bom.
Còn máy bay tiếp nhiên liệu của Nga lại tham gia rất hạn chế vào chiến dịch tại Syria, chủ yếu để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95MS.
Các máy bay tiêm kích, ném bom tiền phương và cường kích của Nga trong quá trình di chuyển từ Nga tới Syria vào mùa thu năm ngoái, cũng như khi rút quân khỏi Syria vào mùa xuân năm nay, không hề tiếp nhiên liệu trên không mà chỉ sử dụng nhiên liệu mang theo.
Máy bay ném bom Tu-160 thực hiện tiếp dầu trên biển Caspi.
Theo các đại diện của Lực lượng Không quân Nga thừa nhận với tạp chí “Người đưa tin Công nghiệp-quốc phòng”, số lượng máy bay tiếp dầu và tính năng kỹ thuật của chúng không thể đảm bảo triển khai hiệu quả các máy bay tấn công của Nga ở tầm xa.
Máy bay tiếp dầu không chỉ chở lượng nhiên liệu cần thiết mà còn phải bay trên trời đủ lâu. Hiện nay, tất cả niềm hi vọng của Nga đều tập trung vào chiếc IL-96-400T3 đang được tái trang bị tại nhà máy chế tạo ở thành phố Voronezh.
Ở đây còn có cả những vấn đề liên quan tới công tác quản lý.
Hiện nay, các máy bay tiếp nhiên liệu thuộc quản lý của bộ chỉ huy Không quân tầm xa Nga nên trước tiên, chúng phải phục vụ máy bay của lực lượng này, còn việc tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom tiền phương và tiêm kích sẽ áp dụng nguyên tắc thứ tự ưu tiên.
Máy bay không người lái - Điểm yếu lớn nhất
Không thể phủ nhận rằng, những thành công của quân chính phủ Syria phần nhiều là nhờ có đội bay đặc nhiệm của Nga. Su-25 và Mi-24P gần như liên tục triển khai hỏa lực yểm trợ cho các lực lượng trên mặt đất.
Nhưng nếu các trực thăng tấn công của Nga thường xuyên xuất hiện trong nhiều đoạn video từ chiến trường, thì chỉ có 3 đoạn video ghi lại các máy bay cường kích thực hiện không kích vị trí của quân khủng bố bằng tên lửa không điều khiển và các loại bom không đối đất.
Bên cạnh đó, các máy bay trực thăng Mi-24P của Nga rất ít khi sử dụng các tên lửa có điều khiển. Vũ khí được các phi công lựa chọn vẫn là các tên lửa không điều khiển để tiêu diệt cả mục tiêu cố định và mục tiêu di động, bao gồm xe bọc thép.
Đáng tiếc, cần phải thừa nhận rằng, nếu việc tiêu diệt mục tiêu cố định tại Syria không hề gây khó khăn cho Không quân Nga, thì cuộc chiến với mục tiêu di động, xe bán tải vũ trang, các nhóm nhỏ quân khủng bố vẫn là thách thức và tiềm ẩn đầy rủi ro đối với phi công.
Đó là bởi họ phải bay ở tầm thấp trong điều kiện đối phương sử dụng súng trường và các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.
Kinh nghiệm thế giới hiện nay trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng nổi dậy cho thấy: Giải pháp tối ưu chính là máy bay tấn công không người lái trang bị tên lửa điều khiển và đôi khi là các loại bom dẫn đường vệ tinh.
Đây đúng là vũ khí chính xác cao cho phép các phi công tiêu diệt được mục tiêu, trong khi hạn chế tối thiểu những thiệt hại không đáng có.
Tại Syria và Iraq, các máy bay tấn công không người lái do Trung Quốc và Iran sản xuất được sử dụng rất nhiều, trong khi các vũ khí tương tự của Nga vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Hiện nay, có lẽ đó là điểm yếu nhất của Lực lượng Không quân Nga.
Nga không kịp sản xuất các máy bay tấn công không người lái và trực thăng tấn công.
Các trực thăng Mi-35M thì có quá ít, các trực thăng hiện đại nhất Mi-28N và Ka-52 với hệ thống quan sát-ngắm bắn tối tân chỉ vừa xuất hiện cách đây không lâu và đã tham chiến, song chúng cũng phải “tiết kiệm” khi sử dụng các tên lửa thông minh.
Tên lửa AGM-114 Hellfire của Mỹ.
Bài viết cho rằng, tên lửa điều khiển trên trực thăng Nga hoàn toàn có hiệu quả trước các loại xe bọc thép và xe cơ giới của quân khủng bố nhưng vì những hạn chế liên quan đến kích thước nên sức công phá của chúng thua xa tên lửa AGM-114 Hellfire của Mỹ.
Hơn nữa, hiện nay Lực lượng Không quân Nga sở hữu một số lượng ít ỏi các loại tên lửa như vậy.
Trong khi đó, chỉ tính riêng Iraq, với lực lượng Không quân khiêm tốn của mình, mỗi tháng cần phải sử dụng tới hàng trăm tên lửa Hellfire để phục vụ cho cuộc chiến chống lại IS.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhất trí bán cho Baghdad 5.000 tên lửa loại này, trong đó một phần là phiên bản tên lửa Hellfire chống tăng.