Không phải Tejas, Ấn Độ sẽ bán tiêm kích... F-16 cho Việt Nam?

Hải Dương |

Tập đoàn Lockheed Martin vừa qua đã khẳng định kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất F-16 tại Ấn Độ, cơ sở này còn có thể cung cấp loại tiêm kích trên cho quốc gia thứ ba.

Diễn biến mới nhất cho thấy khả năng rất cao F-16 sẽ được tuyên bố là người chiến thắng trong gói thầu MMRCA chứ không phải Rafale của Pháp, do chiếc tiêm kích Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất của Ấn Độ đó là chuyển giao công nghệ và sản xuất ngay tại quốc gia Nam Á này.

Hơn thế nữa, việc F-16 được lựa chọn rất dễ dẫn đến dấu chấm hết cho chương trình tiêm kích hạng nhẹ LCA Tejas, bất chấp việc mới đây truyền thông Ấn Độ cho biết các phi công thử nghiệm đã hết lời khen ngợi chiếc chiến đấu cơ nội địa.

Tuy rằng đã trải qua quãng đường hơn 3 thập kỷ phát triển nhưng tính đến thời điểm hiện tại, HAL Tejas vẫn chưa biết đến khi nào mới chính thức vào biên chế Không quân Ấn Độ.

Thiết kế vay mượn, hệ thống điện tử hàng không "năm cha ba mẹ" thiếu tin cậy, nhiều tính năng cơ bản như tầm hoạt động ngắn, tải trọng vũ khí thấp... là những điểm yếu chí tử, khiến tương lai của chiếc tiêm kích hạng nhẹ này trở nên u ám.

Không phải Tejas, Ấn Độ sẽ bán tiêm kích... F-16 cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiêm kích hạng nhẹ HAL Tejas của Ấn Độ

Mặc dù gần đây Ấn Độ có động thái chào bán Tejas cho Không quân Việt Nam để thay thế MiG-21, phía bạn còn sẵn sàng cung cấp những ưu đãi đi kèm như hỗ trợ tín dụng hay chấp nhận thanh toán bằng hàng hóa... nhưng cơ hội để Tejas được lựa chọn vẫn gần như là con số không.

Trong hoàn cảnh đó, tưởng như ngoài tên lửa BrahMos sẽ không xuất hiện thêm vũ khí "Made in India" nào có triển vọng tốt tại Việt Nam thì kế hoạch sản xuất tiêm kích F-16 của Lockheed Martin lại mở ra cơ hội mới.

Dự kiến nhà máy trên sẽ lắp ráp phiên bản F-16 Block 70/72 với những tính năng độc quyền giành riêng cho Không quân Ấn Độ, đây là biến thể dựa trên F-16IN Super Viper mà Mỹ đã từng chào hàng trong gói thầu MMRCA.

Điểm nhấn đáng kể nhất của biến thể trên nằm ở radar mảng pha quét chủ động AN/APG-80 AESA, với đặc trưng các chùm tia điện tử được truyền đi trên nhiều tần số khác nhau khiến đối phương rất khó phát hiện cũng như thực hiện biện pháp gây nhiễu, giúp máy bay có thể bí mật tung đòn tấn công ở cự ly an toàn.

Không phải Tejas, Ấn Độ sẽ bán tiêm kích... F-16 cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16IN Super Viper

Hiện tại Việt Nam đang tỏ ý quan tâm và muốn mua lại một số tiêm kích F-16 dư thừa của Không quân Mỹ, tuy nhiên đó có vẻ như là giải pháp chữa cháy nhằm nhanh chóng lấp đầy khoảng trống của tiêm kích hạng nhẹ, đồng thời tạo bước đệm để làm quen với vũ khí trang bị theo tiêu chuẩn phương Tây.

Sở hữu ưu điểm giá thành rẻ, thời gian giao hàng nhanh nhưng nhược điểm của F-16 secondhand lại là thời gian sử dụng không còn dài. Cho nên rất có thể sau quá trình đánh giá hiệu quả, nếu cảm thấy phù hợp Việt Nam sẽ tiếp tục mua F-16 mới ở các phiên bản cao cấp hơn.

Do dây chuyền lắp ráp F-16 của Mỹ đã chuẩn bị đóng cửa, Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không thể cho Việt Nam nhiều ưu đãi như Ấn Độ, cho nên địa điểm duy nhất để chúng ta tìm tới chỉ có thể là quốc gia đồng minh nằm ở Nam Á.

Với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cộng với rào cản cuối cùng là lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được Mỹ dỡ bỏ, sẽ không có trở ngại nào ngăn cản Việt Nam mua F-16 do Ấn Độ sản xuất nếu chúng ta thực sự có nhu cầu.

Vì vậy khả năng Việt Nam đặt mua F-16 Block 70/72 "Made in India" thay vì HAL Tejas là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại