Không phải quân đội hay súng đạn, đây mới là "vũ khí hủy diệt" đáng sợ nhất của Trung Quốc

Lưu Bình |

Trung Quốc hiện đang sở hữu thứ vũ khí có thể giúp nước này đưa 1/4 dân số thế giới trở thành "con tin" mà không phải tốn một viên đạn - theo tạp chí National Interest.

Vũ khí không ai ngờ

Khi cả thế giới đang dồn sự chú ý tới các loại vũ khí quân sự hạng nặng nguy hiểm mới được Bắc Kinh phát triển, rất ít người chú ý tới một thứ vũ khí thực sự ghê gớm và ít ai ngờ trong kho vũ khí của nước này: Đập nước.

Với hơn 87.000 con đập, nắm quyền kiểm soát cao nguyên Tây Tạng và thượng nguồn 10 dòng sông lớn nuôi sống 2 tỉ người, Bắc Kinh đang sở hữu một vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chỉ với một cái cần gạt, Trung Quốc có thể giải phóng hàng trăm triệu gallon nước từ các đập lớn của mình, gây ra những trận lũ lụt thảm khốc, làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái của các quốc gia nằm ở hạ nguồn.

Hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ về sức mạnh hủy diệt của nước. Để ngăn chặn đà tiến quân của quân Nhật vào miền tây và miền nam Trung Quốc trong Thế Chiến II, Tưởng Giới Thạch, chỉ huy quân đội Quốc dân đảng đã cho phá hủy một con đê dọc sông Hoàng Hà, khiến nước tràn ngập hàng ngàn dặm đất nông nghiệp.

Vụ việc này làm chết đuối khoảng 800.000 người, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng (lịch sử gọi đây là Sự kiện phá đê Hoa Viên Khẩu).

Rất khó để Trung Quốc khiến các nước láng giềng yên tâm về vấn đề này. Trên thực tế, đây vẫn là đòn bẩy chính trị lớn đối với các nước láng giềng, khi Trung Quốc giữ tư cách là một quốc gia nằm ở thượng lưu, nắm quyền kiểm soát nguồn lực thiết yếu nhất của cuộc sống.

Trung Quốc biết rõ sức mạnh của nước. Thế nhưng, nhà phân tích Eugene K. Chow nhận định có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ chủ tâm thực hiện hành động "hủy diệt" như vậy đối với các nước láng giềng.

Quốc gia của những con đập

Dãy núi Himalaya vốn được mệnh danh là "Tháp nước của châu Á". 7 trong số những con sông lớn nhất của lục địa đều khởi nguồn từ đây, trong đó bao gồm sông Mekong, sông Hằng, sông Ấn, sông Irrawaddy và sông Trường Giang.

Tất cả những con sông trên đều khởi nguồn từ băng tan trên cao nguyên Tây Tạng, tạo thành những dòng sông hùng vĩ chảy qua biên giới Trung Quốc trước khi đến khu vực Nam Á.

Nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về điện và kế hoạch chuyển đổi năng lượng từ than đá, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các con đập. Năm 1949, Trung Quốc chỉ có chưa đến 40 đập thủy điện nhỏ nhưng hiện nay số đập ở nước này đã vượt qua tổng số đập của Mỹ, Brazil và Canada cộng lại.

Riêng trên thượng lưu sông Mekong, Trung Quốc đã xây dựng 7 đập lớn và đang có kế hoạch xây dựng thêm 21 đập nữa.

Chỉ cần một con đập mới nhất cũng có thể sản xuất ra nhiều điện hơn số đập của Thái Lan và Việt Nam trên sông Mekong cộng lại.

Cường độ xây đập tăng cao đã tạo ra những tác động môi trường lớn, khiến các quốc gia ở vùng hạ lưu ái ngại.

"Ngoài những vấn đề môi trường, các con đập ở Tây Tạng còn có thể gây ra những hậu quả thảm khốc với Ấn Độ. Chúng thực sự là 'cơn ác mộng' khi xảy ra động đất, tai nạn, khi bị phá hoại, và có thể được sử dụng để chống lại Ấn Độ nếu xảy ra chiến tranh," Milap Chandra Sharma, chuyên gia nghiên cứu sông băng thuộc Trường ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho biết.

Không phải quân đội hay súng đạn, đây mới là vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đập Xiaolangdi xả nước trên sông Hoàng Hà hồi năm 2013. (Ảnh: Reuters)

Việc các nước láng giềng phía Nam Trung Quốc tỏ ra không lo lắng không phải là không có lý do.

Trong quá khứ, Ấn Độ từng lên án những lần xả đập bất thình lình từ Trung Quốc, gây ra những trận lũ quét kinh hoàng, trong đó có một trận lũ từng gây thiệt hại ước tính 30 triệu USD và biến 50.000 người ở miền Đông Bắc Ấn Độ thành người vô gia cư.

Tác động to lớn tới các quốc gia phương Nam

Mỗi năm, cứ vào mùa mưa ở Trung Quốc, các quốc gia ở hạ lưu đều trong tình trạng cảnh giác cao độ. Họ lo ngại Trung Quốc xả nước để giảm áp lực đột ngột mà chẳng mấy quan tâm chuyện cảnh báo.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Việt Nam nói: "Một con đập xả nước sẽ tạo ra hiệu ứng domino với toàn hệ thống và có thể gây ra thiệt hại rất lớn."

Ngoài lũ lụt, các con đập ở Trung Quốc còn là nguyên nhân cho những đợt hạn hán.

Năm ngoái, Việt Nam đề nghị Trung Quốc mở đập để nước chảy từ đập Vân Nam xuôi dòng sông Mekong, giảm bớt tình trạng thiếu nước trầm trọng ở hạ nguồn. Trung Quốc đồng ý và lượng nước thiết yếu đã chảy qua lãnh thổ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và tới Việt Nam.

Hai thái cực nêu trên không chỉ cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các con đập Trung Quốc đến môi trường mà còn là sự nhắc nhở về tác động rõ rệt của Trung Quốc với các nước láng giềng phía Nam.

Những con sông này là nguồn sống của các nước Nam Á, cung cấp nước uống, tưới tiêu cho canh tác, cung cấp môi trường sống cho nghề cá và các hoạt động giao thương.

Không phải quân đội hay súng đạn, đây mới là vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất của Trung Quốc - Ảnh 2.

Đập nước Xiaolangdi lớn thứ hai Trung Quốc mở cửa xả lũ. (Ảnh: Xinhua)

Bằng việc kiểm soát nguồn nước trong khu vực, Trung Quốc nắm giữ sức mạnh to lớn và quốc gia này đã bị cáo buộc vì lạm dụng điều đó.

"Trong ngoại giao, Trung Quốc vẫn sử dụng các con sông làm quân bài để mặc cả," ông Tanasak Phosrikun, nhà hoạt động sông Mekong Thái Lan nói.

Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc này. Năm 2016, phản ứng trước sự phẫn nộ của Ấn Độ liên quan đến các con đập Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố: "Mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ không nên bị ảnh hưởng bởi 'cuộc chiến tranh nước' không có thực".

"Thành thật mà nói, Ấn Độ không cần phải phản ứng thái quá vì các dự án đập [của Trung Quốc], với mục đích giúp phát triển hợp lý và tận dụng các nguồn tài nguyên nước".

Đòn bẩy chính trị của Bắc Kinh

Trong khi Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của "chiến tranh nước", năm nay, Bắc Kinh từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ, mặc dù cả hai nước đã ký kết thỏa thuận về vấn đề này.

Dữ liệu trên rất quan trọng trong mùa mưa bởi nó sẽ giúp Ấn Độ dự báo chính xác hơn các trận lũ và đưa ra cảnh báo đến người dân, cứu sống tính mạng nhiều người và giảm thiểu thiệt hại.

Dù là vô tình hay cố ý, nước đã trở thành loại vũ khí thực sự giúp Trung Quốc nắm trong tay đòn bẩy chính trị đối với các nước trong khu vực.

Khi tình trạng khan hiếm nước tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và do gia tăng dân số, nhu cầu về nguồn tài nguyên quý giá này sẽ tăng lên, làm tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như làm gia tăng các cuộc xung đột.

Mặc dù đã có những nỗ lực tốt nhất trong hợp tác khu vực, các nước Nam Á vẫn không thành công trong việc khuyến khích phát triển bền vững và có trách nhiệm đối với các con sông.

Với quyền kiểm soát cao nguyên Tây Tạng và những đặc điểm địa lý hiện tại, Trung Quốc điều hành toàn bộ nguồn nước thượng nguồn và rất ít quốc gia ở hạ lưu có thể can thiệp và thay đổi việc này.

Eugene K. Chow là chuyên gia về các chính sách đối ngoại và các vấn đề quân sự. Các bài viết của ông được đăng tải trên The Week, Huffington Post, và The Diplomat.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại