Không ngoan ngoãn rút quân, 3 quốc gia này suýt nữa lãnh đủ bão táp hạt nhân của Liên Xô

Đức Anh |

Năm 1956, Anh, Pháp và Israel liên thủ tấn công Ai Cập, tuy thắng lợi nhưng họ buộc phải rút quân dưới áp lực chính trị từ Mỹ và Liên Xô.

Tạp chí National Interest cho biết, vào tháng 7/1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez (lúc này đang do công ty Kênh đào Suez, thuộc Pháp quản lý).

Ở thời điểm năm 1956, Anh và Pháp không còn là đế quốc hùng mạnh thống trị thế giới như trước. Sau khi Thế chiến II kết thúc, trật tự thế giới thay đổi với sự nổi lên của 2 siêu cường Mỹ, Liên Xô. Song đối với Anh, kênh đào Suez là biểu tượng còn lại cho uy danh của một đế quốc. Kênh đào Suez cũng là huyết mạch kinh tế của họ ở Trung Đông.

Pháp từ lâu đã xem tổng thống Nasser là "cái gai trong mắt", việc Ai Cập tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez khiến lợi ích của Pháp tại khu vực bị đe dọa. Sự kiện này trở thành "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ với Anh, Pháp và cổ vũ cho nỗ lực lật đổ Nasser của London và Paris.

Tại Anh, quyết định của Nasser được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của nước này. Tuy nhiên, hành động can thiệp quân sự trực tiếp có thể chọc giận Washington, gây tổn hại quan hệ với Arab. Kết quả, chính phủ Anh bí mật ký hiệp ước quân sự với Pháp và Israel.

Nội các Pháp cũng quyết định hành động quân sự chống lại Ai Cập trong liên minh với Israel. Thủ tướng Pháp lúc đó là Guy Mollet cảm thấy bị xúc phạm bởi những gì ông coi là "thái độ yếu đuối" của chính quyền Mỹ Eisenhower trong việc Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez.

Liên Xô dọa trút mưa hạt nhân

Không ngoan ngoãn rút quân, 3 quốc gia này suýt nữa lãnh đủ bão táp hạt nhân của Liên Xô - Ảnh 1.

Một xe tăng Ai Cập bị bắn cháy ở bán đảo Sinai.

Ngày 29/10/1956, quân đội Israel tấn công đánh chiếm bán đảo Sinai, Ai Cập. Ngày 30/10, Anh và Pháp ra tối hậu thư yêu cầu hai bên rút khỏi kênh đào nhưng không được đáp ứng. Thực chất, tối hậu thư là một phần trong hiệp ước mà 3 nước Anh, Pháp và Israel đã bí mật ký trước đó, tạo cớ cho Anh và Pháp can thiệp vào xung đột.

Ngày 31/10, lực lượng quân sự Anh, Pháp tham gia vào cuộc chiến. Với sức mạnh quân sự áp đảo, liên minh 3 nước nắm quyền kiểm soát toàn bộ kênh đào. Quân đội Ai Cập bị đánh bật khỏi Suez nhưng hoạt động vận chuyển qua kênh đào không thể thực hiện được.

Về mặt quân sự, cuộc tấn công của Anh, Pháp và Israel là một thành công, nhưng cũng là một thảm họa về mặt chính trị. Tại Anh bùng phát các cuộc biểu tình chống chiến tranh vì phần lớn người dân không còn tâm trí để chết cho đế quốc.

Tình hình trở nên phức tạp khi 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô can thiệp. Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược và dọa trút mưa tên lửa hạt nhân xuống Tây Âu nếu liên quân 3 nước không rút lui.

Theo National Interest, khả năng tên lửa liên lục địa (ICBM) của Liên Xô lúc đó có vẻ đã được thổi phồng. Lực lượng ICBM của Liên Xô chủ yếu phục vụ cho mục đích tuyên truyền trong khi năng lực tấn công thực tế còn hạn chế.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân là thứ có sức mạnh răn đe khủng khiếp, khiến các bên không thể phớt lờ.

Anh, Pháp, Israel bẽ bàng rút quân

Không ngoan ngoãn rút quân, 3 quốc gia này suýt nữa lãnh đủ bão táp hạt nhân của Liên Xô - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu của Anh trên tàu sân bay ở Địa Trung Hải

Chính quyền Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cảnh báo Liên Xô thận trọng, cuộc xung đột hạt nhân sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, ông Eisenhower cũng ban hành cảnh báo nghiêm khắc đối với Anh, Pháp và Israel.

Tổng thống Eisenhower bày tỏ sự thất vọng đối với Anh khi không báo cho Mỹ biết về ý định của họ. Washington dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu 3 nước không rút quân. Dưới sức ép của Mỹ, Anh và Pháp rút quân trong tháng 12/1956. Israel sau đó cũng phải cúi đầu trước áp lực của Mỹ và rút quân vào tháng 3/1957.

Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez là một thất bại lớn đối với Anh và Pháp, đặc biệt nó đã giáng một đòn mạnh vào quyền lực của Anh ở Trung Đông. Các nhà sử học kết luận rằng, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez đã góp phần đáng kể vào sự suy thoái của Anh với tư cách là một cường quốc trên thế giới.

Với Paris, cuộc khủng hoảng khiến mối quan hệ với Washington trở nên xấu đi trong nhiều năm sau đó. Israel bị buộc phải rút quân nhưng vẫn đạt được một số lợi ích nhất định khi eo biển Tiran được mở cửa trở lại.

Với Ai Cập, đó là một thắng lợi lớn về mặt chính trị, họ quốc hữu hóa thành công kênh đào Suez. Tổng thống Nasser nổi lên như một vị anh hùng trong thế giới Arab.

Nhà sử học người Mỹ Derek Varble nhận xét: "Lực lượng Ai Cập chiến đấu với những kỹ năng tầm thường trong cuộc chiến, song nhiều người Ai Cập nhìn nhận Nasser như là người chinh phục chủ nghĩa thực dân châu Âu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại