National Interest đặt ra nghi vấn, các cuộc không kích của Israel vào Syria có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa Israel và Nga ?
Israel vẫn cương quyết tiếp tục tấn công vào lực lượng Iran ở Syria trong nỗ lực ngăn cản các lực lượng Tehran khỏi biên giới phía Bắc Israel. Trong khi đó, Nga đã gửi hàng nghìn binh sĩ đến Syria và lực lượng này thậm chí có thể tham chiến nếu Moscow mệt mỏi vì đồng minh Syria bị tấn công.
Và nếu Israel và Nga xung đột, người anh lớn của Israel, Mỹ có cảm thấy buộc phải can thiệp?
Cả Israel và Nga đều chẳng muốn để xảy ra một cuộc chiến như vậy. "Chẳng ai trong số chúng tôi muốn có sự đối đầu về quân sự", một quan chức cấp cao của lực lượng phòng vệ Israel (IDF) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Jerusalem. "Điều đó sẽ gây thiệt hại cho cả hai phía".
Tuy nhiên, chính sách của Israel luôn nhất quán: Sẽ làm bất cứ điều gì được cho là cần thiết để đẩy lực lượng Iran khỏi Syria. Và nếu Nga không đồng thuận quan điểm này, thì sau đó chỉ là chuyện cái giá sau việc đảm bảo rằng Syria không trở thành căn cứ rocket khác của Iran ở biên giới Israel.
Mối quan hệ giữa Israel và Moscow hiện thân thiết hơn nhiều thời Chiến tranh Lạnh. Bề ngoài, hai bên đều tỏ ra thân thiện và khao khát hợp tác. Tuy nhiên, ẩn sâu sau đó vẫn còn có sự thận trọng, nghi ngờ và mâu thuẫn trong lợi ích cơ bản.
"Nga không phải là đồng minh của chúng tôi, tuy nhiên có mối quan hệ ôn hòa. Chúng tôi chỉ có một đồng minh, và đó là Mỹ.
Người Nga ở đây với nhiều mục tiêu khác nhau. Họ đang hỗ trợ cho chính quyền Syria, quốc gia luôn thường trực mục tiêu xóa bỏ Israel khi có thể. Họ cũng là một phần trong liên minh ủng hộ Iran", một quan chức IDF cho hay.
Các hoạt động quân sự của Israel có thể dễ dàng gây nên các sự việc "chọc giận" Nga mà vụ không kích ở Tây Syria tháng 9/2018 là một minh chứng. Các tên lửa của Syria đã tình cờ bắn hạ máy bay do thám IL-20 của Nga khiến 15 người thiệt mạng.
Israel phủ nhận cáo buộc của Nga rằng nước này đã sử dụng chiêu núp bóng máy bay Nga để né đòn tấn công của Syria hay không thông báo trước cho Moscow về vụ không kích. Tuy nhiên, Nga vẫn quy trách nhiệm cho Israel gây nên vụ việc này và đáp trả bằng việc chuyển hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 cho Syria.
Dẫu vậy, Israel vẫn đánh giá cao vai trò của Nga trong việc kiềm chế Iran và ở mức cao hơn là đẩy lực lượng Iran ra khỏi Syria.
Sau cuộc họp hồi tháng Hai giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Putin về việc sửa đổi cơ chế bảo vệ sau tai nạn IL-20, các quan chức Israel tuyên bố ông Putin đã đồng ý buộc các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Syria.
Với Moscow, mối quan hệ thân thiện với Israel sẽ mang đến sự ảnh hưởng nhiều hơn ở Trung Đông, đặc biệt khi Washington giảm hiện diện ở khu vực này.
Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố rằng các cuộc không kích của Israel ở Syria là "bất hợp pháp". Syria là một đồng minh của Nga trong hơn 15 năm qua và chính các chiến dịch quân sự của Nga cùng với Iran đã cứu chính quyền Tổng thống Syria Assad thoát khỏi vấn nạn khủng bố IS cũng như các thế lực nổi loạn khác.
Ít nhất 63,000 binh sĩ Nga đã hoạt động ở Syria từ năm 2015. Hiện vẫn còn hơn 5,000 binh sĩ và các nhà thầu quân sự tư nhân người Nga ở Syria cùng với hàng chục máy bay, trực thăng.
Cảng Tartus của Syria hiện là căn cứ hải quân duy nhất của Nga trong khu vực Trung Đông. Và năm 2016, Moscow và Damascus đã ký thỏa thuận 49 năm cho phép tàu chiến Nga có trang bị hạt nhân được hoạt động ở đây.
Ngoài ra, tên lửa đất đối không và máy bay Nga gồm cả hệ thống phòng thủ tầm xa S-400 cũng hoạt động ở hai căn cứ không quân ở Tây Syria.
Israel có thể sống cạnh Nga nhưng không thể cạnh Iran. Các quan chức Israel cảnh báo về việc Tehran lên kế hoạch đồn trú 100,000 binh sĩ Iran và đồng minh ở Syria. Và Israel vẫn tiếp tục tấn công các mục tiêu Iran.
"Chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch của chúng tôi", quan chức IDF thông tin khi được hỏi liệu Nga có làm ngăn cản các cuộc không kích của Israel vào Syria.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Việc Israel tấn công vào các mục tiêu Iran ở Syria sẽ không gây nên cuộc xung đột với Nga?
Hiện đã có cơ chế giảm xung đột, trong đó có đường dây nóng giữa Israel và Nga. "Chúng tôi rất nghiêm khắc trong việc thông báo cho Nga về các hoạt động của chúng tôi và việc hợp tác của chúng tôi sẽ còn được cải thiện", quan chức IDF cho hay.
Tuy nhiên, quy định này vẫn không tránh được việc bắn nhầm máy bay Nga. Vụ việc hồi tháng 9 năm ngoái là một điển hình.
Thực sự, giới chức IDF dường như ít lo ngại về cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Nga và điều khiến Israel lo ngại hơn đó là việc Nga có thể chọn giải pháp cung cấp vũ khí tân tiến như tên lửa chống máy bay cho các đối thủ của Israel như Syria hay Iran.
Cuộc xung đột lâu năm Iran-Israel có thể không chỉ gây nguy hiểm trong khu vực mà còn làm leo thang. Trong cuộc chiến năm 1973, Liên Xô đã đe dọa gửi quân sang Ai Cập nếu Israel không đồng ý ngừng bắn. Mỹ khi đó đáp trả bằng cảnh báo về hạt nhân.
Mọi việc có thể biến chuyển nhưng có điều chắc chắn rằng mâu thuẫn Iran và Israel khó lòng thay đổi.