Trước đó cùng ngày, Huawei đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ lên một tòa án ở Texas, cho rằng việc Washington cấm sử dụng thiết bị Huawei trong một số hệ thống mạng là vi phạm hiến pháp Mỹ.
"Chính phủ Mỹ từ lâu dán nhãn Huawei như một mối đe dọa. Chính họ đã tấn công vào các máy chủ của chúng tôi, đánh cắp email và mã nguồn của chúng tôi", Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Thẩm Quyến công bố việc tập đoàn này kiện Chính phủ Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Guo không nói rõ Chính phủ Mỹ đã tấn công vào máy chủ của Huawei để đánh cắp thông tin như thế nào.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times vào tuần trước, ông Guo nói rằng một phần lý do khiến Mỹ tấn công Huawei có thể được tìm thấy trong những tài liệu bị gây rò rỉ bởi cựu nhân viên hợp đồng của Chính phủ Mỹ Edward Snowden về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NAS).
Tại Hội nghị Thế giới di động (MWC) 2019 ở Barcelona, Tây Ban Nha vào tuần trước, ông Guo cũng nói về Mỹ và quan điểm của Mỹ về an ninh mạng. "PRISM ở trên tường, vậy thì ai là người đáng tin cậy nhất trong số tất cả bọn họ?" ông Guo đặt câu hỏi.
PRISM là tên mã của một chương trình do NSA triển khai nhằm thu thập thông tin liên lạc trên mạng từ nhiều công Internet ở Mỹ. Chương trình này bị lộ sau khi những tài liệu tuyệt mật về chương trình bị Snowden tung ra với báo giới.
Ông Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei, đề nghị các nhà báo tham khảo những tài liệu bị rò rỉ về PRISM để hiểu rõ hơn về cáo buộc của Huawei nói rằng Chính phủ Mỹ có các cuộc tấn công mạng nhằm vào Huawei.
Vào năm 2014, tờ báo New York Times có một bài báo dựa trên những tài liệu do Snowden cung cấp nói rằng NSA đã xâm nhập vào thiết bị tại trụ sở Huawei nhằm theo dõi các liên lạc thông qua thiết bị mạng của Huawei trên toàn cầu.
Theo bài báo, NSA đã xâm nhập vào máy chủ của Huawei tại trụ sở hãng ở Thẩm Quyết để thu thập thông tin về việc các bộ định tuyến (router) và công tắc điện tử phức tạp của Huawei hoạt động ra sao, cũng như theo dõi liên lạc của các nhà điều hành cấp cao của Huawei.
Bài báo dẫn một tài liệu năm 2010 cũng nói mục tiêu của chiến dịch tấn công Huawei của NSA là nhằm xác định xem liệu có mối liên hệ nào giữa Huawei và quân đội Trung Quốc.
Đơn kiện và những cáo buộc của Huawei nhằm vào Mỹ cho thấy tập đoàn này đang có sự đáp trả mạnh mẽ hơn đối với Mỹ - quốc gia thời gian qua ra sức thuyết phục các nước đồng minh "cấm cửa" thiết bị Huawei khỏi các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 5G.
Leo thang xung đột Mỹ-Huawei có thể làm phức tạp thêm cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo một số thông tin gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa hoặc cuối tháng 3 để ký một thỏa thuận thương mại.
Hiện chưa rõ vấn đề Huawei liệu có được đưa vào một thỏa thuận tiềm năng giữa Washington và Bắc Kinh. Giới phân tích lo ngại rằng những diễn biến mới trong vụ Huawei rất có thể sẽ cản trở những nỗ lực của hai bên nhằm đi đến một thỏa thuận.