Không can thiệp “mạnh” như Syria, Nga dùng chiến thuật “khác biệt” ở Libya?

Quốc Vinh |

Nga muốn thể hiện sự trung lập ở Libya và mở rộng dấu ấn ở Trung Đông-Bắc Phi một cách khéo léo và nhẹ nhàng hơn, thay vì sử dụng sự can thiệp như ở Syria trước kia.

Khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) chuyển sang tấn công chính quyền ở Tripoli, quân đội Mỹ đã bất ngờ rời khỏi quốc gia Bắc Phi để lại Thủ tướng Fayez al-Sarraj và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ứng phó với vấn đề.

Nguyên soái Khalifa Haftar, cựu chỉ huy quân đội liên kết với những người trung thành với chính quyền Gaddafi năm xưa, sau khi tích lũy quyền lực và tài nguyên ở miền Đông Libya bắt đầu một cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Tripoli từ tay Chính phủ Hiệp định Quốc gia.

Tình trạng bất ổn của Libya xuất phát từ hậu quả của chiến dịch không kích vào tháng 10/2011 của NATO nhằm hỗ trợ quân nổi dậy tìm cách lật đổ Chính phủ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, bất chấp một động thái phản đối mạnh mẽ của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Sau sự tấn công của NATO và cái chết của người đứng đầu Gaddafi, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn mà không có chính phủ chính thức hoạt động, khi các phe phái cạnh tranh và các chiến binh thiết lập quyền kiểm soát trên các vùng rộng lớn của đất nước.

Các nhóm lớn nhất đã thành lập các Chính phủ riêng biệt – trong đó có một Chính phủ được hỗ trợ bởi LNA ở miền Đông Libya và GNA do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli.

Việc chia sẻ quyền lực thành hai phần chỉ duy trì được tạm thời khi một bên sắp xếp các nguồn lực để tiến tới sự thống nhất đất nước, một ý tưởng mà tướng Haftar – người đã tỏ rõ ý định muốn gây dựng quan hệ sâu sắc với Nga - dường như nghĩ đã đến sau nhiều năm, cây bút John C.K. Daly nhận định trên tờ Arab Weekly.

Vào tháng 11/2016, Nga đã đón tiếp Haftar trong một loạt ba chuyến thăm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Về cơ bản, người đứng đầu LNA đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ người Nga.

Đã có những quan điểm từ phương Tây cho rằng, Moscow từ lâu vẫn ngầm ủng hộ cho Haftar ở Libya. Tuy nhiên, cho đến nay, Nga vẫn thể hiện sự trung lập của mình bằng các tuyên bố chính thức về tình hình giao tranh ác liệt ở Libya.

Trong tuyên bố của mình, Nga kêu gọi các bên kiềm chế, hướng tới đối thoại để tìm kiếm giải pháp chính trị, tránh gây ra thương vong cho người dân. Trong khi khẳng định sẽ làm "bằng mọi cách" giúp tình hình Lybia không rơi vào viễn cảnh tồi tệ nhất.

Dẫu vậy, trong bối cảnh bạo lực đang gia tăng ở Libya, các nước phương Tây đã tìm cách tạo ra một phản ứng thống nhất vì lo ngại rằng Nga cũng như ở Syria , có thể tìm kiếm cơ hội tăng cường vị thế và trở thành quốc gia có tiếng nói lớn tại đây.

Washington từng có một lực lượng nhỏ ở Libya để hỗ trợ các lực lượng địa phương chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phiến quân al-Qaeda, cũng như để bảo vệ các cơ sở ngoại giao. Nhưng, sự ra đi của quân đội Mỹ đã khiến một số quốc gia bất ngờ giữa thời điểm có những báo cáo cho thấy Nga đang rục rịch tìm kiếm ảnh hưởng ở Libya.

Không can thiệp “mạnh” như Syria, Nga dùng chiến thuật “khác biệt” ở Libya? - Ảnh 1.

Tướng Haftar từng 3 lần đến thăm Nga.

Vào ngày 7/4, Nga đã ngăn chặn việc thông qua tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi LNA tạm dừng các hoạt động quân sự.

Nga nhấn mạnh rằng tuyên bố của Hội đồng nên kêu gọi tất cả các bên tham gia cuộc xung đột chấm dứt chiến đấu chứ không phải chỉ riêng LNA. Mặc dù, Moscow vẫn ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an kêu gọi các chiến binh Libya chấm dứt chiến sự và tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Ngày hôm sau, phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov kêu gọi tất cả các bên, tránh mọi hành động có thể gây ra đổ máu và cái chết của thường dân, nhưng Moscow không lên tiếng phản đối chiến dịch của Haftar.

Một yếu tố trong chương trình nghị sự của tướng Haftar đã giành được sự khen ngợi từ các Chính phủ nước ngoài - mặc dù lực lượng này muốn đối đầu với GNA - là cuộc chiến chống lại khủng bố, bao gồm cả những nhóm liên kết với IS.

Trên thực tế, cuộc chiến chống IS luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Điện Kremlin như đã được chứng minh ở Syria. Với việc IS mất đi thành trì ở Syria và Iraq, Moscow lo ngại sự hỗn loạn ở Libya có thể cho phép IS hồi sinh ở Bắc Phi.

Nga từng lo ngại về việc hàng ngàn phần tử cực đoan từ nước này đến Syria để huấn luyện và tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, sau đó đã quay trở lại Nga và thực hiện các vụ khủng bố. Do đó, khả năng chống lại khủng bố của Haftar là một yếu tố trung tâm trong sự hỗ trợ thận trọng của Moscow.

"Libya là nơi Moscow có thể tận dụng các cơ hội đến từ sự thiếu quyết đoán của phương Tây để có được đòn bẩy trong bối cảnh hỗn loạn mà không phải tham gia quá nhiều vào để gây ảnh hưởng", cây bút Daly nhấn mạnh.

Nga không thể hiện sự ủng hộ hay nghiêng hẳn sang một bên hậu thuẫn cho tướng Haftar và do đó, duy trì liên lạc với tất cả các phe phái chính trị. Đối với chương trình nghị sự dài hạn của Moscow có vẻ như Nga sẽ tìm cách cải thiện quan hệ kinh doanh và đầu tư với Libya trong khi gia tăng ảnh hưởng chính trị, thay vì can thiệp một cách mạnh mẽ.

Theo cây bút Daly, một khía cạnh mà Nga có thể đề xuất hợp tác với bất kỳ Chính phủ nào chiếm ưu thế ở Libya là chuyên môn của mình trong việc hỗ trợ sự hồi sinh của ngành công nghiệp hydrocarbon bị suy thoái của đất nước.

Thứ hai sẽ là cung cấp vũ khí cho bất kỳ chính quyền Libya mới nào với chi phí chỉ bằng một phần mức giá của phương Tây. Dấu chân bán vũ khí của Nga ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi đang tăng đều đặn.

Algeria và Ai Cập là những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga và thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận chuyển giao các hệ thống chống tên lửa S-400 của Nga, giữa sự sửng sốt của liên minh.

Các sự kiện ở Libya là bằng chứng nữa cho châu Âu và Mỹ thấy rằng Nga đang mở rộng dấu ấn ở Trung Đông-Bắc Phi một cách khéo léo và nhẹ nhàng hơn, một thực tế chính trị đáng để phương Tây xem xét trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại