Tổ hợp tên lửa Javelin – Cột mốc lớn trong cuộc đua vũ khí chống tăng?

Lê Ngọc |

Khi nhiều nước tăng cường phát triển xe tăng thì các loại vũ khí chống tăng cũng được nâng cấp và hoàn thiện, trong đó không thể bỏ qua tên lửa Javelin.

Sau khi bị máy bay và tên lửa làm lu mờ, lực lượng tăng - thiết giáp - quả đấm thép của lục quân - đang dần lấy lại vai trò của chúng trên chiến trường.

Nhiều quốc gia đang tăng cường phát triển và nâng cấp xe tăng sau một thời gian dài quên lãng, và theo đó, các loại vũ khí chống tăng cũng được phát triển, nâng cấp hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại mà tên lửa Javelin là một trong số đó.

Tổ hợp tên lửa Javelin – Cột mốc lớn trong cuộc đua vũ khí chống tăng? - Ảnh 1.

Tổ hợp chống tăng Javine. Ảnh: wikiki.org

Từ nhu cầu thực tiễn, chương trình AAWS-M (Hệ thống vũ khí chống tăng tiên tiến) đã được phê duyệt, và tháng 6/1989, một hợp đồng trị giá 30 triệu USD nhằm nghiên cứu phát triển Javelin cho quân đội Mỹ đã được trao cho liên doanh gồm hai nhà thầu tiền thân của Raytheon và Lockheed-Martin.

Javelin đã được thử nghiệm thành công vào năm1994 và lô Javelin đầu tiên được đưa vào biên chế từ năm 1996 thay thế tên lửa chống tăng M47 Dragon.

Javelin có tên đầy đủ là FGM-148 Javelin - là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai "bắn và quên" hiện đại nhất hiện nay, vượt trội về cơ chế điều khiển hơn so với nhiều loại tên lửa, kể cả Kornet của Nga, có thể bắn từ vai người lính mà không cần giá phóng.

Các tổ hợp chống tăng hoạt động theo nguyên tắc tương tự là tên lửa chống tăng cá nhân cơ động thế hệ thứ III "Avtonomiya" dẫn đường hồng ngoại IIR (Imagine Infra-Red) cùng với một biến thể đầu tự dẫn radar của Nga; tổ hợp tên lửa chống tăng thế hệ 3 Red Arrow 12 của Trung Quốc; Spike của Israel; Type 01 của Nhật Bản và Hyun-Gung của Hàn Quốc.

Tên lửa FGM-148 được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự..., có khả năng bắn trực thăng trong chế độ bắn cầu vòng ở độ cao cực đại 150 m (500 ft) ở chế độ tấn công trực tiếp và 60 m (190 ft).

Nó nặng 11,8 kg; dài 1,1 m; đường kính thân 127 mm; đầu đạn: 8,4 kg HEAT; tầm bắn hiệu quả: 75 - 2.500 m; tầm bắn tối đa gần 5.000m - tùy phiên bản; lái dẫn: ảnh hồng ngoại; có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm. Hệ thống tên lửa này bao gồm ba thành phần chính - bộ điều khiển, ống phóng và tên lửa; e-kíp hai người.

Đầu đạn Javelin thuộc kiểu 2 đầu nổ chuyên trị giáp phản ứng nổ (ERA) trang bị trên xe tăng hiện đại; đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng để đầu nổ 2 xuyên phá với sức xuyên 650 mm thép đồng nhất.

Một điểm độc đáo là đầu đạn sử dụng chất nổ mạnh HEAT của Javelin tiêu diệt các xe tăng hiện đại bằng cách tấn công từ trên cao - nơi lớp giáp mỏng nhất, được thiết kế để giảm trọng lượng xe. Sự xuất hiện của Javelin đã đảo lộn tất cả các tính toán của các nhà thiết kế tăng và việc bổ sung giáp phản ứng nổ không thực sự có ý nghĩa.

Kể từ khi đưa vào sản xuất loạt năm 1996 tới nay, 45.000 quả tên lửa cùng 12.000 bộ điều khiển CLU đã được chế tạo; tính đến tháng 1/2019, hơn 5.000 tên lửa Javelin đã được bắn trong chiến đấu. Javelin được Lục quân, Thủy quân Lục chiến Mỹ và Lực lượng đặc biệt Australia sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và đã chứng minh hiệu quả trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, trong các hoạt động chống nổi dậy ở Afghanistan, cũng như các hoạt động tác chiến ở Syria gần đây.

So với các hệ vũ khí chống tăng khác, Javelin dễ dàng tách và cài đặt khi cần; mặc dù nặng, nhưng vẫn nhẹ hơn nhiều tên lửa khác; tầm bắn lên tới 4.750 m và khả năng sát thương mục tiêu cao.

Mặc dù hình ảnh nhiệt có thể cản trở việc nhắm mục tiêu, Javelin cho phép người lính nhanh chóng lẫn tránh sau khi khai hỏa. Khi phát hỏa, Javelin tạo một luồng phụt tối thiểu, ngoài giữ bí mật vị trí của người lính, điều đó cho phép Javelin có thể được sử dụng từ các cấu trúc hẹp - lợi thế Javelin trong tác chiến vùng đô thị.

Tuy vậy, yếu điểm của hệ thống này là khối lượng nặng hơn so với yêu cầu ban đầu của Quân đội Mỹ và khá đắt: năm 2002, một đơn vị phóng lệnh Javelin duy nhất có giá 126.000 USD và mỗi tên lửa có giá khoảng 78.000 USD (tương đương 109.000 USD năm 2018); một nhược điểm khác là sự phụ thuộc vào bức xạ nhiệt để phát hiện mục tiêu và khai hỏa.

Để nâng cao hiệu quả của tên lửa, các nghiên cứu nâng cao tính năng của ngòi nổ, thuốc nổ… vẫn đang được tiến hành.

Mặc dù đầu đạn HEAT hiện nay của Javelin đã chứng minh hiệu quả trong việc tiêu diệt xe tăng, và các mục tiêu khác như vũ khí, các tòa nhà, và các phương tiện bọc thép và không bọc thép ở Iraq và Afghanistan, Trung tâm nghiên cứu hàng không và tên lửa, phát triển và chế tạo máy của Quân đội Mỹ đã phát triển đầu đạn đa năng (MPWH) cho FGM-148F.

Trong khi vẫn có thể hạ gục xe tăng, đầu đạn mới có vỏ thép tăng gấp đôi hiệu quả chống bộ binh nhờ tăng khả năng phân mảnh. MPWH không tăng thêm trọng lượng hoặc chi phí và có phần thân của tên lửa làm bằng vật liệu composite nhẹ hơn, sẽ được đưa vào trang bị vào đầu năm 2020.

Chương trình hiện đại hóa Javelin sẽ được thực hiện theo bốn giai đoạn; phiên bản FGM-148F là sản phẩm của giai đoạn phát triển thứ 2; giai đoạn 3 và 4, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục giảm trọng lượng và giá thành của tổ hợp.

Những gì được nhà sản xuất thông báo về Javelin sau nâng cấp cho thấy, khả năng diệt tăng của dòng tên lửa này vẫn giữ nguyên và như vậy, việc đối phó với những cỗ tăng hạng nặng như Armata là chuyện rất khó dù dòng tên lửa này sở hữu đòn đánh "đột nóc" rất nguy hiểm.

Theo nhận định của một chuyên gia hàng đầu của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược London (IISS), đạn pháo và vũ khí chống tăng của NATO hiện có hầu như không có tác dụng khi tấn công tăng Armata của Nga.

Chiến tăng T-14 Armata được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động (APS) Afghanit, có thể phá hủy các đầu đạn chống tăng hay làm chúng không hoạt động. Radar quang điện của Afghanit gồm bốn anten mảng pha chủ động, cảnh báo các đầu đạn đang bay về phía xe.

Sau khi tính toán phần tử bắn, Afganit sẽ phóng các đạn đánh chặn sử dụng cơ cấu nổ lõm để vô hiệu hóa mục tiêu trước khi nó kịp tấn công xe tăng. Thiết bị gây nhiễu sẽ làm rối loạn quỹ đạo tên lửa - tia laser và radar dẫn đường sẽ bị khóa do màn khói.

Nga khẳng định, hệ thống Afganit trên tăng Armata đủ sức vô hiệu được cả đạn pháo chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên làm từ hợp kim Uranium nén (APDS).

Tổ hợp tên lửa Javelin – Cột mốc lớn trong cuộc đua vũ khí chống tăng? - Ảnh 2.

UGV Titan được trang bị tên lửa diệt tăng Javelin điều khiển tự động. Ảnh: unmannedsystemstechnology.com

Một trong những điểm hạn chế của các loại tên lửa chống tăng là vẫn chịu tác động tâm lý của người điều khiển. Xu thế phát triển robot chiến trường sẽ phần nào khắc phục nhược điểm về dao động tâm lý người lính khi tiếp cận với đối thủ.

Công ty Milrem Robotics của Estonia phát triển UGV Titan - một loại xe vận tải bánh xích không người lái, có thể được lắp module chiến đấu bao gồm súng máy hạng nặng và cả tên lửa diệt tăng Javelin điều khiển tự động. Phiên bản này được cho là kỳ phùng địch thủ xứng tầm của xe tăng Nga T-90.

Theo nhiều chuyên gia, chiến tranh hiện đại chưa hẳn là các tập đoàn quân hùng mạnh với những đoàn tăng, thiết giáp và máy bay tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, mà là “cách mạng màu” và sử dụng lực lượng tại chỗ tiến hành các cuộc chiến du kích tương tự như Afghanisstan, Chechnya, Lybia và rõ nét nhất là Syria.

Mô hình nổi dậy, bạo loạn, chiến tranh du kích, phối hợp với chiến tranh truyền thông, chính trị và can thiệp quân sự tầm xa có thể làm thất thủ bất cứ chế độ nào. Vì vậy, các loại vũ khí chống tăng như Javelin và nhiều tổ hợp chống tăng cơ động khác đang có giá và có thị trường rộng lớn từ các nước đang phát triển và thế giới thứ ba./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại