Có vẻ như xe càng thông minh thì càng có nhiều vấn đề với sự thông minh của chúng; đó là những vấn đề sẽ không xảy ra trên những chiếc xe không thông minh, sử dụng những bộ phận cơ khí. Công nghệ phát triển khiến cho việc sử dụng xe thuận tiện hơn, nhưng cũng có nhiều lúc không tránh khỏi sự bất tiện mà chính những công nghệ đó mang tới.
Với riêng Tesla, đã từng có trường hợp nhân viên của hãng đăng ký nhầm số VIN, khiến cho nhiều chủ xe ở khắp nơi trên thế giới mất kiểm soát với nhiều tính năng trên chính chiếc Model 3 của họ.
Một sự việc xảy ra mới đây với một chủ xe Tesla ở Canada đã cho thấy lấy đi xe Tesla của người khác dễ thế nào chỉ bằng ứng dụng do chính Tesla phát hành.
Chiếc Tesla của ông Rajesh Randev. Ảnh: Global News
Ông Rajesh Randev (trái) và chủ chiếc Tesla bị lấy nhầm.
Vị chủ xe được nhắc tới là ông Rajesh Randev, sở hữu của một chiếc Tesla Model 3 màu trắng. Một ngày nọ, ông ra bãi xe, dùng ứng dụng mở khóa xe, leo lên xe và đi như bình thường. Nhưng chỉ khi ông nhìn thấy vết nứt trên kính xe thì mới bắt đầu nhận ra rằng chiếc Model 3 ông đang đi không phải xe của ông. Hóa ra, ở bãi xe hôm đó có 2 chiếc Model 3 cùng màu trắng đỗ kế bên nhau.
Vấn đề ở chỗ ông không chỉ có thể mở khóa, lái xe đi, mà còn sử dụng chiếc xe trong suốt cả tiếng đồng hồ mà không gặp vấn đề gì. Những gì ông dùng để mở khóa chiếc xe chỉ là ứng dụng do chính Tesla phát hành. Tất nhiên, ông Rajesh Randev đã trả lại chiếc xe cho khổ chủ sau đó.
Từ đây, có thể thấy rằng ứng dụng trên máy của ông Randev, hoặc của tất cả chủ xe Tesla, có lỗi phần mềm. Điểm chung duy nhất của hai chiếc Tesla ngày hôm đó là cùng có màu trắng, nên không rõ lỗ hổng của phần mềm xảy ra khi có những xe có chung tùy chọn ngoại thất, hay chỉ đơn giản đỗ sát nhau. Sự việc này khiến các chủ xe Tesla tỏ ra quan ngại khi hệ thống được gọi là chống trộm của chiếc xe đã chẳng có động tĩnh nào.
Chuyên gia bảo mật Sultan Qasim Khan từ NCC mô phỏng tấn công Tesla qua Bluetooth.
Ông Rajesh Randev cho biết là ông đã báo cáo sự việc với Tesla nhưng chưa nhận được phản hồi. Nhưng ngay cả khi ông Randev không nhận được hồi âm thì đây cũng chẳng phải lần đầu tiên Tesla ngó lơ cảnh báo bảo mật. Trước đó, công ty bảo mật công nghệ cao NCC cũng đã cảnh báo Tesla khi đã mô phỏng hack xe Tesla bằng Bluetooth.
Thử nghiệm của NCC không chỉ mở khóa xe, mà còn khởi động và vận hành chiếc xe, dù chìa khóa xe chưa từng xuất hiện hay ở gần chiếc xe. Đáng sợ hơn là NCC thực hiện việc này chỉ trong vài giây.
Phương pháp mà NCC thực hiện được gọi là Relay Attack, tạm dịch là Tấn công bằng phương pháp khuếch đại sóng. NCC sẽ dò tìm tín hiệu của chìa khóa, kết nối với chiếc xe và đánh lừa cả hai thiết bị rằng chúng đang ở gần nhau, từ đó có thể mở khóa chiếc xe.
Sau sự việc của anh Rajesh Randev, vấn đề bảo mật của Tesla giờ không chỉ tới từ bộ khóa từ xa, mà còn cả ứng dụng của Tesla. Xe của Tesla luôn được trang bị một loạt các phương án chống trộm như cảm biến, camera và chuông báo động, nhưng tất cả sẽ trở nên vô dụng khi kẻ xấu có thể tác động đến ứng dụng của Tesla.