Chỉ có một khoảnh khắc thực sự quan trọng trong suốt đêm tranh luận tổng thống cuối cùng: Donald Trump tuyên bố có khả năng ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử tháng 11 tới.
Đêm tranh luận đầu tiên, Trump hứa sẽ chấp nhận nếu Clinton chiến thắng. Đêm thứ hai, ông "nửa đùa nửa thật" nói rằng, tốt hơn hết là Clinton nên cố mà thắng, không thì ông sẽ nhốt bà vào tù. Đến đêm thứ ba, Trump đã nuốt lời hoàn toàn.
Khi điều phối viên Chris Wallace cảnh báo Trump trước nguy cơ phá vỡ lịch sử bầu cử và chuyển giao quyền lực trong hòa bình đã tồn tại hàng thế kỷ, Trump chỉ nhếch mép: "Tôi muốn để mọi người phải hồi hộp."
Theo Vox, đây không phải lần đầu tiên Trump tấn công nền dân chủ, hoặc kinh nghiệm và gốc gác của đối phương. Thế nhưng, khi bước vào những tuần cuối của chặng đua vào Nhà Trắng, cơ hội ngày càng vuột khỏi tầm tay khiến Trump trở nên thiếu kiên nhẫn, bất cần và nguy hiểm.
Trump được dự đoán sẽ thua cuộc trước Clinton. Nhưng bằng thái độ lập lờ và ngông nghênh thách thức, Trump đã vô tình khuấy động cả hàng triệu người ủng hộ ông, khiến họ tin ông hơn là tin vào nền dân chủ của chính quê hương mình, và sẵn sàng không chấp nhận kết quả bầu cử nếu nó không đúng như ý họ.
Người ủng hộ Trump bên tấm biển "Lữ đoàn bảo vệ bức tường của Trump" (phải) và châm ngôn "đưa thịnh vượng trở lại nước Mỹ" (trái). Ảnh: Getty/Spencer Platt
Nguy cơ bạo lực và xung đột giữa hai phe chiến tuyến
Ngay cả khi sáng hôm sau Trump lại thay đổi ý kiến, tuyên bố chấp nhận kết quả bầu cử vô điều kiện và không bao giờ nhắc lại chuyện cử tri hay bầu cử gian lận đi chăng nữa, ông cũng không thể hàn gắn lại những hoài nghi chính mình đã gieo rắc trong lòng người ủng hộ suốt nhiều tháng trời.
Trump có hàng triệu cử tri nhiệt liệt cổ vũ. Nhiều người trong số đó hâm mộ ông một cách cuồng tín.
Họ thật sự tin rằng ông sẽ chiến thắng áp đảo, chỉ vì Trump nói thế. Họ tin rằng Clinton đang tranh cử trái phép vì bà đã phạm tội. Họ tin rằng ban vận động tranh cử của Clinton đang bí mật phối hợp với người da màu để gian lận bầu cử.
Trong trường hợp đa số người dân Mỹ chấp nhận kết quả bầu cử, chỉ cần một vài kẻ bảo thủ nổi loạn cũng đủ gây tình trạng bất ổn và bạo lực. Chỉ cần vài người ủng hộ Trump đủ cực đoan để đòi lật đổ chính quyền Clinton, hoặc trút giận lên cộng đồng người nhập cư. Vậy mà số lượng "cổ động viên" của Trump lại lên tới hàng triệu người.
Theo Vox, khả năng bạo lực xảy ra vào ngày bỏ phiếu giữa phe Trump và phe Clinton là hoàn toàn có thể. Trump lại chẳng làm gì để dập tắt ngọn lửa giận dữ đang âm ỉ cháy. Trên thực tế, ông còn đổ thêm dầu vào lửa.
Trump thường xuyên nhắc người ủng hộ "để mắt" đến những nơi có thể gian lận, "như Philadelphia" mà đây là khu vực nhiều người da màu sinh sống. Trump giao cho người hâm mộ "quyền giám sát".
Vì vậy, khi mầm mống nghi ngờ cuộc bầu cử nảy mầm, họ sẽ không ngần ngại đứng lên bảo vệ quan điểm do chính Donald Trump "trao tặng".
Xung đột bùng nổ giữa nhóm người ủng hộ Trump và nhóm phản đối tại California vào tháng 5/2016. Ảnh: AFP/Mark Ralston
Có thể đã quá muộn để cứu vãn
Trump vốn luôn bị lên án vì khuyến khích nhiều thái cực của sự thù ghét: Từ quan điểm dân tộc da trắng thượng đẳng, chế nhạo trên sân trường, đến tội ác bạo lực do thái độ bài xích.
Vox bình luận, vấn đề của Trump là ông luôn cho phép cá nhân lên tiếng và hành động công khai mà không cần cảm thấy xấu hổ.
Người ủng hộ Trump nghe theo ông vì Trump thoải mái gọi tên những nỗi lo lắng, sợ hãi của họ; và rồi khuyến khích họ cứ công khai hành động một cách bản năng.
Trump nói với người ủng hộ những điều họ muốn nghe, và cử tri trở nên trung thành với ông, tin rằng những điều ông nói là chân lý - chỉ có mình là đúng, không cần nghe từ phía nào nữa.
Đó chính là lý lẽ đằng sau lịch sử bạo lực trong ngày bầu cử, trang Vox chỉ ra. Sẽ thật đáng buồn nếu tình trạng này lại tiếp diễn. Nhưng Donald Trump đang nhắn gửi đến người ủng hộ thông điệp hoàn toàn trái ngược.