LTS: Phòng cấp cứu, nơi xảy ra những câu chuyện chứa đầy kịch tính, mà một ca trực gồm 35 y, bác sĩ phải đối mặt. Trong những câu chuyện đó, hài hước có, đau khổ có, nhưng trên hết đó là áp lực khủng khiếp mà mỗi thành viên trong ca trực phải vượt qua để cứu người. Có những nhân viên cấp cứu do không chịu được áp lực đã bỏ nghề. Chúng tôi đã trực tiếp có mặt ở phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để ghi lại tất cả những câu chuyện ấy.
Kỳ 1: Chuyện ở phòng cấp cứu: "Ma men" chửi, đánh y tá, nôn thốc nôn tháo lên người bác sĩ
Kỳ 2: Chuyện ở phòng cấp cứu: Bệnh nhân tung cửa, ôm bụng chạy vào đòi được cấp cứu gấp
Kỳ 3:
Chuyện ở phòng cấp cứu: Áp lực đến phải bỏ nghề...
Bệnh nhân được lưu lại phòng cấp cứu phần lớn đều thuộc những trường hợp bệnh nặng, có nhiều người gần như vô thức, phản xạ chậm chạp, có người rơi vào trạng thái mê man, mất tri giác phải đưa vào phòng hồi sức cấp cứu, cách ly người nhà để bác sĩ theo dõi.
Khi người nhà chờ đợi mệt mỏi bên ngoài, thì bên trong phòng cấp cứu, tập thể nhân viên y tế trong kíp trực ngoài công việc của người điều trị, còn kiêm luôn việc làm vệ sinh cho bệnh nhân.
Nhiều nhân viên y tế không ít lần kiêm cả việc dọn vệ sinh cho người bệnh.
Nhân viên cấp cứu kiêm luôn việc... dọn vệ sinh
2h30 sáng, các bác sĩ đang hội ý về trường hợp bệnh nhân nặng để có những giải pháp xử lý kịp thời. Ở cuối góc phòng cấp cứu, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, điều dưỡng vội vã đi kiểm tra từng bệnh nhân để tìm người vừa đi tiêu vô thức.
Những bệnh nhân ở cạnh nơi bốc lên mùi hôi đều ngao ngán lắc đầu, vài người nôn ói ngay trên giường, bệnh nhân còn tỉnh táo khác hết phàn nàn vì có người vừa đi tiêu không đúng chỗ, đến quay sang nói nhân viên y tế, hối thúc họ dọn dẹp.
Vừa vệ sinh cho bệnh nhân đó xong, thì người khác lại đi tiểu vô thức, người nữa nôn ói đầy giường nằm… phòng cấp cứu đã căng thẳng lại càng ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Phát hiện có "mùi lạ", nhân viên y tế vội vã... xử lý, những người bệnh khác đều ngồi bật dậy vì không thể chịu nổi mùi xú uế.
Dù có nhanh chóng xử lý đến đâu thì 35 người trong một ca trực cũng không thể vừa cấp cứu, vừa chăm sóc, vệ sinh hết cho gần 100 bệnh nhân trong một vài phút. Người nhà bệnh nhân ở ngoài không hiểu nên mỗi lần nhân viên cấp cứu yêu cầu đưa tã lót, giấy vệ sinh thì họ lại than phiền vì vừa mới đưa vào lại phải đi mua tiếp.
Y tá Tâm của phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: "Việc vệ sinh cho bệnh nhân diễn ra hàng ngày, vì khi người bệnh được cách ly thì chúng tôi phải tự tay làm vệ sinh cá nhân cho họ. Phân hay nước tiểu của người bệnh cũng không giống như người bình thường, mùi rất nặng và khó chịu.
Có khi đang căng thẳng, mệt mỏi chưa kịp nghỉ ngơi mà phải tiếp tục dọn vệ sinh thì ai cũng choáng váng".
Xử lý xong chất thải của hai bệnh nhân, điều dưỡng cho biết, những bệnh nhân này mất tri giác nên việc lau, rửa, thay tã còn diễn ra dễ dàng, có nhiều bệnh nhân vẫn còn ý thức được nên họ ngại ngần, một hai đòi điều dưỡng phải cho người nhà vô mới chịu hợp tác.
5h sáng, kip trực vẫn chưa có thời gian để nghỉ ngơi.
Hơn 3h sáng, thức ăn, nước uống của y, bác sĩ trực ca đêm vẫn còn gác lại.
Những bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, hay tai biến… khi được đưa vào phòng cấp cứu cũng là lúc họ mất kiểm soát về tinh thần, ê-kíp nhận bệnh phải chia làm 2 tốp, một cấp cứu tích cực, một xử lý phần chất thải vung vãi đầy cơ thể người bệnh.
Chỉ với đôi găng tay bằng cao su, một khẩu trang y tế, nhân viên cấp cứu nhanh chóng dùng kéo cắt bỏ lớp quần áo rách nát, đầy máu của người được đưa đến. Khi lớp quần áo được cởi ra, những vết máu văng cả vào áo blouse của y, bác sĩ xung quanh.
Có lẽ đã quá quen thuộc, các y, bác sĩ nhanh chóng lau dọn những chất nhầy bám trên cơ thể người bệnh, thậm chí dùng tay hốt quần áo, cặn bẩn đầy mùi khó chịu mang đi để tiến hành cầm máu, hồi sức cho người bị nạn.
Nhân viên y tế trong phòng cấp cứu không chỉ có một việc cứu người mà họ kiêm luôn việc làm nhân viên vệ sinh, bác sĩ tâm lý...
Không ít nhân viên cấp cứu đã bỏ nghề
Chỉ khi có mặt ở phòng cấp cứu thời điểm này, người ngoài mới hiểu hết công việc của tập thể y, bác sĩ tại đây.
Họ không chỉ có nhiệm vụ cứu người, không chỉ đẩy hết bệnh nhân vào phòng, đóng cửa lại rồi... muốn làm gì thì làm như phần lớn người nhà bệnh nhân phàn nàn, mà bên trong là một áp lực khủng khiếp về tinh thần. Khi bác sĩ cấp cứu những ca bệnh nặng, không phải là từng giờ, mà phải là từng giây chiến đấu không ngừng để bệnh nhân giữ được mạng sống của họ.
Việc dọn chất thải cho bệnh nhân là công việc hàng ngày của nhân viên cấp cứu.
Những lần thở phào nhẹ nhõm, những lần hối thúc nhau truyền thuốc, nhồi tim... là trạng thái thường trực của y, bác sĩ phòng cấp cứu.
Bỏ qua áp lực khi người thân liên tục dọa đánh, liên tục năn nỉ bác sĩ cứu người, thì việc đối mặt với mùi tanh nồng của máu, mùi men của bia rượu, mùi hôi thối của chất thải từ bệnh nhân cũng khiến cho người khác phải nản lòng.
Vậy mà với nhiều nhân viên phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy thì đó chỉ là chuyện thường.
Nói là nói vậy, nhưng đó chỉ là lời của những con người yêu nghề đầy tận tụy. Trước khi nói ra câu nói nhẹ nhàng ấy, họ đã không ít lần chứng kiến đồng nghiệp của mình phải ngậm ngùi bỏ nghề.
Một y tá làm việc trên 9 năm ở BV Chợ Rẫy bộc bạch: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều lớp đàn em vào đây học việc. Ban đầu ai cũng háo hức với nghề, áp lực, mệt mỏi, căng thẳng họ đều vượt qua, chỉ đến khi làm vệ sinh cho bệnh nhân thì có lẽ sự chịu đựng vượt qua đỉnh điểm, họ xin về.
Mỗi đợt sinh viên thực tập, hay y tá, điều dưỡng tuyến dưới được giới thiệu đến đây học việc thì một nửa không thể vượt qua được".
Mỗi lần người nhà bệnh nhân được thông báo tình hình là một cung bậc cảm xúc mà bác sĩ phải chứng kiến.
Thật vậy, mới 4 tiếng đồng hồ đầu tiên của ca trực chiều, nhân viên cấp cứu đã xử lý đến 3 "bãi chiến trường". Vừa xử lý bệnh nhân này xong, tiếng còi xe cấp cứu lại xé toạc màn đêm, tiếng băng ca, tiếng điều hành của bác sĩ, tiếng bước chân dồn dập lại bắt đầu.
Những chiếc bánh mì, những phần cơm được y, bác sĩ mang theo đã nguội lạnh tự bao giờ, những ly cà phê, những ca nước mát cứ thế tan chảy quên mất thời gian.
Chỉ có thực sự yêu nghề, cần mẫn với công việc đầy áp lực và căng thẳng này thì nhân viên cấp cứu mới có thể cùng nhau chiến đấu với tử thần để mang bệnh nhân về với gia đình.
Tập thể y, bác sĩ trực vẫn âm thầm xem bệnh, truyền máu, tiêm thuốc... chốc chốc lại mời người thân bệnh nhân vào thông báo tình hình.Với người bệnh đã qua khỏi thì thân nhân ríu rít cảm ơn, với trường hợp phải đưa về thì người nhà không kiềm chế được, gào khóc ngay giữa phòng cấp cứu.
Lúc này, bác sĩ lại trở thành một người quen bên cạnh, phân tích, an ủi để họ vượt qua đau khổ, nhanh chóng làm thủ tục đưa người bệnh về nhà.
Tiếng tít… tít… của máy móc vẫn đều đều, tiếng rên la của bệnh nhân, tiếng người thân than khóc phía trước cửa phòng cấp cứu pha lẫn mùi tanh nồng của máu, mùi hôi thối của chất thải khiến không gian ở đây đặc quánh sự mệt mỏi. Đó chỉ là một phần trong những áp lực mà nhân viên phòng cấp cứu trải qua.
(Còn nữa)